10/02/2009 - 09:23

Quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng

* TP Cần Thơ: Tích cực chủ động phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và lúa đông xuân

(TTXVN-CT)- Ngày 9-2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát yêu cầu Cục Thú y tiếp tục chỉ đạo hệ thống thú y ở các địa phương triển khai các biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm và bệnh lở mồm long móng (LMLM), đồng thời thực hiện công bố dịch theo đúng qui định. Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh; thực hiện công tác tiêu độc khử trùng trên diện rộng, bao vây, dập dịch kịp thời, tiêm vắc-xin bổ sung nhằm ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan.

Theo thông báo của Cục Thú y vào ngày 9-2: tại tỉnh Hậu Giang, dịch cúm gia cầm tiếp tục được phát hiện trên 3 đàn vịt có độ tuổi từ 35 đến 50 ngày tại 2 xã là Vĩnh Trung, Vị Thắng và thị trấn Nàng Mau thuộc huyện Vị Thủy, làm ốm, chết 840 con gia cầm. Tính đến nay, Hậu Giang đã tiêu hủy 615 con gia cầm trong tổng số 1.190 con mắc bệnh. Tại tỉnh Sóc Trăng, dịch cúm gia cầm đã xảy ra trên 3 xã là Viên Bình, Tài Văn và Vĩnh Biên thuộc 2 huyện Mỹ Xuyên và Ngã Năm với tổng số gia cầm đã được tiêu hủy là 1.435 con (gồm 1.363 con vịt và 72 con gà). Hiện nay, cả nước có 5 tỉnh là: Cà Mau, Sóc Trăng, Nghệ An, Hậu Giang và Quảng Ninh có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày và có 5 tỉnh là: Kon Tum, Hòa Bình, Long An, Sơn La và Quảng Bình có dịch LMLM chưa qua 21 ngày.

* Ngày 9-2-2009, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm (CGC), cúm A (H5N1) ở người và bệnh LMLM trên gia súc và Ban chỉ đạo Phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá TP Cần Thơ.

Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, đến nay, vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào bệnh nhân của TP Cần Thơ mắc bệnh cúm A (H5N1).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ: Đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra các loại dịch bệnh như: CGC, LMLM và heo tai xanh trên gia súc. Riêng vụ lúa đông xuân năm 2008-2009, nhờ đẩy mạnh công tác phòng chống dịch, hiện nay, toàn thành phố chỉ còn hơn 5.000/32.000 lượt ha bị nhiễm rầy nâu.

Tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn, cho rằng: Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và lúa đông xuân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang báo động. Đặc biệt, dịch bệnh CGC đã xảy ra ở các tỉnh lân cận như: Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang. Do đó, các ngành, các địa phương cần tích cực chủ động phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và lúa đông xuân. Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh trên gia cầm và trên người; đẩy mạnh giám sát đàn gia cầm, nhất là đàn vịt chạy đồng; giám sát việc vận chuyển, giết mổ, mua bán gia cầm; tiêm phòng đạt tỷ lệ cao, nhất là gia cầm nuôi mới...

HOÀNG TÙNG – ANH KHOA

Chia sẻ bài viết