Hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu. Trước tình hình đó, nhiều nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ ngày càng thể hiện rõ sự năng động trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản. Qua đó, gia tăng giá trị và thương hiệu sản phẩm nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.

Bà Bùi Thị Thơm (thứ 4 từ trái qua), Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tham quan mô hình trồng sầu riêng của ông Nguyễn Hoàng Thông tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền.
Từ sầu riêng VietGAP
Với sự nhạy bén trong sản xuất và kinh doanh, ông Nguyễn Hoàng Thông ở xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền đã trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 3ha, mang lại nguồn thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. Riêng năm 2022, vườn sầu riêng của ông Thông thu hoạch được hơn 40 tấn trái, thương lái thu mua với giá 50.000 đồng/kg, trừ chi phí sản xuất, ông Thông còn lời trên 1 tỉ đồng. Trước khi trồng sầu riêng, 3ha đất của ông Thông từng trồng cam mật, cóc, chuối và một phần trồng lúa. Tuy nhiên, giá các loại nông sản này bấp bênh, thường được mùa mất giá nên ông quyết định chuyển đổi sang loại cây trồng mới, hy vọng mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập bền vững hơn. Năm 2016, ông Thông cải tạo đất và trồng sầu riêng cho đến nay. Các giống sầu riêng được ông Thông trồng chủ yếu là Ri6 và Monthong. Ðây là những giống có năng suất cao và phẩm chất ngon, đầu ra ổn định.
Thấy mô hình trồng sầu riêng của ông Thông mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp trồng sầu riêng chuyên canh. Ðến nay, nhiều nông dân trên địa bàn xã Tân Thới có thu nhập cao từ trồng sâu riêng. Ðể mô hình hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh, năm 2017, Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng Tân Thới được thành lập, với diện tích 19,4ha và có 20 thành viên tham gia. Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng Tân Thới đang trồng theo mô hình VietGAP, sản phẩm sau khi thu hoạch không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng, bán được giá cao so với sản phẩm trồng theo phương thức truyền thống.
Các thành viên trong Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng Tân Thới đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giảm phân bón, thuốc trừ sâu, tăng lợi nhuận. Ông Thông cho biết: “Hiện nay, sầu riêng được xem là loại cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Năm 2018, Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng Tân Thới được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu Sầu riêng Tân Thới - Phong Ðiền. Năm 2019, Tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận sản xuất sầu riêng theo quy trình VietGAP. Ðây là điều đáng mừng vì sầu riêng Tân Thới đã khẳng định được thương hiệu để vươn xa hơn tới các thị trường khác, ngoài thành phố trong thời gian tới”.
Đến thương hiệu gạo sạch
Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, thị trường tiêu dùng ngày càng đòi hỏi hàng hóa phải đạt tiêu chuẩn, chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vì vậy, ngoài việc chú trọng ứng dụng kỹ thuật canh tác hiện đại vào sản xuất lúa ST24 và Ðài thơm 8 theo hướng an toàn, Hợp tác xã dịch vụ trồng lúa sạch My Hậu (HTX My Hậu), huyện Vĩnh Thạnh còn chú trọng xây dựng nhãn hiệu gạo sạch My Hậu. Từ đó, nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo sạch, nâng cao đời sống xã viên.
Chia sẻ về hành trình xây dựng thương hiệu gạo sạch My Hậu, ông Dương Ðình Vũ, Giám đốc HTX My Hậu, nói: “Chúng tôi tìm hiểu và nhận thấy thị trường cần các loại gạo vừa ngon, vừa có giá trị dinh dưỡng cao. Do đó, HTX My Hậu đã vận động nhiều nông dân vào HTX để trồng lúa đặc sản theo quy trình an toàn, với tổng diện tích trên 80ha. Nông dân tham gia HTX được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn thực hiện đúng các quy trình canh tác lúa sạch, không sử dụng phân hóa học hay phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, giữ được phẩm chất thơm, ngon của hạt gạo”.
HTX còn xây dựng kho trữ gạo, đầu tư máy đóng gói bao bì cung cấp ra thị trường sản phẩm gạo sạch ST24 dạng đóng túi và đóng hộp, có in thương hiệu gạo sạch My Hậu. Hiện nay, các sản phẩm gạo sạch ST24 dạng đóng túi và đóng hộp của HTX My Hậu được phân phối tại nhiều cửa hàng bán gạo sạch trên địa bàn thành phố và được người tiêu dùng đánh giá cao, bởi chất lượng thơm ngon, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao bì nhãn hiệu và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Theo ông Dương Ðình Vũ, nhờ duy trì quy trình canh tác lúa an toàn, kết hợp đầu tư xây dựng thương hiệu, nhiều năm qua, các thành viên HTX yên tâm trồng lúa theo hướng an toàn, vì đầu ra sản phẩm và thu nhập ổn định.
Hiện nay, gạo sạch của HTX My Hậu được ngành chức năng huyện Vĩnh Thạnh hỗ trợ tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). HTX My Hậu đã được Hội Nông dân thành phố hỗ trợ tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại cũng như các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu thương hiệu gạo sạch My Hậu trên thị trường. Từ đó, giúp HTX My Hậu tiếp cận được nhiều khách hàng, đối tác ở nhiều tỉnh, thành trong vùng ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh; đồng thời, mở ra nhiều triển vọng mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Thanh long xuất khẩu
Ông Phan Văn Chính nông dân ấp Trường Khương B, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, được nhiều người biết đến với mô hình trồng thanh long ruột đỏ, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trước đây, 2,2ha đất của ông Chính chủ yếu trồng lúa 3 vụ/năm, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2013, ông Chính nhận thấy mô hình trồng thanh long ruột đỏ có giá trị kinh tế cao nên quyết định mua giống về trồng thử 4 công. Qua 8 tháng chăm sóc, thanh long bắt đầu cho trái. Vụ trái đầu tiên, ông Chính bán được khoảng 100kg, với giá 10.000-15.000 đồng/kg. Về sau, cứ cách 1 tháng là thu hoạch 1 lần. Thấy mô hình mang lại lợi nhuận cao, năm 2017, ông Chính mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa còn lại của gia đình để trồng thanh long ruột đỏ. Hiện tại, 2,2ha thanh long của ông Chính đã cho trái đồng loạt, thu hoạch từ 3-8 tấn trái/ha/tháng.

Ông Phan Văn Chính, người tiên phong trồng thanh long ruột đỏ ở xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai.
Những năm gần đây, ông Chính áp dụng việc xông đèn vào ban đêm để thanh long ra trái nghịch vụ, bán được giá cao gấp 2-3 lần so với mùa thuận. Theo ông Chính, trước đây, khi chưa có dịch COVID-19 thanh long nghịch vụ bán với giá trung bình 55.000-68.000 đồng/kg. Khoảng 2 năm nay, việc xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn. Mặc dù giá cả có giảm hơn so với trước, nhưng ông Chính vẫn duy trì việc chăm sóc và xử lý vườn thanh long có trái quanh năm để có thu nhập. Ðể có sản phẩm sạch, ông Chính sử dụng phần lớn phân hữu cơ và sử dụng thuốc sinh học, không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng cây, thuốc kích quả lớn, chín sớm.
Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, cho biết: “Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân thành phố đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân, các HTX nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ, tiêu chuẩn vào sản xuất để tạo ra các mặt hàng nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn. Các cấp Hội Nông dân thành phố còn phối hợp các ngành hữu quan hỗ trợ nông dân và các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác xây dựng 34 nhãn hiệu hàng hóa nông sản. Ðặc biệt, trong năm 2022, Hội còn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ nông dân quảng bá, kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử. Từ đó, gia tăng mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao”.
Bài, ảnh: K.V