09/08/2008 - 10:26

Nông dân U Minh Thượng chưa "mặn" với cá đồng ?

Nhắc đến U Minh Thượng (Kiên Giang) là nhớ đến nhiều sản vật được thiên nhiên ưu đãi ban tặng, trong đó phải kể đến nguồn lợi cá đồng. Có lúc người dân vùng này “nhà nhà có cá” nên cá không bán được phải làm mắm, phơi khô rồi đưa đi vùng khác tiêu thụ. Thế nhưng, bây giờ về lại vùng U Minh Thượng (thuộc các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng), muốn kiếm được con cá đồng để ăn người dân phải “đặt” mua trước vài ba ngày hoặc phải đợi đến cuối năm khi mùa gặt kết thúc thì mới được thưởng thức!

* Xứ cá lại hiếm cá!

Cá lóc đồng ở U Minh Thượng. 

Đi dọc tuyến đường quốc lộ 63 về huyện An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, ngang qua các chợ dừng chân tìm mua cá đồng, thật khó vô cùng. Ở ngay “túi cá” của huyện An Minh, U Minh Thượng muốn mua cá đồng cũng không dễ tìm.

Trong khi mấy cô, mấy chị bán cá ở chợ Vĩnh Thuận luôn miệng mời chào là “cá đồng chứ không phải cá nuôi”, nhưng khi chúng tôi hỏi cá mua lại từ vựa cá nào, ở đâu, thì không có câu trả lời. Ngay chợ thị trấn Thứ 11 (An Minh) có cá đồng “chính hiệu” thật, nhưng phải chừng 15-20 con mới được 1 kg. Anh bạn đi chung vỗ vai tôi an ủi: “Muốn ăn cá đồng thì chỉ có loại cỡ này mà thôi...”. Còn ở chợ Công Sự (đối diện trung tâm hành chính huyện U Minh Thượng), nếu có cá đồng đi chăng nữa cũng không có cỡ lớn. Người bán chỉ nhóm chợ sáng một chút là hết sạch.

Thường ngày, đến các chợ ở vùng U Minh Thượng mua cá lóc thì không thiếu, nhưng muốn tìm được nguồn cá đồng trong tự nhiên ở vùng này thì thật là hiếm. Có lần qua phà Tắc Cậu-Xẻo Rô khoảng 4 giờ sáng, tôi chứng kiến lượng cá lóc, cá rô nuôi từ các huyện Châu Thành, Tân Hiệp, Giồng Riềng... “đổ” về vùng U Minh Thượng. Mấy người chở cá cho biết, hàng ngày đều chở cả tấn cho các vựa cá ở hầu hết các chợ vùng U Minh Thượng.


* Nông dân ngại đầu tư

Trước thực trạng nguồn cá đồng vùng U Minh Thượng ngày càng cạn kiệt, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn đang tính chuyện gầy dựng lại. Nghịch lý ở chỗ, nông dân có sẵn ao đìa, nguồn nước ngọt dồi dào nhưng vì sao họ không “mặn mà” với nghề nuôi cá đồng?

 Nuôi cá đồng cho thu nhập cao và khai thác được tiềm năng mặt nước của U Minh Thượng. 

Bà Đồng Ngọc Phượng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện, người dân thả nuôi các loại cá đồng xen lúa-cá, tràm -cá, ao đìa là 4.139 ha, tập trung ở xã Minh Thuận và An Minh Bắc. Nói là thả nuôi thì chưa hẳn đã chính xác, vì các hộ này chủ yếu lấy nguồn cá thiên nhiên. Đầu mùa mưa, bà con mở bờ xả nước cho cá vào trong ao được bao nhiêu thì cuối năm thu hoạch, chứ không cho thức ăn. Ở vùng đệm U Minh Thượng, sau khi làm bờ bao khép kín, mỗi hộ trung bình có 1 ha mặt nước. Thay vì tận dụng mặt nước này để nuôi cá đồng nhưng nông dân ở đây chưa quan tâm khai thác hết tiềm năng từ nguồn lợi cá đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Bà Phượng cho biết thêm: “Thực tế cho thấy, do tập quán lâu đời kiểu nuôi thiên nhiên như vậy, mỗi hộ một năm thu được 6-7 triệu đồng là cao. Nhưng nếu khuyến khích họ đầu tư nuôi đúng cách cũng khó, bởi nguồn thức ăn cho cá là ốc thì có thể tự bắt được nhưng không nhiều, còn mua thức ăn thì người dân không chỉ ngán ngại mà vùng này muốn mua cá tạp làm thức ăn thì tìm đâu ra. Cũng chính vì vậy mà người dân ở đây chưa mạnh dạn nuôi”.

Ông Trần Tuấn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Thuận, nói: “Nếu như có nguồn cung cấp cá tạp để nuôi cá đồng trong vùng này thì người dân sẽ đầu tư thả nuôi nhiều. Hiện nay, địa bàn 16 ấp của xã hầu hết nhà nào cũng có nuôi theo dạng thiên nhiên. Trong đó 10 ấp vùng đệm, đương nhiên là cá “tự về” ao đến mùa cho thu hoạch, trừ khoảng 60 hộ dân ấp Minh Dũng là cá sống không được do nước nhiễm phèn. Bình quân 1 ha mặt nước mỗi hộ thu về 7-10 triệu đồng, cá biệt có hộ 15-20 triệu đồng, đó là do ao nằm ngay “hướng đi của cá”! Nói như vậy, cho thấy, nếu như với 1 ha mặt nước người dân chịu nuôi và đầu tư đúng mức có thể cho thu hoạch 70 -100 triệu đồng là ăn chắc”.

* Hướng đi

Ông Nguyễn Tấn Để, Bí thư Đảng ủy xã An Minh Bắc, cho biết: “Nguồn lợi cá đồng trên địa bàn rất lớn, nếu như người dân chịu thả nuôi cộng với thuận lợi về nguồn thức ăn thì cho thu nhập khá. Cũng do tình hình chung như vậy, bà con ở đây cũng ấp ủ nhiều cách để chọn cách nuôi như thế nào hiệu quả. Bước đầu, đang thí điểm ở hộ ông Tô Văn Thành, ấp Trung Đoàn, thả nuôi cá rô đồng với 700m2 mặt nước. Đến nay, cá phát triển tốt, rất có khả năng cuối năm sẽ cho thu nhập khá vì được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến hướng dẫn cách nuôi. Nếu hộ ông Thành nuôi thành công, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này trong dân và hy vọng sẽ mở ra hướng đi tốt để người dân nhanh chóng thoát nghèo”.

Theo bà Đồng Ngọc Phượng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng, trong quy hoạch từ nay đến năm 2010, sẽ phát triển 4.600 ha diện tích nuôi cá đồng. Sắp tới, xã Minh Thuận thành lập tổ hợp tác nuôi cá thác lác. Nếu mô hình này hiệu quả thì diện tích thả nuôi trong quy hoạch sẽ tăng cao hơn. Trước mắt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật, sau đó mới tính đến chuyện tìm nguồn thức ăn, con giống... Qua đó, quyết tâm tạo điều kiện tốt nhất để người dân vùng này khôi phục lại nguồn lợi cá đồng.

Bài, ảnh: LÊ SEN

Chia sẻ bài viết