04/09/2009 - 21:21

Ông Nguyễn Văn Khải-
Cây cao bóng cả ở Thuận Hưng

Ông Nguyễn Văn Khải (bên phải) thăm hỏi gia đình chị Liêu Thị Thu- một hộ nghèo ở phường Thuận Hưng.

Chính quyền và bà con phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, đều kính trọng và quý mến ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng Ban Từ thiện - Xã hội của phường. Ông Khải có cách sống giản dị, gương mẫu, có tấm lòng nhân hậu, bác ái, hết lòng với mọi người... Gia đình ông Khải là một trong những gia đình được bình chọn là gia đình văn hóa tiêu biểu của TP Cần Thơ, ông và gia đình được các cấp chính quyền nhiều lần khen thưởng vì có những đóng góp tích cực cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương.

Bậc trưởng thượng ở địa phương...

Có lần đến Thuận Hưng, tôi chứng kiến một nhóm thợ hồ trong thời gian nghỉ giải lao ngồi nói chuyện với nhau và theo thói quen, trong câu chuyện của họ đệm theo những tiếng chửi thề. Một ông cụ tóc bạc phơ, mặc bộ đồ bà ba màu đen đi ngang qua, ghé vào góp ý chân thành: “Các cháu không nên nói tục, chửi thề như vậy, đó là một thói quen không tốt. Người khác nghe được thì đánh giá mình không có văn hóa, còn trẻ con nghe được lại học theo...”. Một anh trong nhóm thợ đứng dậy bối rối gãi tai thưa chuyện với ông cụ: “Dạ, con biết nói như vậy là không hay nhưng mà quen miệng rồi khó bỏ lắm bác Năm ơi!”. Ông cụ tiếp lời: “Bác biết là thói quen thì khó bỏ nhưng mình tập sửa dần. Ví dụ như mình nói từ đó ít lại rồi dần dần bỏ luôn. Bỏ được hay không là do quyết tâm của các cháu thôi!”. Nhóm thợ im lặng lắng nghe rồi hầu hết hứa sẽ cố gắng sửa...

Đó chính là ông Nguyễn Văn Khải mà bà con thường gọi thân mật là “ông Năm”. Năm nay đã 79 tuổi, ông Khải dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, gương mặt phúc hậu, giọng nói hiền hòa, ấm áp. Bà con và chính quyền địa phương cho biết: ông Nguyễn Văn Khải hiện là Trưởng Ban Tế tự đình phường Thuận Hưng đồng thời cũng là Trưởng Ban Từ thiện - Xã hội của phường, rất có uy tín với mọi người. Anh Phan Văn Tấn Tài, cán bộ văn hóa phường Thuận Hưng, tấm tắc: “Gia đình bác Năm rất tiêu biểu, gương mẫu và tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Riêng bác Năm, từ những việc làm từ thiện, có ích đến xây dựng công trình giao thông nông thôn, các phong trào văn hóa... bác đều tham gia nhiệt tình. Bác Năm còn là một trong những người đứng ra tổ chức, vận động nhân dân cùng thực hiện các mặt phong trào. Trong việc giáo dục, cảm hóa các đối tượng tội phạm hay thanh thiếu niên hư hỏng, phường thường mời bác đến nói chuyện, khuyên bảo họ. Bác Năm còn thường khuyên bảo và nhắc nhở con, cháu trong xóm sống lành mạnh, không tham gia các tệ nạn xã hội như đánh bài, chơi số đề, đá gà...”.

Hết lòng vì mọi người

Tôi có dịp đi cùng ông Khải đến thăm những hộ nghèo, khó khăn trong phường. Đến đâu, ông Khải cũng được bà con chào đón nhiệt tình, trọng thị. Chị Liêu Thị Thu, một hộ nghèo ở khu vực Tân Phú, vẫn còn xúc động: “Nhà tôi mái tôn bị thủng, mưa dột khắp nơi, chái nhà bằng lá hư hỏng nặng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào... vợ chồng tôi không có điều kiện để sửa. Trình bày hoàn cảnh với ông Năm, ông và Ban Từ thiện- Xã hội của phường nhiệt tình giúp đỡ, chúng tôi đã sửa được nhà mới tươm tất như bây giờ. Nhà đã kín mưa kín nắng, vợ chồng tôi yên tâm làm ăn”. Gia đình chị Thu là một trong số hàng trăm hộ đã được ông Khải và Ban Từ thiện - Xã hội phường Thuận Hưng giúp đỡ lúc khó khăn.

Đã hơn 30 năm, ông Nguyễn Văn Khải là Trưởng Ban Từ thiện- Xã hội phường Thuận Hưng. Không thể kể hết những đóng góp của ông cho công tác từ thiện, xã hội ở địa phương. Ông đã góp phần giúp đỡ rất nhiều người, nhiều gia đình vượt qua khó khăn, hoạn nạn... Ông Khải tâm sự: “Mình có lòng muốn giúp đỡ người nghèo nhưng khả năng có hạn, chẳng giúp được nhiều. Cách tốt nhất là vận động những người có lòng hảo tâm cùng góp sức. Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao mà”.

Ban Từ thiện- Xã hội phường Thuận Hưng thường xuyên vận động nhân dân, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân góp tiền, góp sức làm rất nhiều việc như: xây nhà tình thương cho hộ nghèo, hỗ trợ xe đạp, quần áo, sách vở cho học sinh nghèo đến trường, lo đám tang khi người nghèo qua đời... Bằng uy tín và sự nhiệt tâm, ông Khải đã vận động được một số hộ chuyên cung cấp vật liệu giúp đỡ những hộ nghèo cất, sửa lại nhà, hai trại hòm ở khu vực Tân Phước và Tân Quới cung cấp hòm từ thiện. Ban Từ thiện- Xã hội còn có nguồn quỹ cố định do các thành viên đóng góp hàng tháng và các mạnh thường quân hỗ trợ thêm... Do đó, khi cần giúp đỡ một ai đó, mọi việc được tiến hành nhanh chóng vì đã có sẵn kinh phí và vật liệu. Ban Từ thiện- Xã hội còn có đóng góp rất lớn vào việc xây dựng đường giao thông của phường Thuận Hưng. Được biết, dù là công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hay công trình nhân dân tự làm thì đều có sự tham gia tích cực của Ban Từ thiện- Xã hội. Hiện nay, khoảng 80% tuyến đường của phường Thuận Hưng đã được trải nhựa và bê tông hóa, khang trang, sạch đẹp...

Ban Từ thiện- Xã hội còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ phường vận động bà con trong phường và mạnh thường quân đóng góp mua được chiếc xe ô tô làm xe cứu thương từ thiện. Xe hoạt động tốt hơn 2 tháng nay. Các thành viên trong Ban và Hội Chữ thập đỏ phường cùng nhau đóng góp hàng tháng để mua xăng và bồi dưỡng cho tài xế. Trước đây, ông Nguyễn Văn Khải chỉ là một nông dân. Khi tuổi tác đã cao, ông giao việc đồng áng cho các con và chuyên tâm vào công tác từ thiện- xã hội của địa phương. Các con biếu ông bao nhiêu tiền, ông đem làm từ thiện hết. Ông giải thích: “Tôi ăn chay trường nên không cần chi tiêu gì nhiều. Con cái thì đã ra riêng và có cuộc sống ổn định nên không có gì phải lo. Trong khi đó, nhiều bà con còn khó khăn lắm. Mình giúp được ai thì giúp, vừa giúp ích cho xã hội, vừa để đức cho con cháu”.

Xây nhà từ móng

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Khải có 9 người con: 3 trai, 6 gái. Ngày trước, do thời buổi chiến tranh và kinh tế khó khăn, ông chỉ lo cho các con học tới chương trình phổ thông, không có điều kiện học cao lên nữa. Gia đình ông chỉ sống nhờ vào vườn, ruộng nên cuộc sống rất vất vả. Các con ông ngoài giờ học đều có ý thức đỡ đần cha mẹ việc đồng áng hoặc tranh thủ làm thuê, làm mướn để phụ tiếp kinh tế gia đình. Gia cảnh tuy nghèo nhưng đầm ấm, hạnh phúc. Vợ chồng ông dạy các con từ lúc nhỏ là phải sống đàng hoàng, không được làm điều sai trái, phải giữ gìn và tu dưỡng đạo đức, lễ nghĩa... “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”.

Được sự dạy dỗ nghiêm khắc của cha mẹ, các con ông ai cũng sống nghiêm túc, chí thú làm ăn. Giờ đây, ai cũng đã có gia đình riêng, có nghề nghiệp và cuộc sống ổn định: người làm ruộng, người thợ may, người buôn bán... Hiện ông Khải đã có các cháu nội, ngoại và cả cháu chắt. Ông luôn động viên các cháu, chắt cố gắng học hành để có trình độ và việc làm tốt.

Vợ ông Khải đã mất cách đây 10 năm. Hiện nay, ông Khải ở với gia đình người con trai út. Mỗi dịp tết nhất, giỗ chạp, con cháu tề tựu đông đủ, ông Khải vui lắm. Điều làm ông phấn khởi nhất là các con ông sống rất hòa thuận với nhau, thường đỡ đần nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Đối với xã hội, gia đình các con ông đều chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, tham gia đầy đủ các phong trào của địa phương. Đó cũng là kết quả của một nền tảng gia đình vững chắc, được vun bồi bằng tâm huyết của cả vợ chồng, con cái.

Chỉ vào căn nhà tường mới cất khang trang còn tươi màu sơn, Ông Khải rạng ngời gương mặt, khoe: “Nhà cũ của tôi bằng gỗ đã hư hết rồi, mấy đứa con mỗi đứa góp một ít, giúp tôi xây lại căn nhà mới đó”. Tôi nghĩ ông rất giàu: ông giàu niềm vui và hạnh phúc bởi con cháu hiếu thảo, gia đình êm ấm, xóm giềng yêu mến, quí trọng... Đó là tài sản lớn nhất trong đời người không phải ai cũng dễ dàng có được.

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết