11/09/2008 - 20:38

Sinh viên khuyết tật khát khao có việc làm

Hàng năm, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ở TP Cần Thơ có hàng trăm sinh viên khuyết tật (KT) ra trường. Trong số đó có rất nhiều em tốt nghiệp loại khá, giỏi, thành thạo tin học, có chứng chỉ ngoại ngữ, năng động… nhưng vẫn chưa có việc làm.

* NỖ LỰC HỌC TẬP

Huỳnh Ngọc Hồng Nhung là một người KT. Ngay từ nhỏ, sống ở vùng sâu của tỉnh Sóc Trăng, hàng ngày mẹ phải cõng Nhung vượt qua những quãng đường sình lầy, những cây cầu khỉ cheo leo để đưa con đến lớp. Đến năm học cấp 3, một mình Nhung lặn lội đến Cần Thơ ở trọ để đi học. Chưa có xe ba bánh để đi lại, các bạn cùng lớp thay nhau chở Nhung đến lớp. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng Nhung luôn tự nhủ: “Nếu không học là tự đầu hàng số phận”. Khắc phục mọi khó khăn, Nhung vươn lên cố gắng học tập và tốt nghiệp đại học ngành sư phạm Anh văn Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) năm 2000. Ngày tốt nghiệp, Nhung rưng rưng nước mắt khi lên nhận bằng. Nhung tâm sự: “Đối với những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, đến được với ngưỡng cửa đại học đã là khó khăn. Nhưng với người KT, tốt nghiệp đại học càng khó khăn gấp nhiều lần. Nhưng nghĩ đến mẹ, đến tương lai, Nhung cắn răng vượt qua tất cả”.

 40 sinh viên khuyết tật đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ khuyết tật Trường ĐHCT. 

Ở Trường ĐHCT, còn rất nhiều sinh viên KT vươn lên, vượt qua những hoàn cảnh khốn khó của gia đình, vượt lên tật nguyền để học tập. Trong đó Trần Thị Hồng Thắm là một tấm gương vượt khó tiêu biểu. Sinh ra và lớn lên ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Thắm bị liệt hai chân từ nhỏ, gia đình lại nghèo nhưng ước mơ được đến trường luôn cháy bỏng trong tim. Thấy con quá ham học, mẹ Thắm mua cho con sách để tự học ở nhà. Năm Thắm tám tuổi, cha mẹ quyết định cho em đi học. Để đến lớp, Thắm phải quá giang bạn bè bằng xuồng, đi bộ hơn 1 cây số. Không ít lần đi học về, trên người Thắm lấm lem sình bùn, da rướm máu... đến cấp 2, cấp 3, quãng đường đi học ngày càng xa nhưng tất cả khó khăn không quật ngã được cô học trò nghèo. Những năm học phổ thông, Thắm liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi và xuất sắc đậu vào Trường ĐHCT ngành Tài chính và Chăn nuôi thú y khóa 29. Thắm đã chọn học ngành Chăn nuôi thú y. Vừa học, Thắm vừa tham gia sinh hoạt câu lạc bộ sinh viên KT của Trường ĐHCT mà Thắm được các bạn tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm. Bằng nghị lực phi thường, tháng 8-2008, Thắm đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi.

* KHÓ KHĂN TÌM VIỆC LÀM

Sau khi tốt nghiệp, Huỳnh Ngọc Hồng Nhung hăm hở nộp hồ sơ tìm việc làm. Một cái lắc đầu, hai cái lắc đầu... rồi tất cả đều lắc đầu trước Nhung. Buồn chán, Nhung tìm đến sinh hoạt tại Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ. Để giết thời gian và cũng để tìm kiếm hy vọng, Nhung lao vào học bài và thi đậu ngành Tài chính kế toán của Trường ĐH kinh tế TP HCM. Vừa học, vừa sinh hoạt ở câu lạc bộ, Nhung đã bớt buồn và trong Nhung len lỏi những mầm hy vọng mới. Trong một lần tình cờ, Nhung nộp hồ sơ và vượt qua nhiều ứng viên đi học thạc sĩ về Phát triển vùng và nông thôn ở Thái Lan. Sau hai năm du học, Nhung hăm hở cầm tấm bằng với tràn trề hy vọng sẽ có cơ hội cống hiến nhiều hơn. Nhưng gõ cửa nhiều nơi, Nhung vẫn chưa tìm được việc làm. Sau khi đọc bài nói về nghị lực của Nhung trên Báo Cần Thơ, một lãnh đạo ở một cơ quan đề nghị Nhung đến làm việc. Nhưng chỉ khoảng 1 tuần sau, chính vị lãnh đạo này dù rất mến, tiếc khả năng của Nhung cũng đành từ chối vì cấp trên của ông ta “e ngại”. Sau đó, Nhung bị “sốc” nặng. Nhung tâm sự: “Biết rằng dù có đi học thì sau khi tốt nghiệp, cơ hội có việc làm rất khó, nhưng tôi vẫn học. Học để tìm cơ hội đổi đời, đổi thay số phận dù cơ hội đó rất mong manh”.

Trần Thị Hồng Thắm cũng đang đối mặt với khó khăn trong quá trình tìm việc làm. Thắm làm 4 bộ hồ sơ gởi cơ quan nhà nước và cả doanh nghiệp tư nhân nhưng chưa nơi nào nhận. Thắm buồn bã nói: “Trong lớp em, hơn 2/3 các bạn có việc làm. Đa số các công ty tuyển cần cán bộ kỹ thuật xuống trại chăn nuôi hoặc làm tiếp thị thuốc mà em thì...”, đang nói bỗng Thắm ngừng lại, ánh mắt nhìn xa xăm. Thắm tiếp: “Em chỉ mong có việc làm có thể nuôi sống bản thân, lo cho cha mẹ. Cha mẹ em đã già lại phải nuôi mấy đứa em ăn học”. Ngoài Thắm, hiện nay trong CLB cũng còn rất nhiều sinh viên khuyết tật vừa tốt nghiệp đang “chạy” đôn đáo tìm việc làm.

Cô Bùi Thị Hồng Nga, Chủ nhiệm Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ cho biết: “Mấy năm gần đây, hầu như tháng nào tôi cũng nhận được những cuộc điện thoại của các em sinh viên KT tốt nghiệp đại học, trung cấp, cao đẳng không chỉ ở Cần Thơ, mà còn các tỉnh, thành khác trong khu vực ĐBSCL cầu cứu xem tôi có quen doanh nghiệp, cơ sở nào chịu nhận người KT vào làm việc để giới thiệu cho các em. Nhiều em rất tội, vượt qua mọi khó khăn để học đại học nhưng tốt nghiệp ra trường 3 - 4 năm nay mà không có việc làm, đành về quê, tiếp tục sống “bám” gia đình”. Những sinh viên KT ra trường tìm được việc làm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cô Nga băn khoăn nói: “Hiện nay, có đến 40 sinh viên KT đang sinh hoạt tại CLB sinh viên KT của Trường ĐHCT. Không biết sắp tới các em này ra trường sẽ ra sao?”.

* CẢN NGẠI

Vì sao doanh nghiệp ít chịu nhận người KT vào làm việc, ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên TP Cần Thơ, lý giải: “Một số vị trí trong doanh nghiệp thường di chuyển, đi lại nhiều, quan hệ với khách hàng nên họ ngại tuyển lao động là người KT. Cũng có doanh nghiệp tuyển lao động làm nhiều việc khác nhau nên người KT không thích hợp”. Ngoài ra, một số doanh nghiệp ngại nhận người KT vì các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng xây dựng đều dành cho người bình thường. Nếu nhận người KT vào làm việc thì phải sửa chữa tu chỉnh lại, rất tốn kém.

Ngoài cản ngại từ phía các doanh nghiệp, hiện nay người KT cũng rất mặc cảm khi đi tìm việc làm. Một người KT đã tốt nghiệp trung cấp loại khá mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, từng nói: Tụi em ngại đến cơ quan nhà nước, trung tâm giới thiệu việc làm để tìm việc vì nói thật, em rất sợ họ nhìn mình bằng ánh mắt thương hại. Người KT này mặc dù có bằng Trung cấp điện tử nhưng không nộp hồ sơ ở bất cứ đâu mà đến xin việc sửa điện thoại ở một tiệm bán điện thoại với mức lương chỉ có 800.000 đồng/tháng. Bản thân Thắm và nhiều SV KT khác cũng không tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm tìm việc. Ông Nguyễn Quốc Vững cho biết: “Hầu như rất ít người KT đến trung tâm tìm việc làm. Ngoài ra, để thuận lợi trong quá trình tìm việc, người KT nên tận dụng lợi thế của mình mà chọn học những ngành nghề kỹ thuật chẳng hạn như sửa điện thoại, điện tử, tin học... Sau khi tốt nghiệp, nếu không tìm việc ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất họ thì có thể khởi nghiệp tại gia đình rất tốt”.

Ông Nguyễn Hữu Tuyền, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thuế quận 1, TP Hồ Chí Minh (một đơn vị có đến 25 lao động là người KT), cho biết: “Người KT có tật, có tài. Nếu được quan tâm bố trí việc phù hợp với khả năng thì họ phát huy rất tốt. Từ nhược điểm về thể chất, họ rất nhiệt tình, tận tâm với công việc, ít lo ra”. Nhưng những đơn vị nhìn nhận ưu thế và chịu nhận người KT vào việc như Chi cục Thuế quận 1, TP Hồ Chí Minh thật hiếm hoi. Thiết nghĩ, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tiếp nhận lao động KT, có như vậy người KT mới có cơ hội việc làm, hòa nhập cộng đồng.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết