13/06/2010 - 20:58

Thực hiện Quyết định 03 của UBND TP Cần Thơ:

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Ngày 12-1-2010, UBND thành phố ban hành Quyết định 03/2010/QĐ-UBND “Về việc quy định chức danh, mức phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ấp, khu vực; phụ cấp kiêm nhiệm chức danh và khoán kinh phí hoạt động cho các tổ chức đoàn thể cấp xã” (gọi tắt là QĐ03). Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện quyết định này đã nảy sinh nhiều vấn đề bất hợp lý, gây bức xúc cho đội ngũ cán bộ cơ sơ...

Ngay sau khi QĐ03 ban hành, UBND huyện Cờ Đỏ đã chỉ đạo các xã, thị trấn trực thuộc tiến hành sắp xếp nhân sự đúng theo quyết định. Theo đó, 79 đồng chí Bí thư Chi bộ các ấp, thị trấn trên địa bàn huyện đều kiêm nhiệm thêm chức danh Trưởng Ban Công tác Mặt trận (theo Điều 4 của QĐ03). Thế nhưng, trong số này, có 16 đồng chí Bí thư Chi bộ đã kiêm nhiệm chức danh Trưởng ấp, việc kiêm thêm nhiệm vụ Trưởng Ban Công tác Mặt trận đã khiến cho công việc bị quá tải. Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Thạnh Hưng I, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, thừa nhận: “Lúc trước là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp, tôi vừa chủ trì thực hiện công tác Đảng, cùng các đảng viên đề ra các chủ trương, nghị quyết, vừa triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chủ trương mà Chi bộ đề ra. Giờ kiêm thêm chức danh Trưởng Ban Công tác Mặt trận, phải trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, thu thập phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân; động viên nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức nhà nước và đại biểu dân cử; trực tiếp tham gia hòa giải... Nhiều việc quá nên khả năng thực hiện hoàn thành nhiệm vụ không cao”.

Mặt trận cấp phường tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri và tập hợp ý kiến của nhân dân để kiến nghị với chính quyền các cấp xem xét giải quyết, nhằm xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh. Trong ảnh: Cử tri ở phường Cái Khế trình bày những tâm tư nguyện vọng với đại biểu HĐND thành phố và quận Ninh Kiều.   

Bên cạnh nỗi lo không hoàn thành nhiệm vụ, nhiều đồng chí “Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp” còn có thêm một nỗi băn khoăn khác bởi theo nội dung Thông tri 06/TTr-MTTW về “Hướng dẫn lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt do Hội đồng Nhân dân xã bầu và trưởng thôn” của Mặt trận Trung ương, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp là người chủ trì hội nghị lấy phiếu tín nhiệm của các tổ chức thành viên của Mặt trận ấp đối với Trưởng ấp. Những trường hợp kiêm cả 3 chức danh thì sẽ rơi vào tình huống tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cho... chính mình. Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh bộc bạch: “Nói thật, hiện giờ tôi rất lúng túng, bởi lẽ cuối năm 2010 này đến lượt lấy phiếu tín nhiệm Trưởng ấp, nếu tôi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cho chính mình thì sẽ không đảm bảo khách quan. Đến năm 2011 là hết nhiệm kỳ phải bầu trưởng ấp mới, theo quy định, với vai trò là Trưởng Ban Công tác Mặt trận, tôi phải tổ chức hội nghị hiệp thương đề cử người ra ứng cử trưởng ấp, chẳng lẽ tôi lại đề cử chính mình...”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, nhiều cán bộ cơ sở cũng cho rằng UBND thành phố cần nghiên cứu, xem xét quy định cụ thể những trường hợp này, bởi bên cạnh việc bất hợp lý của việc “tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cho chính mình”, việc kiêm nhiệm cùng lúc 3 chức danh sẽ khiến cho việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gặp những hạn chế nhất định. Thực hiện theo QĐ03, ở xã Thới Đông có 3 đồng chí làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp và Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp. Đồng chí Võ Văn Tư, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thới Đông, phân tích: “Trong khi Ban Công tác Mặt trận ấp là nơi thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ở khu dân cư với cấp ủy Đảng và UBMTTQVN cấp xã; đồng thời tham gia giám sát, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ... Nhưng trường hợp Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp và Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp sẽ không có ai giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh”.

Đối với một số nơi, cán bộ xã tăng cường làm Bí thư Chi bộ ấp, việc thực hiện kiêm nhiệm theo QĐ03 còn gây ra cho cán bộ cơ sở những khó khăn khác. Đồng chí Võ Văn Năm, Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Khối Dân vận, Chủ tịch Mặt trận xã Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ) hiện đang được tăng cường làm Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ dân vận ấp Thới Bình 1, cho biết: “Hiện Chi bộ ở ấp Thới Bình 1 có 3 đảng viên thì có 2 đồng chí ở xã tăng cường về nên khó tìm người thay tôi đảm nhiệm các nhiệm vụ ở ấp. Những lúc công việc ở xã nhiều, tôi phải nhờ các đồng chí khác hỗ trợ công việc đáng lẽ thuộc trách nhiệm của mình. Chính vì không thường xuyên, trực tiếp ở ấp nên bản thân mình cảm thấy chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Cũng theo đồng chí Võ Văn Năm, theo quy định hiện nay, các cán bộ kiêm nhiệm nhưng chỉ hưởng chế độ ở một chức danh. Sự bất hợp lý này, liệu có động viên được tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ cơ sở?

Ở quận Ninh Kiều, đa số các Bí thư Chi bộ hoặc Bí thư Đảng bộ bộ phận đều cao tuổi hoặc nghỉ hưu về tham gia công tác ở địa phương nên khi kiêm nhiệm thêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận đều tỏ ra lo lắng về khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí Trần Văn Tài, Bí thư Chi bộ khu vực 1, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Người làm công tác Mặt trận phải trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của UBND, chương trình hành động của Mặt trận các cấp... trong khi tôi năm nay 75 tuổi, làm Bí thư Chi bộ khu vực đã 3 nhiệm kỳ rồi, giờ kiêm thêm chức danh Trưởng Ban Công tác Mặt trận e sẽ không thực hiện nổi”. Sau gần 6 tháng triển khai thực hiện QĐ03, bà Bùi Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch UBMTTQVN quận Ninh Kiều, cũng có nhiều băn khoăn, bởi theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực UBMTTQVN cấp xã gồm có Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực, tuy nhiên thực hiện theo QĐ03, các phường trong quận đã cắt giảm bớt một chức danh Phó Chủ tịch UBMTTQVN. Bà Yến cho biết: “Thông thường, 2 Phó Chủ tịch UBMTTQVN sẽ chia nhau một người phụ trách phong trào, người còn lại phụ trách Thanh tra Nhân dân và giám sát đầu tư của cộng đồng, chuyên trách giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Sau khi cắt giảm một chức danh, công việc này chỉ còn một người đảm trách nên đôi lúc bị dồn việc, ảnh hưởng đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ”.

Để tháo gỡ những khó khăn vừa nêu trong việc thực hiện QĐ03, đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP Cần Thơ, đề xuất: “Đối với những nơi đồng chí Bí thư kiêm Trưởng ấp, cần có chức danh Trưởng Ban công tác Mặt trận riêng để thực hiện chức năng giám sát của Mặt trận trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Những nơi cán bộ cao tuổi, sức khỏe yếu hoặc cán bộ cấp xã tăng cường xuống ấp cũng cần xem xét để bố trí chức danh kiêm nhiệm cho phù hợp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao...”.

* * *

Việc sắp xếp, tinh gọn đội ngũ cán bộ, công chức để hoạt động có hiệu quả là điều cần thiết, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Tuy nhiên, khi thực hiện công việc này, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu kỹ để phù hợp với thực tế địa phương, hạn chế tình trạng chồng chéo nhiệm vụ, dẫn đến khó khăn trong thực hiện các mặt công tác ở cơ sở. Với những bất cập vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện QĐ03 mà nhiều địa phương đang gặp phải, nhiều cán bộ cơ sở đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm điều chỉnh QĐ03 cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: NHẬT MY

Chia sẻ bài viết