18/01/2009 - 21:16

Những chiếc xe cứu thương nghĩa tình!

Đó là những chiếc xe cứu thương do người dân đóng góp tiền mua để chuyển những bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa đến các cơ sở y tế cấp cứu kịp thời, nhanh chóng và hoàn toàn miễn phí. Hiện nay, đã có 3 xã: Trung Hưng (huyện Vĩnh Thạnh), Trung An và Trung Thạnh (huyện Thốt Nốt) TP Cần Thơ, người dân tự trang bị xe cứu thương, cấp cứu kịp thời tính mạng của nhiều người...

Trước đây, việc vận chuyển cấp cứu người bệnh ở 3 xã: Trung
Hưng (huyện Vĩnh Thạnh); Trung An và Trung Thạnh (huyện Thốt Nốt) đến các cơ sở y tế rất khó khăn. Nhiều trường hợp được vận chuyển bằng đò hoặc bằng xe ba gác máy, trong khi đó, để cứu tính mạng của người bệnh cần phải tranh thủ từng phút, từng giây...

Xe cứu thương ở xã Trung Hưng, huyện Vĩnh Thạnh. 

Là người nhiều năm làm công tác từ thiện, xã hội ở địa phương, ông Nguyễn Văn Lùn (bà con lối xóm thường gọi ông là Bác Năm), ở ấp Thạnh Quới 1, xã Trung Hưng, huyện Vĩnh Thạnh đã thấy được những khó khăn, bất tiện trên. Bác Năm mạnh dạn đề xuất: “Ở quê mình, nếu có chiếc xe đưa rước những trường hợp bị bệnh ngặt nghèo hay người già yếu đi đứng khó khăn thì hay biết mấy!”. Ý tưởng này được nhiều người đồng tình, ủng hộ. Bác Năm cho biết: Được sự nhất trí của chính quyền địa phương, chúng tôi cùng các ban, ngành, đoàn thể tiến hành vận động bà con trong xã được khoảng 80 triệu đồng. Sau đó, chúng tôi đến huyện Phú Tân, tỉnh An Giang mua chiếc xe 12 chỗ của Hội Chữ thập đỏ huyện, với giá 35 triệu đồng. Chúng tôi tiếp tục tu sửa một số bộ phận trong máy (khoảng 40 triệu đồng), chiếc xe này bắt đầu chạy ngon lành.

Đầu năm 2006, xe cứu thương mang tên Ban Từ thiện xã Trung Hưng bắt đầu đi vào hoạt động, tham gia công tác từ thiện, xã hội. Anh Trần Thanh Tùng (ở ấp Thạnh Quới 1, xã Trung Hưng) tự nguyện tham gia lái xe cứu thương, cho biết: “Lực lượng tài xế ở đây rất đông. Nhà chúng tôi đều ở gần khu vực chợ Trung Hưng. Mỗi người tự trang bị cho mình điện thoại di động để tiện liên lạc. Người này bận có người khác lái xe, đưa rước bệnh nhân. Chúng tôi phục vụ 24/24 giờ, khi có điện thoại yêu cầu chuyển bệnh thì tranh thủ đi ngay”. Nói về cảm nghĩ của mình, anh Tùng bày tỏ: “Đây là việc làm thiết thực, nó giúp được nhiều người, đặc biệt là những người nghèo ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn. Nhìn những bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, qua khỏi cơn nguy kịch, tôi cảm thấy vui trong lòng”.

Xe cứu thương ở xã Trung Hưng không chỉ đáp ứng được nhu cầu vận chuyển những người bệnh ở địa phương mà còn phục vụ cho người dân ở một số xã lân cận như: Thạnh Phú, Thạnh Lộc, Trung An... Giờ đây, trên tuyến tỉnh lộ 921, hình ảnh chiếc xe cứu thương của Ban Từ thiện xã Trung Hưng đã trở nên quen thuộc và là địa chỉ tin cậy đối với nhiều người. Bà Nguyễn Kim Chính, ở ấp Thạnh Trung, xã Trung Hưng, cho biết: “Tôi thấy xe cứu thương từ thiện ra đời và hoạt động rất hiệu quả. Người dân nghèo vùng sâu, vùng xa chúng tôi sẽ có điều kiện tiếp cận với các cơ sở y tế thuận tiện hơn so với trước đây”.

Học hỏi cách làm của xã Trung Hưng, lần lượt sau đó, người dân ở hai xã Trung An và Trung Thạnh của huyện Thốt Nốt cũng tự trang bị xe cứu thương, từ thiện phục vụ cho người dân địa phương. Tháng 5-2008, xe cứu thương của xã Trung Thạnh, huyện Thốt Nốt bắt đầu đi vào hoạt động. Tổ quản lý điều hành xe cứu thương, do ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã làm Tổ trưởng; ông Đỗ Văn Thiệp, Trưởng Trạm y tế xã làm Tổ phó cùng các thành viên khác. Một nhân viên Trạm Y tế xã Trung Thạnh cho biết: Sau khi được Trạm sơ cấp cứu ban đầu, đối với các trường hợp bệnh như: Tai biến; sản phụ sanh khó và những vết thương nặng cần phải chuyển về tuyến trên để tiếp tục điều trị trong thời gian sớm nhất. Xe cứu thương của xã đã đáp ứng được nhu cầu này, hạn chế những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra...

Việc chuyển người bệnh bằng xe cứu thương của 3 xã Trung Hưng, Trung An và Trung Thạnh là hoàn toàn miễn phí, không bắt buộc phải trả tiền. Tuy nhiên, nếu ai có điều kiện thì đóng góp tiền chi phí xăng dầu, góp phần phục vụ cho những trường hợp khó khăn khác. Ông Nguyễn Văn Tỏ, thành viên Tổ quản lý điều hành xe cứu thương ở xã Trung Thạnh, cho biết: “Trong quá trình hoạt động, nếu có trường hợp nào đóng góp chi phí xăng dầu, phải ghi vào sổ; ra biên lai thu để lưu trữ, đối chiếu sau này. Hàng tháng, 5 tổ từ thiện (ở 5 ấp của xã) và các thành viên trong Tổ điều hành họp công khai tài chính. Chính sự minh bạch, rõ ràng trong tài chính cũng đã tạo được sự đồng thuận trong bà con”.

Ông Hồ Văn Tổng, Phó Chủ tịch MTTQ xã Trung An, cho biết: Hiệu quả hoạt động của xe cứu thương mang lại là rất cao. Việc vận chuyển những bệnh nhân ở trong kinh rạch, vùng sâu vùng xa đến các cơ sở y tế diễn ra nhanh chóng, thuận tiện. Nhiều trường hợp thoát khỏi nguy kịch, tính mạng được bảo toàn. Đây là cách làm hay, có ý nghĩa thiết thực, góp phần đáng kể trong công tác xã hội hóa về chăm lo đời sống, sức khỏe của bà con vùng nông thôn. Cách làm này cần tiếp tục được nhân rộng ở nhiều địa phương khác.

Bài, ảnh: NGUYÊN BỬU

Chia sẻ bài viết