06/04/2014 - 20:17

THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2014

Nhiều học sinh chưa “mặn mà” các môn khoa học xã hội

Qua khảo sát tại một số trường THPT trên địa bàn TP Cần Thơ, việc chọn môn thi tự chọn của học sinh trong kỳ thi tốt nghiệpTHPT năm 2014, có "độ vênh" khá lớn giữa các môn khoa học tự nhiên và môn khoa học xã hội. Bên cạnh đó, một số điểm mới nhất của kỳ thi khiến không ít cán bộ giáo dục băn khoăn…

Bạn Lương Thị Quỳnh Như, học sinh lớp 12A6, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng), cho biết: "Bên cạnh 2 môn thi bắt buộc (Văn và Toán), em đăng ký 2 môn tự chọn là Lý và Hóa vì 2 môn này em học khá tốt. Vả lại, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, mục tiêu của em là thi vào đại học ngành kinh doanh thương mại (khối A: Toán, Lý Hóa)". Theo Quỳnh Như, lớp 12A6 có 36 học sinh thì khoảng 2/3 học sinh đăng ký môn thi khoa học tự nhiên, rất ít học sinh chọn môn thi Sử, Địa. Tương tự, lớp 12A3 (ban cơ bản), Trường THPT Trần Đại Nghĩa có 38 học sinh; trong đó 2/3 học sinh chọn các môn thi Lý, Hóa, số học sinh còn lại chọn thi môn Địa, Sử và 1 học sinh chọn môn thi ngoại ngữ. Bạn Lê Hồng Quý, lớp trưởng lớp 12A3, nói: "Ở môn thi tự chọn, em chọn môn Hóa, Địa. Đây là hai môn học em yêu thích và là môn sở trường của mình. Lúc đầu, em định chọn môn Sử nhưng lại sợ bị áp lực, vì cần nhớ chính xác các số liệu nên em không tự tin".

Hóa học là một số môn thi mà nhiều học sinh chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Trong ảnh: Thầy, trò Trường THPT Trần Đại Nghĩa trong giờ học thực hành môn Hóa học.

Trường THPT Trần Đại Nghĩa hiện có hơn 1.000 học sinh; trong đó, khối 12 có 381 học sinh. Qua thống kê 3 đợt đăng ký ở 6 môn tự chọn của nhà trường, môn thi có học sinh đăng ký nhiều nhất gồm: Lý (250 học sinh), Sinh (146 học sinh), Hóa (193 học sinh) và môn ít nhất (Sử và Tiếng Anh khoảng 30 học sinh). Cô Nguyễn Thị Kim Loan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Qua 3 đợt đăng ký môn thi, chúng tôi nhận thấy, học sinh chọn môn thi theo năng lực của mình. Tuy nhiên, còn tình trạng một số học sinh chọn ngẫu nhiên như môn thi trắc nghiệm vì nghĩ rằng nhẹ nhàng, khả năng đậu cao". Theo cô Loan, số học sinh đăng ký 2 môn Lịch sử và tiếng Anh thấp, do nhiều học sinh "ngán" nhớ các số liệu, sự kiện; còn môn Tiếng Anh, học sinh lo thiếu căn bản, chưa đầu tư chu đáo từ bậc học THCS. Thêm nữa, năm nay, môn Tiếng Anh thời gian thi không đổi nhưng đề thi vừa có phần thi trắc nghiệm vừa có phần tự luận, học sinh băn khoăn điểm thi và cấu trúc đề sẽ như thế nào? Trường cũng chịu, không trả lời cho học sinh được, bởi Bộ GD&ĐT còn bỏ ngỏ.

Thực tế cho thấy, chuyện học sinh "quay lưng" với các môn học khoa học xã hội có nhiều năm trước nhưng càng biểu hiện rõ nét hơn khi Bộ GD&ĐT ban hành một số điểm mới trong thi cử (trong đó có chọn môn thi tự chọn). Tuy nhiên, điều cán bộ lo lắng, những môn học sẽ giúp ích rất nhiều cho tương lai (như Anh văn) thì học sinh không "mặn mà". Cô Kim Loan chia sẻ: "Khi Bộ GD&ĐT quyết định để ngoại ngữ là môn tự chọn, tôi luôn ray rứt, vì môn học này có thể giúp tuổi trẻ Việt Nam nâng tầm kiến thức và hội nhập nền kinh tế quốc tế. Lâu nay, quan điểm giáo dục là mỗi người Việt Nam biết ít nhất 1 ngoại ngữ, các trường Đại học đều quy định chuẩn đầu ra đối với sinh viên là đạt yêu cầu ngoại ngữ. Do vậy, việc bỏ thi môn ngoại ngữ là một bước thụt lùi".

Một khía cạnh khác, việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay mục tiêu là nhẹ nhàng, giảm áp lực học tập cho học sinh. Song, việc thay đổi này quá đột ngột (đầu tháng 3, Bộ GD&ĐT mới có thông báo chính thức), khiến các trường phải thay đổi phương án ôn tập và thi thật nhanh, bởi từ đầu năm học đã định hướng học sinh thi 8 môn nên tăng tiết học… Hay việc thay đổi công nhận và xếp loại tốt nghiệp bằng việc sử dụng kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh lớp 12 với kết quả 4 môn thi, theo trọng số đánh giá là 50% + 50% (thay vì sử dụng kết quả thi như những năm trước) để đánh giá toàn diện học sinh. Thế nhưng, một số cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, cách đánh giá này sẽ gây áp lực học sinh. Bởi vì, từ đầu năm học, học sinh tập trung học 8 môn thi tốt nghiệp như mọi năm; trong khi các môn không thi (thể dục, công nghệ, tin học, giáo dục quốc phòng) có thể khống chế số điểm học sinh cả năm. Và một thực tế phổ biến về tâm lý học sinh: môn nào không thi sẽ không học!

* * *

Thời điểm này, hầu hết trường THPT trong thành phố đều dồn sức ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT như: THPT Thốt Nốt, THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng, THPT Thới Lai… Một số trường chủ động bằng cách, sau khi có kết quả thi học kỳ I, trường lập danh sách và lập kế hoạch phụ đạo học sinh yếu. Giáo viên chủ nhiệm phối hợp với phụ huynh học sinh tạo điều kiện cho các em tham gia lớp phụ đạo đầy đủ; đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực để lo cho kỳ thi… Thầy Đoàn Tiến Nghĩa, Hiệu trưởng Trường THPT Thốt Nốt, nói: "Hằng năm, theo chỉ đạo của ngành giáo dục thành phố, các lớp 10, 11 và 12 bắt đầu chương trình từ tháng 8, để giáo viên có thời gian ôn tập kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi học kỳ. Sau đó, trường xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp báo cáo lên Sở GD&ĐT, Quận ủy, UBND quận và thành lập Ban chỉ đạo ôn thi tốt nghiệp của trường…". Quan trọng hơn là tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các học sinh; trong đó có việc tổ chức điểm thi, thời gian thi… Bởi vì, năm nay, chắc chắn số lượng học sinh đăng ký thi sẽ không đồng đều như các năm. Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: "Theo quy chế, mỗi trường THPT là hội đồng coi thi (HĐCT), có thể tổ chức HĐCT liên trường nhưng không xếp học sinh các trường khác nhau chung 1 phòng thi. Trên thực tế, một số trường học sinh lớp 12 rất ít, nhất là hệ giáo dục thường xuyên. Song, ngành sẽ tham mưu và tổ chức HĐCT liên trường hoặc liên trung tâm (thi ghép). Tùy theo từng địa phương, ngành sẽ tổ chức các HĐCT, nhưng cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh".

Bài, ảnh: B.KIÊN

Qua khảo sát thực tế ở các trường THPT trên địa bàn TP Cần Thơ, có rất ít học sinh chọn thi môn khoa học xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, hệ giáo dục phổ thông, các môn có số lượng học sinh đăng ký thấp nhất, gồm: Sử 5,7%; tiếng Pháp 0,28% và tiếng Anh 13,8%; nhiều nhất là môn Lý và môn Hóa: trên 62%; còn hệ giáo dục thường xuyên: Sử 23%, Sinh 27%, Hóa 29%.

Chia sẻ bài viết