19/01/2010 - 21:08

LAO ĐỘNG TRẺ TÌM VIỆC LÀM

Phải thích nghi với "cái xã hội cần"

Nhà tuyển dụng mong muốn được trực tiếp gặp gỡ, phỏng vấn người lao động để tìm được những cộng sự đắc lực. (Trong ảnh: Các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động tại Ngày Hội việc làm Thanh niên TP Cần Thơ).

Tốt nghiệp, tìm được việc làm, ổn định thu nhập, có thể nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình; đồng thời, đóng góp công sức cho sự phát triển của doanh nghiệp, sự giàu mạnh của đất nước… là những nguyện vọng chính đáng của lao động trẻ. Tuy nhiên, trong thị trường lao động, để có việc làm và phát triển, người lao động cần thiết tự trang bị cho mình không chỉ những kiến thức chuyên môn mà còn phải biết thêm những tiêu chuẩn cần thiết khác.

Năng động để có việc làm

Gặp lại Thanh Hoa, ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, giờ đã trưởng thành và chững chạc hơn rất nhiều so mấy năm trước đây. Theo nhận xét của người thân, Hoa khác trước rất nhiều, từ tác phong, cách nói năng, giao tiếp, xử lý công việc rất nhanh nhẹn khoa học, tất cả do công việc mang lại và cách Hoa tiếp cận, rèn giũa tích lũy thành “tài sản” riêng của mình.

Hơn 4 năm trước, khi mới tốt nghiệp Trung học Dược, Hoa hăm hở gởi hồ sơ xin việc và thử việc nhiều nơi, miệt mài học ngoại ngữ, vi tính, nhưng vẫn chưa tìm được việc làm vừa ý. Cuối cùng, Hoa xin vào làm ở một công ty dược. Lúc đầu, Hoa khá bỡ ngỡ với công việc, nhưng vì muốn được thử sức và chứng tỏ khả năng, Hoa đã không ngừng nỗ lực. Khi công ty phân Hoa luân chuyển công tác các tỉnh, Hoa đều mạnh dạn và vui vẻ nhận việc. Không bao lâu, Hoa quen dần với tiến độ công việc và có thu nhập thỏa đáng, nhưng điều Hoa vui nhất là được tín nhiệm, học hỏi thêm. Hoa bày tỏ: “Khi còn đi học, tôi cứ nghĩ chỉ cần có nhiều bằng cấp, chứng chỉ là đã yên tâm có việc làm khi ra trường. Thế nhưng, khi va chạm thực tế, tôi cảm nhận được sự cạnh tranh gay gắt khi dự tuyển và kiến thức về các vấn đề xã hội không bao giờ thừa. Bây giờ đã có việc làm ổn định, tôi vẫn tiếp tục học hỏi, trau dồi để tích lũy kiến thức...”.

Tuy nhiên, theo các trung tâm Giới thiệu việc làm ở thành phố: Có nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhưng chất lượng lao động kém, làm người lao động “rớt điểm” với nhà tuyển dụng. Đúng như nhận xét của nhiều người lao động, hiện nay, có rất nhiều nhu cầu, nhưng tìm và trụ được với một công việc không dễ.

Từ phòng thông tin tuyển dụng tại Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Thanh niên TP Cần Thơ, Ngọc Hiên, ở phường An Phú, quận Ninh Kiều, khá tự tin bước vào phòng tư vấn, đăng ký chức danh thư ký giám đốc. Hiên tự tin vì những ưu điểm của mình, như: dáng cao ráo, gương mặt ưa nhìn, tác phong nhanh nhạy, có bằng tốt nghiệp Đại học sư phạm Ngữ văn và bằng B Tin học, Anh văn. Tuy nhiên, Hiên lại tỏ ra lúng túng khi trả lời các câu hỏi của nhân viên tư vấn về bản thân và những hiểu biết chung về các vấn đề xã hội. Hiên chưa hình dung và hiểu khá đơn giản về công việc thư ký giám đốc. Cầm giấy giới thiệu của Trung tâm đến dự tuyển ở doanh nghiệp, Hiên bày tỏ: “Trước đây, tôi nghĩ chỉ cần vững về chuyên môn, trang bị đủ các văn bằng, chứng chỉ cần thiết là đủ, ít quan tâm tìm hiểu các vấn đề xã hội cũng như tham gia các hoạt động xã hội. Bây giờ, khi “chạm” đến các kiến thức này thì mù mờ, hụt hẫng”.

Cần kiến thức chuyên môn và xã hội

Theo thống kê của ngành chức năng TP Cần Thơ, năm 2009, có 46.000 lao động ở thành phố có việc làm, trong đó nhiều nhất là lao động phổ thông, còn các chức danh, vị trí khác đều phải qua quá trình tuyển dụng, sàng lọc kỹ lưỡng. Trực tiếp tuyển dụng lao động vào các chức danh: nhân viên, chuyên viên, giám sát, quản lý, điều hành, các trung tâm GTVL đều thừa nhận: Hằng năm, các doanh nghiệp thường “đón đầu” các đợt sinh viên ra trường để tuyển dụng, hy vọng tìm được nhân viên đạt chuẩn mong muốn. Theo xu thế phát triển, người lao động có điều kiện trang bị cho mình trình độ tin học, ngoại ngữ... đã tạo lòng tin cho doanh nghiệp. Nhờ được cọ xát thực tế cuộc sống, một bộ phận lao động ham học hỏi, có hoài bão đã tự tin và hoạt bát hơn, nhạy bén vận dụng kiến thức đã học vào công việc, do đó tìm được công việc hợp khả năng và có cơ hội thăng tiến.

Tham khảo các thông tin tuyển dụng, ngoài các điều kiện cần về tuổi tác, trình độ học vấn, chuyên môn... đều đi kèm những điều kiện đủ, là sự chủ động, năng động, chịu khó, nhạy bén; khả năng sáng tạo, tư duy, khả năng tổ chức, quản lý, điều hành, làm việc nhóm, xử lý công việc độc lập. Và nhà tuyển dụng luôn khuyến cáo là ứng viên xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, làm việc lâu dài... Thời gian qua, ở các trung tâm GTVL, hiện tượng này khá phổ biến, đa số lao động đều xin làm việc trái ngành nghề được đào tạo, dẫn đến tình trạng lao động đi xin việc làm nhưng không xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, thiếu vốn kiến thức xã hội, lơ mơ trong thể hiện khả năng cống hiến và thiện chí đóng góp cho doanh nghiệp... nên ít làm hài lòng doanh nghiệp. Trong các phiên giao dịch việc làm TP Cần Thơ, khá nhiều lao động trẻ đến tìm việc, nhưng khi nhân viên tư vấn hỏi muốn tìm việc gì thì trả lời lấp lửng “chưa biết làm việc gì”... Theo ông Cao Văn Thông, Trưởng phòng Việc làm trong và ngoài nước, Trung tâm GTVL TP Cần Thơ, người lao động chỉ bó hẹp trong vốn kiến thức học ở trường, thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Khi còn đi học, sinh viên chỉ chú trọng học để tốt nghiệp, có bằng cấp mới dễ tìm việc, nên ít va chạm thực tế, ít tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội nên hạn chế kiến thức về các vấn đề xã hội...

Ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ, cho biết: Qua phỏng vấn sơ tuyển, trung tâm luôn giúp lao động xác định rõ lại mục tiêu nghề nghiệp, gắn bó với công việc, nhưng nhận thức của lao động về việc làm rất giáo điều, máy móc và gần như “rập khuôn” về mục đích, động cơ xin việc, không tỏ rõ quan điểm, lập trường, chưa kể kiến thức xã hội rất yếu và thiếu. Nhiều lúc sơ tuyển không được, trung tâm vẫn phải chọn những hồ sơ tương đối chuẩn để giới thiệu đến doanh nghiệp, kết quả phỏng vấn vẫn không đạt. Và nếu có việc làm, ứng viên cũng không trụ được lâu vì tư tưởng chưa vững vàng, chưa sẵn sàng nhận việc. Do thiếu hướng nghiệp, trong quá trình tìm việc, người lao động không hài hòa được “cái tôi muốn, tôi có thể” với “cái xã hội cần” để có thể thích nghi.

Có nhiều nguyên nhân làm hạn chế chất lượng lao động, trong đó có nguyên nhân thiếu hướng nghiệp, vai trò chủ yếu của nhà trường và các đoàn thể, ngành chức năng. Những năm gần đây, hiểu được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường thực hành, thực tế, thực tập ở các doanh nghiệp, các trường nghề còn lồng ghép hướng nghiệp cho học sinh, nhất là học sinh năm cuối trong các tiết học, giúp học sinh chọn cho mình ngành nghề phù hợp. Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, cho biết: “Hằng năm, nhà trường mời các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng các chức danh, ngành nghề liên quan đến tư vấn, GTVL, giúp học sinh có thể chọn lựa và đăng ký việc làm phù hợp”. Tuy nhiên, do tập trung công tác đào tạo nên việc hướng nghiệp không thường xuyên, liên tục...

Muốn làm tốt việc nâng cao chất lượng nguồn lao động, xác lập mục tiêu nghề nghiệp, rèn các kỹ năng phụ trợ cho người lao động, đáp ứng ngày tốt hơn nhu cầu các doanh nghiệp, cần có sự kết hợp thường xuyên, kịp thời của các ngành, đơn vị chức năng trong tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, GTVL. Các doanh nghiệp tạo điều kiện phối hợp đào tạo, thu nhận lao động theo nhu cầu; quản lý và sử dụng lao động chuyên nghiệp hơn và nhất là tạo cơ hội cho lao động trẻ được thử việc và thể hiện năng lực của mình, đừng từ chối khi mới qua một lần phỏng vấn. Lao động trẻ cần xác định mục tiêu việc làm, rèn sự tự tin, nhạy bén trong giao tiếp, ứng xử, chủ động chia sẻ trách nhiệm, không ngại khó... thông qua các hoạt động xã hội, đoàn thể.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết