11/06/2022 - 15:12

Số hóa để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục 

Nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) TP Cần Thơ thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số (CÐS) trong toàn ngành. Ðặc biệt, quá trình CÐS trong công tác quản lý, dạy và học ở các trường được thúc đẩy mạnh mẽ trong bối cảnh dịch COVID-19, qua đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục.

Giờ học của học sinh Trường THCS Thị trấn Thới Lai học tại phòng học 2 chức năng. 

Hiệu quả bước đầu

Chỉ vài thao tác trên máy tính, anh Nguyễn Hoàng Giang (ngụ quận Ninh Kiều) đã có những thông tin chính xác trên trang tuyển sinh của Sở GD&ÐT thành phố (https://tuyensinh.cantho.gov.vn/). Anh Nguyễn Hoàng Giang cho biết việc nộp hồ sơ, tra cứu các thông tin tuyển sinh lớp 10 hay tìm hiểu về các trường THPT của thành phố dễ dàng hơn so với trước. Phụ huynh không nhất thiết đến trực tiếp từng trường để tìm hiểu thông tin tuyển sinh, số lượng đầu vào; tiết kiệm được thời gian, công sức. "Khi có kết quả thi tuyển sinh lớp 10, chỉ cần nhập mã học sinh và mật khẩu có thể tra cứu thông tin", anh Giang nói. Gia đình anh Nguyễn Hoàng Giang có con gái học lớp 7 và con trai thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023.

Ðó là một trong các phần mềm tuyển sinh trực tuyến mà ngành Giáo dục thành phố thực hiện những năm qua. Ngành còn có các phần mềm khác như: phần mềm VNEDU quản lý trường mầm non tại địa chỉ https://www.vnedu.vn; phần mềm đánh giá khẩu phần ăn dinh dưỡng cho trẻ mầm non Nutrikid, Kidsmart, Happykid...; phần mềm xếp thời khóa biểu TKB 9.0, Vietschool. Tất cả cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT ở thành phố sử dụng phần mềm quản lý học sinh SMAS trong thực hiện điện tử hóa hồ sơ sổ sách đối với công chức, viên chức tại các đơn vị. Ngành GD&ÐT đã trang bị 31 phòng họp trực tuyến (1 phòng tại sở, 27 phòng tại các trường THPT trực thuộc, 3 ở phòng GD&ÐT) với chức năng tổ chức thao giảng, hội giảng, họp giao ban, tập huấn trực tuyến. Các phòng họp trực tuyến giúp việc tổ chức hoạt động chuyên môn thuận lợi, tiết kiệm thời gian, kinh phí đi lại; góp phần hiệu quả vào việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và các hoạt động giáo dục của đội ngũ nhà giáo tại các cơ quan, đơn vị.

Theo lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố, việc thực hiện CÐS trong ngành đã được thực hiện nhiều năm trước, đặc biệt từ năm 2020 ở thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành đã linh hoạt thích ứng, đảm bảo mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo chương trình giáo dục. Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, cho biết: Bước đầu CÐS trong ngành mang lại hiệu quả trong hoạt động quản lý, rút ngắn thời gian tiếp nhận các văn bản chỉ đạo từ Bộ, UBND thành phố, công tác triển khai của Sở đến các cơ sở giáo dục. Các trường linh hoạt tổ chức dạy và học trực tuyến, tiết kiệm thời gian, nhân lực, phương tiện cơ sở vật chất, mở rộng không gian tổ chức dạy và học... Giáo viên chủ động hơn trong thực hiện phương pháp giảng dạy.

Năm học 2021-2022 là niên khóa đặc biệt vì học sinh Cần Thơ phải tạm dừng đến trường để phòng dịch bệnh, nhưng không dừng việc học. Ngành đã triển khai, hướng dẫn các đơn vị một số hình thức tổ chức dạy học qua các phương tiện công nghệ thông tin như: thư điện tử, Zalo, Facebook, Messenger, Classroom, Viber, Zoom, Microsoft Teams, Dạy học qua truyền hình. Một số trường THCS, THPT trang bị các phòng học đa phương tiện (phòng học được trang bị tivi thông minh, kết nối mạng internet thông suốt…) để tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá bảo đảm chất lượng giáo dục. Nhờ ứng dụng CÐS trong hoạt động dạy và học, giúp các trường phổ thông ở Cần Thơ đã thực hiện đúng kế hoạch năm học, học sinh được duy trì, củng cố kiến thức thường xuyên…

Tại Trường THCS Thị trấn Thới Lai, từ đầu học kỳ II của năm học này, Ban Giám hiệu đầu tư xây dựng 4 phòng học "2 trong 1" (mỗi phòng khoảng 20 triệu đồng) để phục vụ học sinh phải ở nhà khi không may mắc COVID-19. Thông qua đó, các em học sinh có thể học trực tuyến, không bị gián đoạn việc học. Trường đã thành lập tổ công nghệ thông tin nhằm hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên phụ trách giảng dạy ở các phòng học này. Tương tự, tại Trường THCS Lê Lợi (quận Ô Môn), nhà trường xây dựng các phương án tổ chức dạy và học trực tiếp kết hợp trực tuyến cho học sinh. Thầy Trần Văn Ðường, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, cho biết nhà trường đã duy trì việc dạy và học bằng hình thức trực tuyến, ứng dụng phần mềm quản lý học sinh. Nhờ đó, công tác quản lý, tổ chức dạy và học ở trường đảm bảo đúng kế hoạch năm học 2021-2022.

Thúc đẩy CĐS trong toàn ngành

Tại Hội thảo Chuyển đổi số trong lĩnh vực GD&ÐT do Sở GD&ÐT thành phố vừa tổ chức, đại diện các đơn vị cho rằng CÐS là xu thế tất yếu, là nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục trong thời Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, CÐS trong ngành Giáo dục vẫn còn một số tồn tại nhất định. Trong đó, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho việc xây dựng bài giảng điện tử, thiết bị dạy học số chưa được trang bị; làm cản trở quá trình xây dựng và hình thành kho học liệu số của ngành. Ðội ngũ giáo viên chủ yếu là tự học về công nghệ thông tin, chưa được bồi dưỡng, hỗ trợ bài bản, chính quy…

Theo ông Lê Hoàng Duy Linh, Trưởng Phòng GD&ÐT quận Ô Môn, công tác CÐS trong giáo dục đã có những kết quả tích cực, nhưng quận vẫn còn một vài hạn chế như năng lực công nghệ thông tin ở một số cán bộ quản lý và giáo viên lớn tuổi; thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường chưa được đầu tư đầy đủ, nhiều phòng Tin học đã xuống cấp...

Toàn thành phố hiện có 448 trường, với 239.894 học sinh từ bậc mầm non đến THPT; với 16.412 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên công tác tại các cơ sở giáo dục. Thời gian tới, ngành Giáo dục thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện Ðề án Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo cán bộ quản lý ngành, các đơn vị, cộng đồng xã hội cùng tham gia CÐS. Phối hợp với VNPT, Viettel sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu ngành GD&ÐT thành phố; cùng với các công ty viễn thông, các doanh nghiệp xây dựng thí điểm Trung tâm Ðiều hành Giáo dục thông minh (IOC Edu) của ngành Giáo dục. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp để trang bị nội dung kiến thức, kỹ năng liên quan CÐS trong ứng dụng, xử lý phần mềm quản lý, giảng dạy, học tập…

Ông Trần Thanh Bình nhấn mạnh: "Ngành sẽ có kế hoạch phân kỳ trên cơ sở các nội dung CÐS, tập trung trang bị, mua sắm mới các trang thiết bị tối thiểu phục vụ CÐS năm nay và những năm tiếp theo. Phối hợp với các sở, ngành thành phố tổ chức các hội thảo chuyên đề cấp sở, thành phố, cấp vùng về các nội dung có liên quan đến CÐS để tranh thủ các nguồn lực CÐS ngành, trong đó huy động nguồn lực xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, ủng hộ CÐS của ngành Giáo dục thành phố".l

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết