27/03/2017 - 21:18

Nhiều chị em chủ quan trong chăm sóc sức khỏe sinh sản

Đó là chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Huệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Phương Châu, với phóng viên Báo Cần Thơ. Bác sĩ Nguyễn Thị Huệ cho biết:

 Bác sĩ Nguyễn Thị Huệ.

- Nhiều chị em, nhất là các chị độc thân, không có quan hệ tình dục, thường chủ quan, không đi khám sức khỏe sinh sản định kỳ. Thực chất bệnh ở đường sinh sản không "chừa" phụ nữ độc thân. Chị em độc thân nên đi khám, tầm soát bệnh lý ở vú, buồng trứng … Qua tầm soát, phát hiện sớm bệnh lý như ung thư (UT) vú, buồng trứng. Đặc biệt với UT buồng trứng, do không có biểu hiện ra bên ngoài nên các trường hợp phát hiện được đều là phát hiện muộn, bỏ lỡ cơ hội điều trị triệt để bệnh. UT buồng trứng có thể được phát hiện sớm bằng siêu âm, xét nghiệm máu. Với UT vú, chị em nên tự khám vú hằng ngày hoặc siêu âm nhũ để phát hiện sớm các bất thường.

* Như vậy, chị em có quan hệ tình dục, có gia đình càng nên tầm soát bệnh lý đường sinh sản ?

- Đúng vậy, bởi khi có quan hệ tình dục, nguy cơ bị viêm nhiễm đường sinh sản sẽ cao hơn. Khi bị viêm nhiễm không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, triệt để, nguy cơ tiến triển thành bệnh lý gây vô sinh hoặc UT. Chị em có quan hệ tình dục nên đi khám phụ khoa 1 năm/lần; ngoài ra nên làm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để tầm soát UT cổ tử cung, vú và buồng trứng.

* Ở nữ giới, UT cổ tử cung là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất, hiện có phương pháp nào để tầm soát, thưa bác sĩ?

- Trước đây, chị em được phết tế bào âm đạo (Pap Smear) để phát hiện thay đổi của tế bào. Hiện với kỹ thuật ThinPrep Pap Test, phát hiện chính xác hơn sự thay đổi của tế bào. Theo khuyến cáo, nếu kết quả âm tính thì 2 năm mới làm một lần. Phương pháp này đang được sử dụng phổ biến tại Mỹ, châu Âu cũng như các nước trong khu vực. ThinPrep Pap Test là bước cải tiến kỹ thuật của phương pháp Pap Smear truyền thống, thông qua công nghệ chuyển tế bào có kiểm soát bằng màng lọc, giúp tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong việc phát hiện sự biến đổi tế bào, phát hiện sớm giai đoạn tiền UT. Hiện kỹ thuật này dùng rộng rãi ở các BV và một số phòng khám tư.

* Có trường hợp chị em bị UT cổ tử cung phát hiện ở giai đoạn muộn trong khi hằng năm đều đi khám tầm soát, bác sĩ cho biết vì sao như vậy ?

- Việc thực hiện kỹ thuật này phụ thuộc quá trình lấy mẫu, vận chuyển mẫu, đọc mẫu… Vì thế, chị em nên chọn tầm soát ở những cơ sở uy tín, chất lượng.

* Thưa bác sĩ, một số chị thắc mắc vì sao quan hệ tình dục chung thủy nhưng vẫn bị viêm nhiễm và tái đi tái lại?

- Viêm nhiễm âm đạo, ngoài vấn đề quan hệ tình dục với nhiều người còn do nhiều yếu tố khác như: Việc lạm dụng kháng sinh, nguồn nước không sạch, miễn dịch cơ thể suy giảm, do bị tiểu đường, stress… Viêm nhiễm tái đi tái lại cũng có thể là do chị em điều trị nửa vời, không tái khám. Nhiều chị em thấy điều trị bớt, dù chưa điều trị hết thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhưng bỏ ngang, gây lờn thuốc. Việc tái phát còn do lây từ chồng, vệ sinh kém hoặc quá kỹ (thụt rửa âm đạo) làm thay đổi môi trường cũng như diệt các vi khuẩn bảo vệ âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Muốn điều trị dứt điểm viêm nhiễm phụ khoa, chị em nên đi khám ở bác sĩ chuyên khoa, tuân thủ đúng chỉ định điều trị.

* Một số chị có thói quen khi bị viêm nhiễm thường đến tiệm thuốc tây mua thuốc điều trị, việc này có hệ quả gì ?

- Thuốc đặt điều trị viêm nhiễm là kháng sinh, nên khi sử dụng phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng không đúng, chẳng những bệnh không hết, còn gây nên tình trạng kháng thuốc. Vì thế, chị em tuyệt đối không nên tự điều trị. Qua thực tế thăm khám, có trường hợp không phải bị viêm nhiễm, chỉ là huyết trắng sinh lý, làm chị em lo âu, tưởng bị bệnh nhưng thực tế không phải. Những trường hợp không phải bệnh này, tự mua kháng sinh điều trị càng nguy hại hơn, vừa gây lờn thuốc, vừa làm môi trường âm đạo thay đổi, từ không bệnh lại thành bệnh.

* Xin bác sĩ tư vấn vệ sinh hằng ngày thế nào để hạn chế tình trạng viêm nhiễm?

- Hằng ngày, chị em nên rửa sạch vùng kín 2-3 lần bằng nước sạch, lau khô. Sau khi đi vệ sinh, giao hợp nên rửa sạch bằng nước hoặc chùi, lau khô bằng giấy vệ sinh. Trong kỳ kinh nguyệt nên thay băng vệ sinh thường xuyên, bởi máu thấm vào băng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển và gây viêm nhiễm. Có thể dùng dung dịch vệ sinh ngày "đèn đỏ" để không có mùi hôi. Trong kỳ kinh nguyệt, chị em ở nông thôn tuyệt đối không ngâm mình trong nước ao, sông. Ngoài ra, chị em nên kiêng quan hệ tình dục ngày "đèn đỏ".

* Nhiều chị em kỹ lưỡng dùng dung dịch sát khuẩn vệ sinh hàng ngày, việc này có nên không, thưa bác sĩ ?

- Âm đạo của phụ nữ được thiên nhiên ban tặng cơ chế tự bảo vệ. Nếu lạm dụng dung dịch sát khuẩn, có thể làm chết những vi khuẩn bảo vệ. Vì vậy, ngày "đèn đỏ", nếu có dùng dung dịch vệ sinh thì không nên thụt rửa. Một số nghiên cứu trong nước cho thấy, chị em vệ sinh kỹ, dùng dung dịch vệ sinh thường xuyên, thụt rửa có nguy cơ bị viêm nhiễm cao hơn.

* Xin cảm ơn bác sĩ! 

H.HOA (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết