14/12/2020 - 08:15

Nhân sự lĩnh vực thương mại điện tử “đắt hàng” 

Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử (TMĐT) Việt Nam (VECOM), Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao đối với quá trình chuyển đổi số quốc gia và chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tháng 6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng 2030 và coi năm 2020 là Năm chuyển đổi số quốc gia. TMĐT đang và sẽ tiếp tục thể hiện là lĩnh vực tiên phong trên hành trình này.

Ngày hội việc làm CNTT,  do Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hằng năm luôn thu hút sinh  viên tham dự. Ảnh: B.NG

Chương trình Phát triển TMÐT bền vững giai đoạn 2019-2025 do VECOM đề xuất đầu năm 2019 đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tới năm 2025 tỷ trọng TMÐT của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt tới 50%. Tỷ trọng TMÐT của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện đạt 70% tổng số giao dịch TMÐT trên toàn quốc. Chương trình đặt mục tiêu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng TMÐT trung bình hằng năm của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ở mức cao trên 25%. 

Báo cáo Chỉ số TMÐT 2020 của VECOM nhấn mạnh: Nguồn nhân lực yếu kém là trở ngại lớn nhất của Việt Nam trong quá trình thúc đẩy TMÐT phát triển nhanh và bền vững. Theo khảo sát của VECOM năm 2019 tỷ lệ doanh nghiệp lớn có lao động chuyên trách về TMÐT chiếm 41% trong số các doanh nghiệp lớn tham gia khảo sát, tỷ lệ này ở nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) là 26%. Ðối với các nhóm lĩnh vực, nhóm ngành nghề Y tế - Giáo dục - đào tạo có tỷ lệ lao động chuyên trách về TMÐT cao nhất (46% doanh nghiệp), Công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông (45%) và lĩnh vực Giải trí (44%), doanh nghiệp xây dựng (17%). 

Khảo sát qua các năm cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về TMÐT và CNTT dao động trên dưới 30%. Trong đó, nhân sự có kỹ năng quản trị website và sàn giao dịch TMÐT được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất (49% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong tuyển dụng). Các kỹ năng khác lần lượt là: kỹ năng khai thác, sử dụng các ứng dụng TMÐT (46%); kỹ năng xây dựng kế hoạch, triển khai dự án TMÐT (45%); kỹ năng quản trị cơ sở dữ liệu (45%); kỹ năng cài đặt chế độ, ứng dụng, khắc phục sự cố thông thường của máy vi tính (41%); kỹ năng tiếp thị trực tuyến (39%); kỹ năng triển khai thanh toán trực tuyến (29%).

TS Quản lý giáo dục Nguyễn Vinh Quang, nhà sáng lập Kênh Tư vấn hướng nghiệp MrQ, cho biết: Sinh viên ngành TMÐT sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các công ty, tập đoàn TMÐT lớn hoặc các công ty khác với các chức danh liên quan chuyên ngành như nhân viên kinh doanh online, marketing online, chuyên viên lập dự án kinh doanh online, chuyên viên TMÐT, hoạch định chính sách phát triển CNTT… Nhân sự ngành TMÐT nếu có năng lực giỏi mức lương nhận được từ 6 triệu đồng/tháng đối với người chưa có kinh nghiệm, từ 8 triệu đồng/tháng đối với người có 1-2 năm kinh nghiệm và từ 10 triệu đồng/tháng đối với người có nhiều kinh nghiệm hơn.

Ngành học TMÐT, theo TS Nguyễn Vinh Quang, là sự giao thoa giữa ngành kinh doanh và CNTT, quảng cáo. Theo học ngành này, sinh viên sẽ được học những kiến thức chuyên môn về kinh doanh, kinh doanh trực tuyến, marketing trực tuyến, quản trị TMÐT. Sinh viên sẽ được tiếp cận kiến thức về các công cụ tìm kiếm, khai thác thông tin, mạng máy tính, an ninh mạng, cơ sở dữ liệu, pháp luật TMÐT, kỹ thuật nghiệp vụ thương mại, quản trị hàng hóa và khách hàng trong TMÐT, kỹ năng phân tích dữ liệu trong TMÐT...

Vậy tố chất nào cần có của người làm việc trong ngành TMÐT, TS Nguyễn Vinh Quang nói: “Ðó là người thích kinh doanh và công nghệ; có kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng thuyết trình, giao tiếp và đàm phán tốt; làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả; có kỹ năng tư duy, sáng tạo, có thể nhanh chóng phân tích và giải quyết các tình huống nảy sinh; khả năng ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu giao tiếp xã hội và xử lý vấn đề chuyên môn; chịu áp lực tốt, thích thử thách trong môi trường cạnh tranh”. 

Theo khảo sát của VECOM năm 2019, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt trên 32%. Quy mô TMĐT bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỉ USD. VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30%, quy mô TMĐT Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỉ USD.

Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020

Trong 2 ngày 14 và 15-12-2020 tại Hà Nội, lần đầu tiên diễn ra Diễn đàn cấp cao CNTT - Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020 (Vietnam ICT Summit - DX Day Vietnam2020) do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam và Cục Tin học Hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức. Có hơn 10.000 đại biểu theo dõi trực tuyến sự kiện này.

DX Day Vietnam 2020 tập trung hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm thực tế về chuyển đổi số và giới thiệu những giải pháp hiệu quả đã và đang được ứng dụng, triển khai trong 6 ngành, lĩnh vực: Y tế, Tài chính ngân hàng, Logistics, Nông nghiệp, Sản xuất công nghiệp và chuyển đổi số doanh nghiệp SMEs. Ðây là những ngành kinh tế và đối tượng quan trọng, những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế, góp phần quan trọng trong việc tiên phong dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.

UYÊN KHANH

Chia sẻ bài viết