31/01/2022 - 18:30

Người dân là trung tâm 

CHẤN HƯNG - HOÀNG YẾN

 

Trong dịp trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Hoàng Kha, quê ở tỉnh Vĩnh Long, tạm trú phường An Khánh, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Trong thời gian giãn cách xã hội, có lần hết lương thực, tôi gọi Tổng đài 1022 và ngay trong ngày tôi được hỗ trợ 1 túi quà gồm gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu. Hay như anh Đoàn Văn Dũng ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, đã hoàn thành thủ tục nhận tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp thông qua VssID... 

Dù trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng các cấp, các ngành của thành phố vẫn quyết tâm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), lập các kênh tương tác với người dân, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.

Anh Lê Trung Hiếu,chuyên viên Phòng Nội vụ quận Ninh Kiều tâm đắc với việc chuyển đổi số. Ảnh: H.Y

 

Biến “nguy” thành “cơ”

“Mù” về công nghệ thông tin, nhưng nhờ cán bộ bảo hiểm xã hội (BHXH) quận Ô Môn hướng dẫn, chị Nguyễn Thị Tuyết ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, đăng ký thành công ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội (BHXH) số. Qua đó, chị Tuyết cập nhật, kiểm tra và phát hiện quá trình tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của mình bị thiếu 3 năm. Chị Tuyết yêu cầu công ty, ngành chức năng kịp thời điều chỉnh. Chị phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, tôi từng nghĩ đi trực tiếp làm hồ sơ, thủ tục hành chính còn chưa chắc ăn, huống chi qua mạng. Nhưng từ những tiện ích thiết thực, tôi đã nghĩ khác”.

Cũng như chị Tuyết, anh Ðoàn Văn Dũng ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, hồ hởi kể: “Thông qua VssID, tôi hoàn thành thủ tục nhận tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp một cách nhanh chóng”. Anh Dũng bày tỏ sự hài lòng với những tiện ích mà VssID mang lại. Chuyện đơn giản nhất là khi đi khám, chữa bệnh, anh Dũng không cần mang thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) như trước đây mà chỉ cần mở VssID để quét mã QR là thông tin cá nhân hiện lên đầy đủ, rõ ràng, rất nhanh chóng, tiện lợi và an toàn.

Ngành BHXH TP Cần Thơ đã và đang hoàn thiện dữ liệu, củng cố, kiện toàn nền tảng cơ sở vật chất và công nghệ thông tin. Ðặc biệt, để quản lý, tương tác với người tham gia BHXH, BHYT, ngành BHXH thành phố triển khai cài đặt, sử dụng VssID. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội an sinh xã hội ASEAN (ASSA) lần thứ 38, ngày 26-11-2021, BHXH Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng Thực tiễn hiệu quả của Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2020-2021 tại hạng mục “công nghệ thông tin” cho ứng dụng trên điện thoại thông minh VssID... Ông Ðặng Văn Nở, Giám đốc BHXH thành phố, chia sẻ: “BHXH TP Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số. Qua đó, giúp các doanh nghiệp quản lý chặt chẽ đối tượng tham gia BHXH, BHYT cũng như đối tượng được hưởng BHXH, BHYT của đơn vị một cách công khai, nhanh chóng. Người tham gia BHXH, BHYT dễ dàng tiếp cận thông tin, giao dịch trực tuyến với cơ quan BHXH”.

Hướng đến chính quyền điện tử

Thời điểm thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện hồ sơ, thủ tục hành chính trực tiếp của người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. DVCTT được xem là một trong những giải pháp hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Hạnh ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, vừa hoàn tất thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thông qua Cổng DVCTT, bộc bạch: “Nhờ chuyển đổi số, việc thực hiện hồ sơ rất nhanh chóng, thuận lợi và tôi rất hài lòng”.

Những ngày giáp Tết cũng là thời điểm anh Lê Trung Hiếu, chuyên viên Phòng Nội vụ quận Ninh Kiều “chạy đua” với thời gian để hoàn tất công việc đúng tiến độ. Thao tác thuần thục, giải quyết công việc trên máy tính, anh Hiếu cho biết: “Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các nền tảng trực tuyến giúp tôi thay đổi phương thức làm việc, rút ngắn thời gian giải quyết và trao đổi công việc chuyên môn với đồng nghiệp thuận tiện hơn”.

Cuối năm, không khí làm việc của đội ngũ công chức Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, càng khẩn trương. Ông Trà Văn Sách, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND phường, chia sẻ: “Nhờ thực hiện chuyển đổi số, công tác cải cách hành chính ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn”. Nói đến việc thích ứng chuyển đổi số, đồng nghiệp kể nhiều về anh Trần Hữu Trí, công chức Tư pháp - Hộ tịch. Anh đã ứng dụng phần mềm Access vào đăng ký và quản lý hộ tịch. Nhờ ứng dụng này, việc tra cứu thuận tiện, thời gian giải quyết hồ sơ rút ngắn 1-2 ngày”.

Ðề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đang được các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện xây dựng hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP), kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong nội bộ và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính quyền điện tử TP Cần Thơ... Bên cạnh đó, thành phố đã vận hành chính thức Tổng đài Dịch vụ công 1022 tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin, yêu cầu, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các vấn đề liên quan đến quy định hành chính, dịch vụ công, các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn qua các kênh: đường dây nóng, Cổng thông tin điện tử 1022, ứng dụng trên điện thoại di động (App 1022), mạng xã hội (Zalo, Facebook) và trực tiếp tại Văn phòng UBND thành phố... Ðặc biệt, khi dịch COVID-19 tái bùng phát, các kênh của Dịch vụ 1022 đã phát huy hiệu quả trong nắm bắt thông tin từ người dân về tình hình dịch bệnh và an sinh xã hội.

Chị Nguyễn Thị Tuyết rất hài lòng khi sử dụng VssID. Ảnh: C.H

Thành phố cũng đã sử dụng Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp thành phố đến cấp xã. Qua đó, góp phần hạn chế các cuộc họp, hội nghị đông người, nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Ðồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Sắp tới, thành phố tiếp tục nâng cấp Cổng DVCTT và hệ thống một cửa điện tử, kết nối với hệ thống giám sát quốc gia về chính phủ số. Thành phố sẽ ứng dụng công nghệ số, tích hợp các cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung kết nối, chia sẻ, khai thác trên phạm vi toàn thành phố, với cơ sở dữ liệu quốc gia, bộ, ngành. Ðồng thời, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho tổ chức người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT; tăng cường ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước; chữ ký số trên thiết bị di động, đáp ứng yêu cầu gửi nhận văn bản điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và ứng dụng trong giải quyết thực hiện trực tuyến được xác thực, nhanh chóng và an toàn”.

Chia sẻ bài viết