20/05/2009 - 21:36

Hiện đại hóa nền hành chính TP Cần Thơ

Nhiều việc đang chờ!

Sau nhiều năm đẩy mạnh thực hiện Chương trình cải cách hành chính (CCHC), chất lượng hoạt động của các cơ quan công quyền đã có nhiều chuyển biến. Trong đó, công tác hiện đại hóa nền hành chính - một trong những nội dung của Chương trình CCHC - đã đạt được một số kết quả, góp phần xây dựng cơ quan công quyền theo hướng phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ mà công tác này đặt ra, vẫn còn nhiều việc đang chờ thành phố phải tiếp tục nỗ lực…

Nâng cao chất lượng hoạt động hành chính

Bộ phận “một cửa” quận Ninh Kiều phục vụ người dân đến liên hệ giải quyết hồ sơ hành chính. 

Sáng đầu tuần, bộ phận “một cửa” xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền thường có đông người dân đến liên hệ giải quyết hồ sơ hành chính. Một số người dân mặc dù đến sớm hơn giờ làm việc, nhưng vẫn phải chờ vì đã có nhiều người đến sớm hơn. Bác Nguyễn Văn Dần, ở ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, cho biết: “Tôi tưởng mình là người đầu tiên đến nộp hồ sơ, ai dè nhiều người đã đến trước rồi. Thế nhưng, có ghế ngồi, có nước uống, có báo đọc, tôi cảm thấy rất thoải mái... khi chờ đến lượt mình. Bây giờ, cách phục vụ của cơ quan công quyền đã có nhiều cải tiến, giảm phiền hà cho người dân”. Bác Dần còn chỉ giúp nhiều người dân cùng ngồi băng ghế với mình nơi để báo, nước uống, để “tự phục vụ” trong khi chờ đợi giải quyết hồ sơ hành chính.

Ở huyện Phong Điền, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn đều tổ chức bộ phận “một cửa”, với bàn ghế ngồi, nước uống, để phục vụ người dân khi ngồi chờ giải quyết hồ sơ giấy tờ. Việc làm này được người dân đánh giá cao, thể hiện qua kết quả khảo sát chỉ số hài lòng về cải cách hành chính. Tại các cuộc khảo sát năm 2007, 2008, bộ phận “một cửa” các cấp huyện Phong Điền có tới 97% người dân hài lòng về cung cách, thái độ phục vụ hồ sơ hành chính. Ông Phan Văn Đại, ở ấp Tân Long, xã Tân Thới, nhận xét: “Bây giờ, đến chính quyền giải quyết hồ sơ hành chính, người dân được phục vụ chu đáo, tận tình. Người dân được bố trí chỗ ngồi đàng hoàng, cảm giác chờ đợi như ngắn lại”.

Năm 2008, quận Bình Thủy được UBND thành phố chọn làm điểm để thực hiện trong hiện đại hóa nền hành chính. Hiện tại, trên địa bàn quận, trụ sở cấp phường đã đáp ứng theo chuẩn quy định của Trung ương (trừ phường Trà An đang trong tiến trình lập thủ tục xây dựng mới). Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất cho các phường tổ chức bộ phận “một cửa” đảm bảo chuẩn quy định, quận còn quan tâm bố trí kinh phí trang bị máy vi tính, điện thoại bàn... phục vụ yêu cầu công tác. Đồng chí Nguyễn Hùng Việt, Chủ tịch UBND phường Trà Nóc, cho biết: “Bộ phận “một cửa” được trang bị đầy đủ máy móc, cán bộ mặc đồng phục, làm cho bộ mặt công sở thêm khang trang, hiện đại. Người dân khi đến liên hệ giải quyết hồ sơ, cũng cảm thấy mình được tôn trọng hơn”. Hiện nay, tại bộ phận “một cửa” phường Trà Nóc, UBND phường dành toàn bộ phần tiền sảnh của trụ sở để bố trí nước uống, sách báo, bàn ghi chép và quạt máy để phục vụ người dân. Đặc biệt, tại UBND quận Ninh Kiều, bộ phận “một cửa” của quận được bố trí tương đối tiện nghi, có gắn máy lạnh trong phòng chờ giải quyết thủ tục hành chính. “Mặc dù phương án này, hàng tháng quận phát sinh chi phí không nhỏ trong việc chi trả tiền điện, nhưng bù lại đã tạo cho người dân và cán bộ cảm thấy thoải mái trong giao dịch hành chính”- bà Phan Thị Minh Thu, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết.

Theo thống kê của UBND TP Cần Thơ, hiện tại thành phố có hơn 70% trụ sở cơ quan hành chính các cấp đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định của Bộ Nội vụ. Thời gian qua, UBND thành phố cũng đã quan tâm bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa, nới rộng trụ sở, đảm bảo cho hoạt động tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính của người dân. Từ năm 2007, UBND thành phố cũng đã đầu tư kinh phí trang cấp máy điện thoại, bàn ghế, trang cấp đồng phục cho cán bộ “một cửa” các cấp, kinh phí gần 10 tỉ đồng, tạo điều kiện cải thiện môi trường làm việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, hiện tại thành phố có 100% quận, huyện, sở, ngành được kết nối Internet, tạo thuận lợi trong trao đổi, tìm kiếm thông tin, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, tạo tiền đề cho việc phát triển Chính phủ điện tử theo chủ trương của Chính phủ.

Nhiều việc đang chờ...

Thời gian qua, mặc dù có nhiều nỗ lực trong đẩy mạnh CCHC, đặc biệt là hiện đại hóa nền hành chính, nhưng hiện tại công tác này còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành phải quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa. Cụ thể, đối với công tác xây dựng trụ sở các cơ quan hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 trong quản lý hành chính.

Về công tác xây dựng trụ sở, từ năm 2007 đến nay, TP Cần Thơ đã thành lập mới thêm 69 xã, phường, thị trấn và 1 huyện. Hiện tại, hầu hết các đơn vị hành chính còn phải sử dụng trụ sở tạm, gây nhiều khó khăn cho hoạt động. Một số quận, huyện chia tách từ hơn 5 năm trước, nay có nơi việc xây dựng trụ sở vẫn chưa hoàn thiện. Đây được đánh giá là điểm khó khăn nhất của thành phố trong công tác hiện đại hóa nền hành chính, cần phải có kinh phí và thời gian, sự quyết tâm cao của chính quyền mới có thể thực hiện được. Trong khi đó, nhiều trụ sở xã, phường, thị trấn, do thay đổi trong chuẩn về diện tích từ Trung ương, nên đến nay phải tiến hành cơi nới, mở rộng, tốn kém kinh phí không nhỏ. Nhiều trụ trở xã, thị trấn, mặc dù mới xây dựng, nhưng đã xuống cấp trầm trọng, phải tiến hành sửa chữa mới đảm bảo hoạt động. Đơn cử như trụ sở UBND xã Thạnh Thắng (huyện Vĩnh Thạnh), đưa vào sử dụng không bao lâu, nền hạ đã sụp lún, tường nứt, tốn hàng trăm triệu đồng để sửa chữa.

Hiện đại hóa nền hành chính:

Ứng dụng tin học hóa quản lý hành chính ở các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và xã, phường, thị trấn theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhằm tạo điều kiện cải thiện quy trình làm việc nhanh, gọn. Trang bị máy vi tính, phần mềm, để phục vụ cho từng lĩnh vực chuyên môn tại bộ phận “một cửa”. Tiến hành xây dựng trụ sở các xã, phường, thị trấn vừa mới chia tách có trụ sở; tiếp tục đầu tư xây dựng, sửa chữa nơi có trụ sở chưa đạt tiêu chuẩn, đảm bảo đến năm 2010 cơ bản thực hiện xong. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện quản lý hành chính theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 trong hoạt động hành chính; khuyến khích các xã, phường đủ điều kiện thực hiện ISO.

(Nguồn: Kế hoạch CCHC năm 2009 của UBND TP Cần Thơ)

Đối với công tác ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là ứng dụng hộp thư điện tử trong trao đổi công việc, hiện tại vẫn chưa được tổ chức thực hiện triệt để. Theo đánh giá của UBND thành phố, việc ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố còn nhiều bất cập. Đặc biệt, chưa ứng dụng triệt để, hiệu quả hệ thống thư điện tử – một trong những ứng dụng quan trọng của mạng máy tính, Internet vào hoạt động trao đổi thông tin. Nhiều nơi, có tới 80% cán bộ, công chức đã được đào tạo kiến thức tin học, nhưng kết quả ứng dụng tin học vào thực tiễn công tác không cao.

Mới đây, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND chỉ đạo cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn thành phố tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động. Theo đó, trong năm nay, bắt buộc các cơ quan hành chính cấp quận, huyện và thành phố phải ứng dụng hệ thống thư điện tử vào hoạt động của cơ quan; tận dụng triệt để hệ thống thư điện tử để trao đổi văn bản, tài liệu khi cung cấp các dịch vụ công. Riêng đối với cấp xã, thành phố sẽ có kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phấn đấu trong năm 2009 có đường truyền Internet tốc độ cao, để có thể triển khai hệ thống thư điện tử đến tận xã, phường, thị trấn.

Kế hoạch CCHC năm 2009 đã đề ra mục tiêu đến năm 2010 cơ bản trụ sở cơ quan hành chính các cấp sẽ đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định của Trung ương. Đồng thời, tăng cường áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2000 vào công việc quản lý hành chính, đảm bảo tính minh bạch, khoa học, hiệu quả trong hoạt động hành chính. Để đến được “đích” của mục tiêu này, TP Cần Thơ còn phải làm rất nhiều việc!

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết