29/07/2013 - 22:49

TRƯỞNG BAN KINH TẾ TRUNG ƯƠNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ:

Tăng cường phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ĐBSCL

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ (người đứng), phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

* Cần Thơ đề nghị Trung ương tăng cường hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản...

(CT)- Ngày 29-7-2013, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cùng các thành viên của Ban Kinh tế Trung ương đã làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB).

Đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ TNB đã báo cáo với Đoàn công tác về tình hình chung của vùng TNB 6 tháng đầu năm; một số nhiệm vụ trọng tâm đã và đang triển khai… Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh những khó khăn, vướng mắc cần được Trung ương hỗ trợ tháo gỡ, như: tình hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản trong vùng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là giá cả và thị trường tiêu thụ không ổn định. Số lượng doanh nghiệp bị giải thể, ngưng hoạt động còn cao, thị trường bất động sản phục hồi chậm. Tiến độ thực hiện chương trình nông thôn mới chưa đạt kế hoạch... Trên cơ sở đó, đồng chí đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với các bộ ngành và cơ quan Trung ương để sớm hoàn chỉnh đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp với quan hệ sản xuất mới, mở rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, sớm hình thành mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL; có các chính sách nhằm tăng cường quản lý sản xuất và bảo đảm đầu ra cho nông sản...

Các thành viên trong đoàn công tác đã tập trung phân tích, làm rõ tình hình hiện tại và nguyên nhân những khó khăn vướng mắc, đề xuất một số hướng tháo gỡ. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, hỗ trợ ĐBSCL tháo gỡ những khó khăn, ổn định và phát triển KT-XH là một việc cần kíp bởi vị thế, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của ĐBSCL đối với cả nước. 5 năm gần đây, ĐBSCL phát triển khá nổi trội. Các tỉnh, thành phố trong vùng cũng đã triển khai tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương về kiềm chế lạm phát, ổn định và phát triển kinh tế… Đồng chí cũng ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của BCĐ TNB để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đến lãnh đạo trung ương; đồng thời khẳng định Ban Kinh tế Trung ương sẽ tăng cường phối hợp với BCĐ TNB để nghiên cứu, hoạch định những đường lối chính sách thiết thực, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.

* Cùng ngày, Đoàn cán bộ Ban Kinh tế Trung ương và BCĐ TNB đã làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố đã tiếp Đoàn.

Báo cáo của Thành ủy Cần Thơ nhận định: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn làm cho KT-XH khu vực nông thôn TP Cần Thơ có chuyển biến rõ rệt. So với năm 2008, tổng sản phẩm (GDP) khu vực nông lâm thủy sản năm 2013 tăng 5,52%, giá trị sản xuất tăng 15,41%. Giai đoạn 2009-2013, tổng vốn ngân sách đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố đạt trên 6.500 tỉ đồng, chiếm 38,59% tổng vốn đầu tư toàn thành phố; mức đầu tư bình quân mỗi năm bằng 2,5 lần so với bình quân hằng năm giai đoạn trước Nghị quyết. Sau 5 năm, thành phố có thêm 8 xã đạt tiêu chí về thủy lợi, thêm 12 xã có đường ô tô đến trung tâm, 99% hộ nông thôn sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân lao động khu vực nông thôn năm 2013 đạt 30,5 triệu đồng, bằng 1,7 lần so với năm 2008; có thêm 15 xã đạt các tiêu chuẩn về văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm…

Tuy nhiên, theo đồng chí Bí thư Thành ủy, quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH nói chung, thực hiện các chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói riêng, Cần Thơ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là cơ sở hạ tầng giao thông còn thấp. Ứng dụng khoa học, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp ở Cần Thơ chưa đạt như mong muốn. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, đặc biệt là chất lượng lao động nông thôn. Việc thu hút đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng chậm… Đồng chí đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách ưu tiên đầu tư cho Cần Thơ nói chung, hạ tầng nông thôn nói riêng. Trong đó, cần sớm hoàn thành việc nạo vét kênh luồng Định An và đảm bảo cho tàu có tải trọng lớn lưu thông; mở chuyến bay quốc tế tại sân bay Cần Thơ; tăng công suất nhà máy nhiệt điện Ô Môn. Trung ương cần tăng cường hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu; sớm hoàn thiện chính sách khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích liên kết sản xuất; chế biến tiêu thụ nông sản…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị lãnh đạo thành phố  tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới và nâng cao hơn nữa đời sống nông dân; tiếp tục đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng thành phố. Cần Thơ cần tận dụng có hiệu quả những tiềm năng lợi thế sẵn có để phát triển KT-XH; phát huy hơn nữa vai trò trung tâm vùng bằng cách tăng cường các hoạt động liên kết, thúc đẩy các địa phương trong khu vực ĐBSCL cùng phát triển.

HOÀNG THANH

 

Chia sẻ bài viết