Bài, ảnh: HÀ VĂN
Nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp các địa phương vùng ÐBSCL tăng cường vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất rải vụ trong năm mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho nông dân…
Sầu riêng được nông dân huyện Phong Ðiền lựa chọn khi ứng dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), từ đầu năm đến, các địa phương vùng ÐBSCL chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả trên 23.200ha. Cây trồng chuyển đổi chủ yếu là cây ngắn ngày, như bắp, đậu nành, đậu phộng, gừng, rau các loại; cây ăn trái như cam, bưởi, xoài, mít… Một số diện tích chuyển đổi sang cây ăn trái như cam, bưởi, quýt, nhãn, xoài, sầu riêng đang có xu hướng tăng mạnh do hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành vùng ÐBSCL còn tập trung sản xuất rải vụ 5 loại cây trồng, như thanh long, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, xoài, với tổng diện tích khoảng 71.900ha, tổng sản lượng rải vụ trên 1.237 triệu tấn, chiếm 54,4% tổng sản lượng trong năm. Cụ thể, sầu riêng là loại cây trồng có diện tích rải vụ 5.100ha, bằng 38,6% tổng diện tích thu hạch; cây xoài có diện tích rải vụ 10.600ha, bằng 44,7% tổng diện tích thu hoạch, ước sản lượng 161.900 tấn, bằng 44,3% tổng sản lượng… Theo ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt, khi tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, rải vụ sản xuất, nông dân sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, cần cù và nhạy bén trong tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng, uy tín, phát triển thị trường, đặc biệt mang lại lợi nhuận cao cho người sản xuất...
TP Cần Thơ hiện có tổng diện tích cây ăn trái 23.683ha, đạt 97,4% kế hoạch năm. Hầu hết, diện tích cây ăn trái phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất và cho năng suất cao. Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Hiện ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch sản xuất cây ăn trái phù hợp với điều kiện của từng quận, huyện. Trong đó tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng BÐKH và tăng cường biện pháp kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh; mở rộng, phát triển mạnh mẽ các vùng chuyên canh sản xuất gắn với chế biến quy mô lớn, có truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc tương đương cho vườn cây ăn trái, mô hình chuyển đổi cây trồng, rải vụ sản xuất trong năm...".
Phong Ðiền là địa phương có diện tích cây trồng khá lớn của TP Cần Thơ. Hằng năm, ngành Nông nghiệp địa phương hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, rải vụ sản xuất. Gia đình ông Võ Văn Hữu (xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền) có 11 công đất trồng chôm chôm. Theo ông Hữu, cây chôm chôm dễ trồng, tuổi thọ cao, ít sâu bệnh, đặc biệt là nhẹ công chăm sóc. "Ðược hỗ trợ của ngành Nông nghiệp huyện, hằng năm gia đình tôi xử lý để cây ra trái rải vụ. Thay vì cho thu hoạch rộ từ 1 đến 2 tháng, nhưng tôi ứng dụng tiến bộ khoa học, xử lý cho trái 4 đợt trong năm, mỗi đợt cách nhau 1 tháng, đồng thời mỗi đợt xử lý cho trái chỉ gần 3 công. Cứ thế lần lượt hết 3 công chôm chôm này cho trái thì đến 3 công chôm chôm khác cho trái. Ðây là phương pháp canh tác nhằm hạn chế tình trạng thiếu nhân công thu hoạch, giảm thất thoát và hạn chế tình trạng "dội hàng, mất giá" khi chôm chôm cho thu hoạch rộ" - ông Võ Văn Hữu chia sẻ.
Hiện nay, vườn chôm chôm của ông Hữu có tuổi đời từ 40 năm đến trên 50 năm. Mỗi năm, chôm chôm cho trái rải vụ đem lại lợi nhuận trên 15 triệu đồng/công. Theo hướng dẫn của ngành chức năng địa phương, gia đình ông Hữu cũng đang lập kế hoạch xây dựng vườn chôm chôm phục vụ khách du lịch tham quan; điểm hướng dẫn nông dân sản xuất cây trồng rải vụ trong năm…
Bên cạnh những thuận lợi, hiệu quả do chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản xuất rải vụ trong năm mang lại, thì vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Ðó là một số diện tích nông dân trồng với nguồn giống có chất lượng chưa đạt yêu cầu; nông dân chưa nhuần nhuyễn với kỹ thuật canh tác cây ăn trái, thiếu kiến thức và phương tiện, trang thiết bị dẫn đến chất lượng sản phẩm còn thấp. Ðiển hình như trồng mật độ quá dày để khai thác tối đa quỹ đất, sử dụng phân bón và chất kích thích quá nhiều để nâng tối đa năng suất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng, nồng độ để phòng trừ dịch hại; việc tổ chức sản xuất chưa theo quy hoạch và định hướng của địa phương, còn mang tính tự phát; sự liên kết giữa sản xuất và thu mua còn lỏng lẻo, nên giá cả chưa ổn định...
Theo Cục Trồng trọt, để hạn chế tình trạng trên các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, sản xuất rải vụ trong năm để thích ứng với tình hình BÐKH, biến động do "dội hàng, rớt giá"; lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất; lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả, nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng; kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân... Ðặc biệt, nông dân cần tăng cường tích trữ nước ngọt thông qua các giải pháp nạo vét kênh mương nội đồng, đào ao chứa nước ngọt trong vườn; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả thông qua đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, kết hợp cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống tưới; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm chi phí sản xuất thông qua giảm phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và tăng cường ứng dụng khoa học tiến bộ vào sản xuất…