03/07/2009 - 08:03

Quy định bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 8 loại tội phạm trong Bộ luật Hình sự bắt đầu có hiệu lực

Chiều 2-7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Lý lịch tư pháp (LLTP); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số diều của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự được kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII thông qua.

Luật LLTP là một đạo luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền nhân thân của công dân và hoạt động của các cơ quan tư pháp, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về LLTP, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tế của các công dân, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội. Việc triển khai Luật LLTP là sự hiện thực hóa ý nghĩa pháp lý quy định của Hiến pháp “ không có ai bị coi là có tội và phải chịu trách nhiệm hình sự khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và quy định của Bộ luật Hình sự là “người được xóa án tích coi như chưa bị kết án”.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đảm bảo quyền công dân, quyền con người, trong đó có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức nhà nước gây ra khi thi hành công vụ. Việc ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhằm tăng cường bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại, đồng thời đảm bảo hoạt động bình thường của bộ máy cơ quan công quyền. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, tư pháp và các thiệt hại gây ra trong quá trình thi hành án dân sự và hình sự. Luật quy định rõ các trường hợp Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn hại về tinh thần do cán bộ, công chức nhà nước gây ra khi thi hành công vụ. Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2010.

Phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS đề cập đến 44 điều của BLHS hiện hành (trong đó 43 điều được sửa đổi về nội dung; 01 điều luật chỉnh sửa về kỹ thuật) và bổ sung mới 13 điều luật. Luật sửa đổi đã bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 8 loại tội phạm cụ thể là tội hiếp dâm (Điều 111); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); tội buôn lậu (Điều 153); tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197); tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 221); tội đưa hối lộ (Điều 289); tội phá hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334). Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS, các hành vi sử dụng chất ma túy; hành vi ở lại nước ngoài trái phép sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Luật cũng sửa đổi, bổ sung Điều 69 BLHS về những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội; bổ sung thêm một tội khủng bố (Điều 230a) vào chương Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Theo quy định của Nghị quyết, kể từ ngày 1-1-2010, tất cả các điều khoản của Luật được áp dụng để điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 ngày 1-1-2010. Riêng các điều khoản về bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội và phi hình sự hóa một số hành vi phạm tội có hiệu lực ngay từ ngày Chủ tịch nước công bố Luật.

XUÂN KHU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết