16/08/2011 - 08:49

Nỗi lo đầu năm học

Như thường lệ, mỗi khi bắt đầu năm học mới, bên cạnh niềm vui con, em được lên lớp thì cũng có nhiều phụ huynh lại canh cánh những nỗi lo. Nào là tiền học phí, tập vở, quần áo... và nhiều chi phí khác. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, nỗi lo càng nhân đôi...

Nhìn vào bảng thông báo học phí của Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, quận Ninh Kiều, chị Nguyễn Thị H., nhà ở phường An Hội, quận Ninh Kiều, than: “Đầu năm học này phải đóng gần 2 triệu đồng cho đứa con trai vào học lớp 1 bán trú. Chưa kể tiền quần áo, cặp, sách, giày dép... Không cho cháu vào học bán trú thì ai mà giữ cháu cho mình đi làm, học bán trú thì ngán tiền quá”. Hiểu được nỗi lo của phụ huynh nên ngành giáo dục thành phố yêu cầu các trường có kế hoạch thu phù hợp. Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho biết: “Năm học 2011-2012, ngành không có chỉ đạo nào mới về các khoản thu đầu năm học. Các khoản thu vẫn giữ theo quy định đã được HĐND thành phố thông qua và đã tổ chức thu từ năm học 2010-2011”.

 Với những ngôi trường lớn rất cần kinh phí để bảo dưỡng, duy tu thường xuyên.
Trong ảnh: Lễ khánh thành Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, quận Ninh Kiều.

Như vậy, các khoản thu theo quy định của các trường vẫn giữ như năm học trước. Tuy nhiên, mức phí phải đóng cụ thể còn tùy thuộc vào địa bàn dân cư và loại hình trường, thí dụ như: trường trọng điểm, trường bình thường... Chẳng hạn, tại Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều, học sinh học lớp 1 bán trú mới, phải đóng các khoản: 600.000 đồng/năm tiền sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học; 300.000 đồng/2 tháng hỗ trợ lớp bán trú; 680.000 đồng tiền ăn từ ngày 15/8 đến ngày 30/9/2011; 160.000 đồng/năm hội phí Cha mẹ học sinh (CMHS); 30.000 đồng/2 tháng tiền nước, vệ sinh học sinh bán trú. Như vậy, tổng số tiền một học sinh vào học lớp 1 bán trú đầu năm học mới là 1.770.000 đồng. Nếu tính cả số tiền mà trường thu hộ là: bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế, bảng tên, logo là 267.200 đồng thì tổng số tiền học sinh lớp 1 bán trú phải đóng hơn 2 triệu đồng. Tại Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, quận Ninh Kiều, tổng số tiền học sinh lớp 1 bán trú phải đóng đầu năm là 1.986.160 đồng. Trong khi đó, tổng mức thu đầu năm học ở Trường Tiểu học Lê Quí Đôn, quận Ninh Kiều là 697.000 đồng, bao gồm các khoản thu: 160.000 đồng hội phí CMHS, 282.000 đồng tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn và phù hiệu, 195.000 đồng tiền ăn và 60.000 đồng tiền học (từ ngày 15-8 đến ngày 31-8-2011)... Số tiền thu của Trường Lê Quí Đôn thấp hơn do trường chỉ thu tiền ăn, tiền học của tháng 8-2011, trong khi đó, Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi và Ngô Quyền thu cả tháng 8 và 9-2011. Ngoài ra, do Ban đại diện CMHS của Trường Tiểu học Lê Quí Đôn chỉ thu 160.000 đồng hội phí CMHS, số tiền này ở Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi là 820.000 đồng. Trường Tiểu học Lê Quí Đôn cũng không thu khoản tiền sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học như Trường Tiểu học Ngô Quyền. Sự chênh lệch mức thu của các trường hầu như phụ thuộc vào các khoản thu theo thỏa thuận của phụ huynh và nhà trường. Chẳng hạn, hội phí CMHS của Trường Tiểu học Ngô Quyền là 160.000 đồng/năm học. Khoản thu này ở Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi là 820.000 đồng. Tuy nhiên, ở Trường Mạc Đĩnh Chi không thu 600.000 đồng/năm tiền sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học như Trường Tiểu học Ngô Quyền...

Các trường vùng ven cũng có các mức thu khác nhau. Tại Trường Tiểu học thị trấn Thới Lai 1, huyện Thới Lai số tiền mà học sinh lớp 1 bán trú phải đóng khoảng 2 triệu đồng bao gồm cả các khoản tiền thu hộ; trong đó, hội phí CMHS là 350.000 đồng/năm học. Trong khi đó, tổng số tiền mà học sinh lớp 1 bán trú ở Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận Ô Môn phải đóng đầu năm là 1.200.000 đồng, bao gồm cả tiền bảo hiểm, trong đó, hội phí CMHS là 80.000 đồng/năm học.

Cho dù là mức thu nào thì với những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, các khoản tiền phải lo đầu năm học vẫn là một gánh nặng. Vì vậy, các đơn vị giáo dục ở các vùng ven luôn tìm mọi giải pháp để phụ huynh bớt lo lắng. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phong Điền, cho biết: “Phòng GD&ĐT huyện yêu cầu các trường linh động khi tổ chức thu các khoản thu đầu năm học, tránh gây khó cho phụ huynh. Các trường có thể thu thành nhiều đợt trong năm học, giảm nhẹ áp lực cho phụ huynh”. Những năm học qua, nhiều trường ở vùng ven rất khó thu các khoản học phí đầu năm học. Không ít trường mỗi năm chỉ thu được trên dưới 50% tổng số học sinh. Vì vậy, việc linh động các mức thu cũng là cách để giữ học sinh. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thới Lai, nói: “Ngành yêu cầu các trường tổ chức rà soát từng đối tượng học sinh để có chính sách miễn, giảm phù hợp, tạo mọi điều kiện để học sinh đến trường”. Còn tại huyện Vĩnh Thạnh, các trường chỉ tập trung vào các khoản thu thành phố quy định, các khoản thu thỏa thuận của phụ huynh và nhà trường do Ban đại diện CMHS tự thu. Ông Nguyễn Văn Liếng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Đối với các khoản thu thỏa thuận, ngành giáo dục yêu cầu các trường và Hội CMHS thu không quá 50.000 đồng/năm học hội phí CMHS và không quá 100.000 đồng/năm học đối với tiền xã hội hóa giáo dục để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất...”. Mặc dù đã “linh động” như thế, nhưng năm học vừa qua, ngành giáo dục huyện Thới Lai chỉ thu được chưa đến 50% tổng số học sinh, ngành giáo dục huyện Vĩnh Thạnh chỉ thu được dao động trong khoảng 30-40%...

Thực tế cho thấy, tùy nhu cầu sử dụng mà mỗi trường có mức thu khác nhau. Sự chênh lệch này chủ yếu phụ thuộc vào các khoản tiền “thỏa thuận” giữa phụ huynh và nhà trường. Điều đáng nói là do điều kiện kinh tế của mỗi gia đình khác nhau, nên với người khá giả các khoản thu này không cao, nhưng với một bộ phận người lao động, các khoản thu này là gánh nặng. Trong khi đó, không ai có thể “bắt bẻ” các trường vì tất cả các khoản thu này đều có “sự thống nhất” của Hội CMHS. Chẳng hạn, trên bảng thông báo các khoản thu đầu năm của Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi có ghi “Căn cứ vào Công văn số 01/CV-MĐC của Ban đại diện Hội CMHS ngày 10-6-2011 về thu chi kinh phí hoạt động của Ban đại diện CMHS năm học 2011-2012...”.

Công bằng mà nói, các khoản thu trong quy định đã được ngành giáo dục bàn luận, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đề nghị HĐND thành phố thông qua. Mặt khác, so với thời giá hiện nay, mức học phí mới được ban hành năm 2010 là không cao. Các trường cũng cần một khoản kinh phí để bảo dưỡng trường lớp, sử dụng lâu dài là điều hợp lý. Tuy nhiên, để phụ huynh bớt lo hơn, ngành giáo dục cần có những quy định chặt chẽ hơn đối với các khoản thu mang tên “sự thỏa thuận của phụ huynh”...

Bài ảnh: HOÀI THƯƠNG

Chia sẻ bài viết