24/01/2017 - 14:44

Sóng nước của kình ngư

Có thể nói, với Nguyễn Thị Ánh Viên, Trung tâm Thể dục thể thao Quốc phòng 4 (gọi tắt là Trung tâm 4) là nơi nâng đỡ và thúc đẩy kình ngư không ngừng vươn xa trên đường đua xanh. Trung tâm không chỉ tạo điều kiện cho Ánh Viên tập huấn dài hạn ở nước ngoài vài năm qua, mà còn quan tâm gia đình Ánh Viên, giúp cô an tâm chinh phục các giải bơi lội quốc gia và quốc tế. Ngoài ngôi sao đã tỏa sáng Ánh Viên, Trung tâm 4 đang kiên trì với chiến lược đào tạo VÐV trọng tâm, hứa hẹn sẽ là nơi những kình ngư mới thỏa sức vẫy vùng và vươn xa.

Sáng sớm một ngày giữa tháng 10, tôi nhận điện thoại của Đại tá Bùi Hữu Nghi, Giám đốc Trung tâm 4, về việc Ánh Viên sẽ về nước chuẩn bị tham dự giải quốc gia. Ông đã sẵn sàng lên TP Hồ Chí Minh đón nữ kình ngư. Tôi tháp tùng chuyến đi ấy và có được những cảm nhận khó quên về sự chu đáo của một cơ quan quản lý thể thao đối với VĐV.

Buổi tập luyện của các VĐV bơi lội Trung tâm TDTT Quốc phòng 4. Ảnh: NGUYỄN MINH

Khi xe đến điểm tập trung đoàn đi đón Ánh Viên, đã có đầy đủ gia đình Ánh Viên và HLV từng dìu dắt cô từ những ngày đầu đến với bơi lội. Hôm ấy, chuyến bay của Ánh Viên đáp muộn hơn 3 giờ đồng hồ so với dự kiến. Chờ đợi khá lâu ở sân bay, nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ trên gương mặt của Đại tá Bùi Hữu Nghi khi thấy Ánh Viên xuất hiện. Ông đến tặng hoa và chỉ kịp nói với HLV của Ánh Viên vài câu, rồi trao phần thưởng theo chế độ đã được chuẩn bị tươm tất. Cuộc gặp mặt diễn ra chớp nhoáng do Ánh Viên phải lập tức tập trung về Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Không chỉ chuyến đi này mà đã nhiều lần như thế, đoàn của Trung tâm 4 đến sân bay đón Ánh Viên chỉ để gặp cô trong thời gian rất ngắn. Điều đó thể hiện sự quan tâm, chu đáo của các nhà quản lý thể thao quân đội đối với VĐV của mình. Đại tá Bùi Hữu Nghi kể: "Mọi chế độ chính sách của Ánh Viên hằng tháng đều được gởi về gia đình. Trung tâm 4 không chỉ lo cho VĐV mà còn quan tâm đến gia đình của các em, bởi đây là chỗ dựa tinh thần giúp các VĐV tập luyện tốt hơn".

Ngoài Ánh Viên, Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 đang có một thế hệ tiếp nối đầy hứa hẹn với khoảng 30 VĐV trẻ và năng khiếu, trong đó có những gương mặt đầy triển vọng như Mỹ Xuyên, Quang Thuấn hiện tập trung đội tuyển trẻ quốc gia khi mới 10 tuổi. Đại tá Bùi Hữu Nghi chia sẻ: "Từ thành công của Ánh Viên, công tác tuyển sinh của Trung tâm 4 thuận lợi hơn. Các phụ huynh ở những nơi HLV của trung tâm đến tuyển sinh đều tin tưởng gởi gắm con em mình, với mong muốn các cháu sẽ phát triển thành VĐV chuyên nghiệp". Trung tâm 4 thường chọn những địa phương chưa phát triển bơi lội để tìm kiếm VĐV, và rất cân nhắc khi đến những địa phương mà bộ môn này đã phát triển mạnh. Bởi Trung tâm 4 quan tâm phát hiện năng khiếu và tài năng bẩm sinh, hơn là kỹ thuật và thành tích. Hơn nữa, việc tuyển chọn cũng khá gắt gao với những tiêu chí khắt khe. Đại tá Bùi Hữu Nghi cho rằng: "Chỉ tiêu của đội bơi lội là 30 VĐV, không nhiều hơn cũng không ít hơn. Lực lượng ít nhưng phải chất lượng".

* * *

Để có được thành công như hôm nay, Trung tâm 4 đã trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình phát triển. Được thành lập vào ngày 15-8-1998 từ tiền thân là Đoàn thể thao Quân khu 9, Trung tâm 4 có đầy đủ các bộ môn như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bóng bàn... Sau gần 18 năm tìm lối đi riêng, giờ đây Trung tâm còn lại 4 môn là bơi lội, bi sắt, judo và võ cổ truyền. Trong giai đoạn đó, khó khăn nhất là khi Trung tâm phải giải tán những đội thể thao, mà gần đây nhất là giải tán đội bóng chuyền. Một số VĐV giỏi của đội đã được chuyển đến thi đấu ở đơn vị khác, còn một số đi học chuyên môn khác. Việc giải bài toán nhân sự sau khi giải tán đội thể thao luôn làm các nhà quản lý Trung tâm 4 đau đầu. Hay như đội bi sắt có chủ trương giải tán, nhưng Trung tâm 4 mong muốn giữ lại, phải chủ động xã hội hóa để duy trì. Sự tồn tại của đội bi sắt luôn phải đặt dưới sức ép thành tích ở các giải đấu quốc gia.

Những khó khăn đó không làm nản lòng những người đang nắm giữ các bộ môn còn lại của Trung tâm 4. Thành công của bơi lội là minh chứng cho sự kiên trì, tận tụy của đội ngũ ở đây. Nhằm đảm bảo đào tạo VĐV đạt thành tích cao, Trung tâm 4 luôn chú trọng công tác đầu vào (tuyển sinh năng khiếu). Các HLV của Trung tâm không quản ngại gian khó, hay đường sá xa xôi, vất vả để tìm kiếm những hạt mầm thể thao vốn tiềm tàng ở khắp vùng sông nước ĐBSCL. Và bơi lội là bộ môn đầu tiên chứng tỏ sự đúng đắn của chiến lược ấy. Những ngày đầu thành lập đội bơi lội nghiệp dư, HLV phải "nằm vùng" ở các kỳ thi Hội khỏe Phù Đổng dành cho học sinh tiểu học.

Sau những thành công vang dội của Ánh Viên, việc tuyển chọn được thực hiện theo quy chuẩn tiên tiến, với sự góp sức của các chuyên gia nước ngoài. Bên cạnh đó, Trung tâm 4 đã liên hệ với Sở Giáo dục Đào tạo Hậu Giang tổ chức các lớp phổ biến phổ cập bơi tại các trường học. Các giáo viên giáo dục thể chất trên địa bàn được tập huấn để giúp địa phương xóa mù bơi, qua đó phát hiện những nhân tố tài năng. Từ năm 2015, Trung tâm 4 đã cử các HLV đến tận những vùng sâu vùng xa của Hậu Giang để thực hiện công tác này. Trên 500 trẻ đã được tập huấn và khoảng 20 trẻ được tuyển chọn để tập luyện kiểm tra dưới sự theo dõi của các chuyên gia nước ngoài tại Trung tâm vào mùa hè 2016. Kết quả, khoảng 10 trẻ có tiềm năng tốt được giữ lại để tiếp tục huấn luyện.

* * *

Những ngày cuối năm 2016, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên tiếp tục mang về những tin vui cho làng bơi lội nước nhà khi giành được 1 HCV và 3 HCĐ tại Giải vô địch bơi lội châu Á 2016 diễn ra ở Nhật Bản. Sự tỏa sáng của Ánh Viên tại đấu trường châu Á và thế giới vài năm qua đã góp phần rất lớn vào sự thay đổi của Trung tâm 4, cả về cơ sở vật chất lẫn uy tín trong đào tạo. Với những chiến lược bài bản, Trung tâm 4 đang chuyển mình lướt trên những ngọn sóng hàng đầu trong đào tạo bơi lội Việt Nam.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết