28/05/2024 - 16:19

Tạo ra cây biết đổi màu khi tiếp xúc hóa chất độc hại 

Các nhà khoa học tại Ðại học California, Riverside (UCR-Mỹ) cho biết công trình của họ sẽ giúp tạo ra những loài thực vật có thể chủ động cảnh báo con người về các chất ô nhiễm và thuốc trừ sâu xung quanh.

Cây đã biến đổi từ màu xanh (ảnh trên) sang màu đỏ (ảnh dưới) sau khi tiếp xúc với thuốc trừ sâu azinphos-ethyl. 

Nghiên cứu đột phá này bắt đầu với một loại prôtêin thực vật gọi là axít abscisic (ABA). Ðây là một hoóc-môn giúp cây thích nghi với những thay đổi căng thẳng trong môi trường. Ví dụ, trong thời kỳ hạn hán, nhiều loại cây sẽ sản sinh ra ABA. Lúc này, các prôtêin khác gọi là thụ thể sẽ giúp cây nhận biết và phản ứng với ABA, bằng cách đóng các lỗ thoát hơi trên lá và thân, nhằm giảm thiểu tình trạng bốc hơi nước và giúp cây lâu héo hơn.

Năm 2022, nhóm nghiên cứu UCR đã chứng minh rằng prôtêin thụ thể ABA có thể được huấn luyện để liên kết với các hóa chất khác ngoài ABA. Trong nghiên cứu mới, họ phát hiện rằng một khi các thụ thể liên kết với hóa chất khác, cây sẽ chuyển từ màu xanh vốn có sang màu đỏ khi tiếp xúc với hóa chất độc hại. Ðiều này đã được họ chứng thực qua thí nghiệm với azinphos-ethyl, một loại thuốc trừ sâu bị cấm ở nhiều nơi do gây hại cho con người.

“Nếu bạn có một cánh đồng trồng những cây như vậy và chúng chuyển sang màu đỏ, đó là dấu hiệu rõ ràng ai đó đang sử dụng thuốc trừ sâu bị cấm”- Sean Cutler, giáo sư sinh học tế bào thực vật của UCR, cho biết.

Vì ngày càng có nhiều người lo lắng bị phơi nhiễm thuốc trừ sâu, các thuốc tránh thai hoặc thuốc chống trầm cảm tồn dư trong nguồn nước, các chuyên gia cho rằng việc cây cối có thể cảm nhận được sự hiện diện của bất kỳ hóa chất nào trong môi trường có ý nghĩa rất quan trọng.

LÊ THƯ (Theo Study Finds)

Chia sẻ bài viết