02/04/2018 - 21:32

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Tăng trưởng để người dân sống an toàn và hạnh phúc hơn 

Sáng 2-4, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 3 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là phiên họp cuối quý I, quý đầu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018 với nhiều chỉ số tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ. Với tính chất đặc biệt đó, tại Phiên họp lần này, nội dung về kinh tế xã hội được đưa lên đầu tiên thay vì công tác xây dựng pháp luật như thường lệ để Chính phủ thảo luận, đánh giá, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng cho cả năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2018. Ảnh: THỐNG NHẤT –TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2018. Ảnh: THỐNG NHẤT –TTXVN

Phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,7% năm 2018

Phát biểu khai mạc Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau ¼ chặng đường của năm 2018, kinh tế xã hội quý I tiếp tục tăng trưởng thuận lợi trên các lĩnh vực. GDP quý I 2018 cao nhất trong 10 năm qua, đạt 7,38%. Đặc biệt, ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh đạt gần 14%. Dịch vụ tăng 6,7%, cùng kỳ năm 2017 tăng 6,36%, trong đó bán buôn bán lẻ tăng 7,45%. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% so với cùng kỳ, bình quân mỗi tháng đạt 1,4 triệu lượt. Tổng cầu tiếp tục phục hồi tốt. Xuất khẩu ước đạt 54,3 tỉ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 14,8%). Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ tăng 9,5%).

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Các địa phương đều tập trung cải thiện chỉ số PCI và mức trung bình của chỉ số này đạt cao nhất kể từ 2005 đến nay. Không khí sản xuất kinh doanh đầu tư lan rộng tại các địa phương. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, văn hóa giáo dục, y tế chuyển biến tốt. Tỷ lệ thất nghiệp giảm 2,2%.

Chỉ ra những vấn đề còn khó khăn, Thủ tướng cho biết, tốc độ thành lập mới doanh nghiệp tăng chậm lại, chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp kinh doanh khó khăn còn cao, cụ thể là số doanh nghiệp ngừng sản xuất và giải thể. Thủ tướng đề nghị cần phân tích, làm rõ nguyên nhân thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp đổi mới phát triển sáng tạo để từ đó cải cách các vấn đề về cơ chế, chính sách thuế, đất đai để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, Thủ tướng cảnh báo mặc dù CPI tháng 3 giảm và quý I tăng thấp nhưng lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng, cần cảnh giác do xu hướng giá dầu, hàng hóa cơ bản tăng, các vấn đề tăng lương, trung hòa ngoại tệ…Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan “không được chủ quan vấn đề lạm phát” trong các quý tiếp theo để có những biện pháp phù hợp hơn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Vấn đề thương mại toàn cầu có nguy cơ khó khăn do động thái bảo hộ thương mại của một số nền kinh tế lớn trên thế giới dẫn đến khó khăn cho tăng trưởng kinh tế trong nước.

Trong Phiên họp, các thành viên Chính phủ cho ý kiến về kịch bản tăng trưởng cả năm 2018; đồng thời phân tích những yếu tố tiềm ẩn rủi ro từ diễn biến khó lường của kinh tế thế giới sẽ tác động đến tăng trưởng trong nước nhất là xu hướng bảo hộ mậu dịch, chính sách thuế, vấn đề tranh chấp thương mại tại các thị trường lớn ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam. Các thành viên Chính phủ cũng báo cáo, cho ý kiến về một số vấn đề nổi cộm khác được dư luận quan tâm.

Tăng trưởng đi đôi với đảm bảo chất lượng

Kết luận Phiên họp, nhìn nhận kết quả tăng trưởng quý I ở mức 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua, Thủ tướng cho rằng kết quả này có được nhờ những hành động quyết liệt của Chính phủ.

Để ứng phó với thực trạng chính sách bảo hộ thương mại có chiều hướng gia tăng trên toàn cầu và nguy cơ chiến tranh thương mại ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan có biện pháp ứng phó chủ động phòng vệ thương mại với tinh thần quyết liệt, kịp thời hơn.

Thông tin về việc Báo cáo mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới mang tên Sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai, Việt Nam được xếp vào nhóm chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có chủ trương, lộ trình kịp thời, mạnh mẽ hơn để Việt Nam không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp quan trọng này.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2018. Ảnh: THỐNG NHẤT -TTXVN

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2018. Ảnh: THỐNG NHẤT -TTXVN

Đáng chú ý, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến thông điệp tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với đảm bảo chất lượng tăng trưởng và đảm bảo đời sống cho người dân. “Chính phủ sẽ cố gắng duy trì nhịp độ tăng trưởng cao; đồng thời phấn đấu nâng cao chất lượng tăng trưởng để người dân sống an toàn và hạnh phúc hơn, doanh nghiệp kinh doanh ổn định và thành công hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Rà soát kịch bản tăng trưởng

Về kịch bản tăng trưởng, Thủ tướng cho biết, ADB và một số tổ chức, định chế tài chính khác đều dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức xung quanh chỉ số 6,7% trong năm 2018, phù hợp với tính toán của Chính phủ.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, rà soát kịch bản tăng trưởng theo quý của từng ngành, lĩnh vực để làm căn cứ chỉ đạo với mục tiêu đạt chỉ tiêu tăng trưởng thấp nhất là 6,7% trong năm 2018. Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung khắc phục tình trạng trì trệ, yếu kém trong từng lĩnh vực, địa phương, vùng miền; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành địa phương đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.

Song song với đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về thể chế, tập trung tháo gỡ nợ đọng về xây dựng pháp luật và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Tại phiên họp, Thủ tướng chỉ đạo tập trung chuẩn bị kỹ nội dung cho các hội nghị chuyên đề về những vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước như: xuất nhập khẩu, phát triển doanh nghiệp, logistic, xây dựng cơ bản… Đánh giá cao việc một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi xuất cho vay, thúc đẩy sản xuất phát triển, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành liên quan không lơ là nhiệm vụ kiểm soát thị trường bất động sản, chứng khoán.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tính toán lại lộ trình điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế một cách phù hợp, không tự tiện nâng giá, phí để đảm bảo kiềm chế lạm phát. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá nhất là trước dịp mùa hè sắp đến, phấn đấu đạt  mục tiêu tăng trưởng 30% trong năm 2018.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách người có công, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo và có giải pháp tạo việc làm thiết thực, hiệu quả, nhất là lao động nông thôn. Quyết liệt hơn nữa trong ngăn chặn, xử lý vận chuyển chất cấm, đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý giáo dục môi trường dạy và học.

Quang Vũ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết