18/11/2013 - 21:54

TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ- KỸ THUẬT CẦN THƠ

Nâng chất đội ngũ và nghiên cứu khoa học

Ðối với cơ sở giáo dục đại học, đội ngũ cán bộ giảng dạy là một trong những yếu tố quyết định chất lượng đào tạo. Xác định vai trò quan trọng này, thời gian qua, Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật (CÐ KT-KT) Cần Thơ tạo mọi điều kiện để cán bộ, giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đi đôi với việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

* Xây dựng đội ngũ nhà giáo vừa hồng, vừa chuyên

Đến Trường CĐ KT-KT Cần Thơ vào những ngày này, chúng ta dễ bắt gặp hình ảnh tất bật của thầy trò nhà trường chuẩn bị cho kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Người bố trí cây cảnh cho khuôn viên sạch đẹp, bắt mắt; còn người làm băng rôn tuyên truyền… Quan trọng hơn, thầy trò nơi đây đang ra sức thi đua "dạy tốt, học tốt"- hành động thiết thực nhằm chào mừng ngày kỷ niệm này. Thạc sĩ Trang Vũ Phương, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, cho biết: "Để nâng cao chất lượng đào tạo, trường cần có đội ngũ cán bộ, giảng viên vừa hồng, vừa chuyên. Lãnh đạo trường tạo mọi điều kiện để đội ngũ cán bộ, giảng viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Để khuyến khích thầy, cô học tập nâng cao trình độ, trường tạo điều kiện về thời gian, bố trí giờ dạy hợp lý và hỗ trợ một phần kinh phí cho cán bộ đi học". Đồng thời, Ban giám hiệu trường còn tranh thủ nguồn kinh phí đào tạo từ các chương trình, đề án của thành phố, Trung ương để tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên học sau đại học... Theo ông Phương, quy định đối với các trường hợp học sau đại học, bên cạnh chuyên môn, cán bộ phải có đủ thâm niên công tác. Tuy nhiên, để tạo nguồn lực cho trường, lãnh đạo nhà trường sẽ xét ưu tiên đối với cán bộ đủ điều kiện năng lực chuyên môn, ngoại ngữ để học sau đại học.

Giờ học của cô trò Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ. 

Đơn cử như trường hợp của Thạc sĩ Trần Bá Huy, giảng viên Tin học của trường. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Tin học vào năm 2008, Huy tiếp tục học tự túc thạc sĩ năm 2009. Năm 2010, Huy tìm được học bổng du học ở Pháp học thêm bằng thạc sĩ thứ hai ở lĩnh vực công nghệ thông tin. Tháng 7-2011, Huy về Trường CĐ KT-KT Cần Thơ công tác đến nay, theo diện cán bộ thu hút của thành phố. Thạc sĩ Huy cho biết: "Trước khi về trường công tác, thành phố có thăm dò nguyện vọng công tác của tôi ở nhiều đơn vị. Tôi quyết định chọn nghề sư phạm, bởi vừa phù hợp với chuyên môn và sở thích của mình. Về trường, tôi được thầy cô hỗ trợ rất nhiều trong công tác chuyên môn; lãnh đạo trường luôn tạo mọi điều kiện để tôi phát huy năng lực bản thân. Tôi đang chuẩn bị học tiếp nghiên cứu sinh ở Pháp vào đầu tháng 12-2013, theo đề án 911 của Bộ GD&ĐT". Theo Thạc sĩ Huy, đối chiếu với quy định, thâm niên công tác của Huy chưa đủ, nhưng trường đã tạo mọi điều kiện để anh có thể dự tuyển Đề án 911; hỗ trợ nhiều trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học… "Không chỉ riêng tôi mà hầu hết cán bộ, giảng viên đều được nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để nâng cao trình độ. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, phục vụ việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học - Thạc sĩ Huy bộc bạch.

Nhờ cách làm của lãnh đạo Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, cùng với sự nỗ lực của thầy, cô, trường đã có những chuyển biến đáng kể trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên vừa hồng, vừa chuyên. Toàn trường hiện có 206 cán bộ, công nhân, viên chức (6 tiến sĩ và 111 thạc sĩ). Trong đó, có 162 giảng viên, với trên 75% người có trình độ sau đại học, đủ đáp ứng yêu cầu giảng dạy hơn 6.200 học sinh, sinh viên.

* Ðẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học

Đi đôi với công tác kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, lãnh đạo Trường CĐ KT-KT Cần Thơ còn chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), hợp tác quốc tế. Thời gian qua, trường tổ chức giao lưu với đoàn đại biểu Trường Đại học Queensland (Úc); Trường Đại học Saskatchewan (Canada)… Mới đây, trường làm việc với Đại học Nam Úc để bàn về việc trao đổi hợp tác giáo dục giữa hai trường. Công tác NCKH cũng được chú trọng, số đề tài NCKH của cán bộ tăng hằng năm. Nếu như năm 2011, trường có 53 đề tài cấp trường thì đến năm 2013, trường có 57 đề tài. Hiện nay, cán bộ trường đang thực hiện 6 đề tài NCKH cấp thành phố, với trên 2 tỉ đồng (trong đó đã chuyển giao 3 đề tài), như: Nghiên cứu sinh sản nhân tạo Cá trạch lấu; xác định các sản phẩm hàng hóa chủ lực của TP Cần Thơ; xây dựng mô hình ứng dụng các tiến bộ giống Lúa thương phẩm;…

Theo lãnh đạo Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, hoạt động NCKH là hoạt động không thể thiếu trong kế hoạch đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. Thông qua NCKH, không chỉ giúp cán bộ, giảng viên đào sâu hơn kiến thức đã học mà còn phát huy khả năng sáng tạo, đưa công trình nghiên cứu của mình vào thực tế cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực. Như hiện nay, trường thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ nên phải đổi mới hoạt động quản lý, đào tạo. Để phục vụ công tác đào tạo này, 9 cán bộ của trường đã thực hiện đề tài "Thiết kế và xây dựng phần mềm quản lý đào tạo" (giai đoạn 2), do Thạc sĩ Trang Vũ Phương làm chủ nhiệm. Theo nhiều cán bộ, giảng viên của trường, việc ứng dụng đề tài "Thiết kế và xây dựng phần mềm quản lý đào tạo", góp phần giảm chi phí đáng kể, khỏi mua phần mềm của nhà sản xuất. Quan trọng hơn đã giúp cán bộ, giảng viên và sinh viên dễ dàng thực hiện các hoạt động như: thực hiện công văn trong thủ tục hành chính, sắp xếp thời khóa biểu giảng viên, sinh viên... Thạc sĩ Trần Bá Huy, một trong những thành viên tham gia thực hiện đề tài, nói: "Tham gia NCKH giúp cán bộ đào sâu hơn chuyên môn, ứng dụng lý thuyết vào thực hành hiệu quả hơn; nhất là phục vụ công tác giảng dạy".

Với những cách làm thiết thực trên, Trường CĐ KT-KT Cần Thơ đang từng bước xây dựng, tạo nền tảng vững chắc cho Trường Đại học Kinh tế -Kỹ thuật Nông nghiệp tương lai; trước mắt, để xây dựng "thương hiệu" của trường và tạo lòng tin cho xã hội.

Bài, ảnh: Ð.Ngọc

Chia sẻ bài viết