26/07/2022 - 23:31

Sáng mãi tinh thần tiên phong 

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh vệ quốc với thương tích trên thân thể, những người lính bộ đội Cụ Hồ lại kiên cường bước tiếp vào cuộc chiến chống đói nghèo. Trên mặt trận mới, vẫn với tinh thần tiến công cách mạng, những cựu chiến binh luôn tiên phong trong các phong trào, hoạt động, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.

Luôn nghĩ và làm việc có lợi cho dân

Chú Trần Thanh Long.

Chú Trần Thanh Long.

Năm 13 tuổi, thiếu niên Trần Thanh Long (Bảy Long) quê ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, nhập ngũ tại Tiểu đoàn 501 tỉnh Trà Vinh, sát cánh cùng đồng đội vào sinh ra tử. Trong 5 năm, từ 1965-1969, trải qua 13 lần bị thương, chú vẫn bám chiến trường. Chú Bảy Long kể: “Tôi không an tâm dưỡng thương trong khi đồng đội ngày đêm chiến đấu, cận kề nguy hiểm. Vết thương chưa lành hẳn, tôi lại xung phong ra trận”. Lần thứ 14 trọng thương đứt nửa bàn chân phải, chú Bảy phải nằm điều dưỡng ở quân y vùng. Trong thời gian này, chú Bảy đăng ký học khóa đào tạo y tá ngắn hạn. Giỏi về ngoại khoa, chú mạnh dạn tham gia nhiều ca mổ gắp đạn, cứu chữa đồng chí trong điều kiện trang thiết bị sơ sài, thiếu thốn.

Năm 1971, 4 năm sau khi vinh dự được kết nạp Đảng, chú Bảy Long được chọn vào đội trinh sát kỹ thuật. Cùng đồng đội, chú tìm hiểu, nhận định tình hình, nắm vững kế hoạch hành quân của địch, báo cáo ban chỉ huy để lên phương án tác chiến. Trong hơn 6 tháng, chú Bảy cùng đồng đội chiến thắng 5 trận giòn giã, tiêu diệt 200 tên lính, thu giữ 100 khẩu súng, 6 máy vô tuyến điện… Sau ngày đất nước thống nhất, dù lập gia đình, chú vẫn gác lại tình riêng, tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia và làm trợ lý bảo vệ an ninh quân đội. Năm 1997, chú Bảy Long về hưu với cấp hàm Thượng tá, Phó Trưởng Phòng Bảo vệ - An ninh, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra - an ninh Quân khu 9.

Trở về cuộc sống đời thường, gom hết vốn liếng dành dụm, vợ chồng chú Bảy Long đến Đồng Nai hợp đồng nuôi trại gà công nghiệp, phát triển kinh tế, chăm lo 3 người con ăn học. Năm 2012, gia đình chú Bảy Long về định cư ở khu vực Thạnh Thuận, phường Phú Thứ. Chú tham gia sinh hoạt Hội Cựu chiến binh (CCB) và được bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực Thạnh Thuận.

Linh hoạt, nhạy bén trong lãnh đạo, chỉ đạo, sắp xếp kế hoạch hoạt động khoa học, phù hợp tình hình, đặc điểm khu vực, chú Bảy còn chan hòa, gần gũi, nắm bắt nhu cầu đời sống các hộ dân để kịp thời có biện pháp hỗ trợ. Nhiều lần, chú Bảy kiến nghị cấp trên, vận động người dân đóng góp nâng cấp, mở rộng đường, làm lan can cầu, lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống điện thắp sáng, nước sạch phục vụ nhu cầu dân cư. Chú Bảy phối hợp mượn 3ha đất trống chủ đầu tư chưa xây dựng nhà để các hộ dân hoàn cảnh khó khăn trồng rẫy hoa màu và cây ngắn hạn, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ năm 2014, khu vực Thạnh Thuận liên tục đạt chuẩn “3 không” và không còn hộ nghèo, cận nghèo vào năm 2021. Hiện nay, do tuổi cao, không còn đảm đương công tác nhưng chú Bảy Long sẵn sàng tham gia các phong trào, “hiến kế” để đội ngũ cán bộ trẻ chăm lo tốt hơn đời sống người dân.     

Quyết tâm phát triển kinh tế gia đình bền vững

Chú Trịnh Xuân Hiền.

Chú Trịnh Xuân Hiền.

Quê tỉnh Thái Bình, năm 1977, ở tuổi 20, cũng như nhiều thanh niên khác, chàng trai trẻ Trịnh Xuân Hiền tham gia bộ đội tại Lữ đoàn 101 vùng 5 Hải quân. Từ năm 1979, chú Hiền phục vụ Cục Hậu cần 979 và trợ lý quân lực Bệnh viện Quân y 122 ở Campuchia. Năm 1989, sau khi giải ngũ với cấp bậc Thượng úy, hưởng chế độ chính sách bệnh binh 2/3, chú Hiền trở về quê, cùng vợ con xuôi Nam lập nghiệp.

Chú Hiền hợp đồng khoán 2,4ha đất Nông trường quốc doanh Cờ Đỏ (nay là Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ) canh tác lúa. Lúc đầu, chú Hiền trồng lúa mùa, sau chuyển sang giống lúa thơm cao sản. Trừ chi phí, chú thu nhập 40 triệu đồng/ha/năm. Đồng thời, chú Hiền bắt tay dựng chuồng nuôi 10 heo sinh sản và heo thịt. Cứ hơn 4 tháng, chú Hiền “xuất chuồng” bầy heo vài chục con “đủ tạ”, lợi nhuận tích lũy dành xây nhà, chăm lo 3 người con học hành. Quyết tâm phát triển mô hình nuôi heo sinh sản, chú Hiền mạnh dạn đầu tư nâng cấp chuồng trại, lắp đặt máng ăn tự động, hệ thống máy bơm, xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Năm 2012, chú Hiền là Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp 4, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ. Chú chủ động thành lập quỹ góp vốn xoay vòng, qua đó, các hội viên vay 15-20 triệu đồng/năm để giải quyết khó khăn đột xuất, mua bán. Chú Hiền sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất hiệu quả để hội viên học tập, áp dụng. Đến nay, Chi hội không còn hội viên nghèo. Chú Hiền còn phối hợp vận động người dân đóng góp tiền, công lao động xây dựng các cầu giao thông nông thôn Đường trục, KH Kinh 4…

Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tuy tuổi cao nhưng chú Hiền luôn tiên phong trực chốt kiểm dịch; tình nguyện mang suất ăn, thực phẩm, rau củ hỗ trợ người dân khu phong tỏa… Chị Nguyễn Thị Nga, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 4, nói: “Không chỉ chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, quan tâm dạy dỗ và tạo điều kiện để các con làm ăn, công tác, chú Hiền tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Chú Hiền được Trung ương Hội CCB Việt Nam trao chứng nhận danh hiệu hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi”.  

Tích cực với các phong trào, hun đúc tinh thần thế hệ trẻ

Chú Võ Văn Điệp (bên phải).

Chú Võ Văn Điệp (bên phải).

Hơn tháng nay, thời tiết diễn biến bất thường, Ban Nhân dân ấp Thới Bình vận động bà con trồng 500 cây bần gia cố, chống sạt lở bờ kênh, rồi kêu gọi mỗi người đóng góp sửa chữa nhà anh Trần Văn Đảm bị tốc mái, hư dột do mưa giông. Anh Trần Văn Tâm, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thới Bình, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: "Các hội, đoàn thể hỗ trợ ấp kịp thời triển khai hoạt động giúp dân. Trong đó, có chú Võ Văn Điệp (chú Sáu Điệp) dù ở tuổi 74 nhưng luôn tiên phong, nhiệt tình, hun đúc tinh thần thiện nguyện của anh em”. 

Sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, năm 1968, 2 năm sau khi anh thứ hai hy sinh, chú Sáu Điệp tình nguyện vào lực lượng du kích xã và làm xã đội trưởng. Mùa hè đỏ lửa 1972, chú Sáu làm trung đội trưởng Trung đội C58, đại đội phó bộ binh. Ở mặt trận nào chú Sáu cũng luôn sát cánh cùng đồng đội chiến đấu, không ngại gian khổ, hy sinh. Chú Sáu Điệp bồi hồi kể về trận đánh đồn giặc năm 1968. Đạn pháo trong đồn liên tục dội ra vẫn không ngăn được chú và đồng đội quyết bám trận địa và tiếp tục tấn công, bền gan chiến đấu. Nhiều đồng đội đã hy sinh, còn chú trúng đạn bị thương. Chú Sáu Điệp trầm giọng: “Còn mất là lẽ thường trong chiến tranh nhưng mỗi khi chứng kiến đồng đội hy sinh, tim tôi lại nhói đau và tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng với sự trung dũng của đồng đội, với truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước”. Sau khi tham gia khóa huấn luyện, chú làm đội trưởng đội trinh sát đặc công điều nghiên tình hình địch và phối hợp phương án tác chiến.

Sau ngày đất nước thống nhất, chú Sáu Điệp trở về quê, hưởng chế độ thương binh hạng 4/4, rồi cưới vợ ở xã Xuân Thắng, có 5 người con. Vợ chồng chú ra sức canh tác 7 công ruộng và vườn trồng các loại cây ăn trái: hạnh, bưởi da xanh, nhãn Ido; nuôi heo, vịt. Chú quan tâm nghiên cứu tài liệu, trau dồi kiến thức sản xuất với các nhà vườn trong xã; tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, hội thảo đầu bờ, chuyển giao khoa học kỹ thuật để vườn đạt năng suất cao, lợi nhuận mỗi năm vài chục triệu đồng. Từ năm 1979, sắp xếp việc nhà, chú Sáu tham gia công tác, làm Trưởng ban nội chính ấp và Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Thới Hòa (nay là ấp Thới Bình). Chú Sáu luôn động viên, khích lệ hội viên tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Không chỉ trao đổi với các gia đình dạy dỗ, định hướng con cháu chí thú làm ăn, chăm chỉ học hành, chú Sáu Điệp còn quan tâm trò chuyện, giáo dục truyền thống, đạo đức, tuân thủ pháp luật để trở thành công dân tốt cho xã hội.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết