02/09/2008 - 20:13

Nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề, tạo việc làm

Sau thời gian điều chỉnh ngành nghề, cách thức đào tạo gắn với hiệu quả tạo việc làm phù hợp với từng địa phương, tháng 8-2008, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động ngoại thành và chiến sĩ lực lượng vũ trang xuất ngũ năm 2008” (gọi tắt là Đề án Đào tạo nghề (ĐTN) ) tiếp tục được triển khai, tạo nên khí thế lao động ở các địa phương. Với mục tiêu và cách làm mới, Đề án ĐTN từng bước đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm của thành phố…

Đưa nghề về làng

Trời đã quá trưa, chúng tôi đến lớp dạy nghề đan thảm lục bình, ở khu vực 3, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, nhưng vẫn còn vài chị ở lại cặm cụi làm việc. Chị Trần Thị Bảy, ở khu vực 3, nói: “Tôi thấy nghề này phù hợp với mình và đa số chị em, vừa tranh thủ làm để thêm thu nhập, vừa có điều kiện chăm sóc gia đình”. Bà Đặng Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hưng Thạnh, cho biết: Học viên của lớp mới học nghề gần nửa tháng đã được trả tiền sản phẩm (4.000 đồng/ miếng thảm). Sở dĩ, phường chọn mở lớp đan thảm lục bình vì rất phù hợp với số lao động nữ lớn tuổi, lại không cần đầu tư vốn, nguyên liệu và sản phẩm được giao và nhận tận nơi, nguồn hàng có liên tục, thường xuyên”. Hiện nay, các học viên lớp dạy nghề may gia dụng năm 2007 ở phường đang làm nghề may gia công giỏ xách, thu nhập bình quân 800.000 đồng/tháng/người.

Nhiều chị em ở khu vực Thới Bình, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy cũng tham gia học lớp nghề chằm nón. Ai cũng bỡ ngỡ với những thao tác ban đầu nhưng đều rất vui mừng vì được học nghề. Chị Nguyễn Thị Sơn, 51 tuổi, nói: “Được học nghề và có thu nhập hàng ngày tôi rất mừng. Nếu có nơi tiêu thụ ổn định với số lượng lớn thì tụi tôi an tâm hơn”. Còn chị Dương Thị Nhung, năm 2007, được quận xây tặng nhà tình thương, nay lại được giới thiệu học nghề, bày tỏ: “Tôi không có đất vườn, cả nhà 4 miệng ăn chỉ trông vào thu nhập từ nghề thợ hồ của ông xã. Học xong nghề này, tôi mong có việc làm để phụ tiếp gia đình...”.

Lớp dạy nghề đan thảm lục bình ngắn hạn miễn phí, ở phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng. 

30 học viên lớp dạy nghề may gia dụng ở xã Trường Xuân, huyện Cờ Đỏ đang trong giai đoạn thực hành cắt may. Đưa chúng tôi xem những sản phẩm đầu tay của các học viên, cô giáo phụ trách lớp nhận xét: “Đa số học viên chuyên cần, chịu khó, theo kịp lý thuyết và thực hành khá thạo”. Ngoài dạy cắt may quần tây, áo sơ-mi, các học viên còn được hướng dẫn may các loại áo kiểu. Bạn Mỹ Tho nói: “Em đã may được quần áo cho người thân. Cô nói, tụi em cố gắng luyện tay nghề thêm vài tháng nữa là có thể may đồ cho khách”. Ông Lê Văn Bi, cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo xã Trường Xuân, cho biết: Sắp tới, xã mở thêm 1 lớp dạy nghề trồng trọt miễn phí cho 30 lao động.

Nâng cao vai trò và trách nhiệm của địa phương

Theo Phòng Quản lý (QL) – ĐTN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, trong năm 2008, thành phố tổ chức 119 lớp dạy nghề cho 3.570 lao động các quận, huyện. Từ đầu tháng 8 – 2008 đến nay, các quận, huyện đã mở khoảng 40 lớp dạy nghề, thu hút gần 1.200 lao động ở các phường, xã học các nghề: may gia dụng, chằm nón, đan đát, đan thảm lục bình, tin học... Đối tượng tham gia học nghề là những lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trình độ học vấn thấp, chưa có tay nghề, việc làm không thường xuyên, thu nhập bấp bênh.

Ông Lê Văn Diện, Trưởng phòng QL – ĐTN, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, cho biết: Với mục tiêu nâng chất lượng ĐTN và hiệu quả GQVL sau đào tạo, Đề án ĐTN năm 2008 tiếp tục cải tiến và đổi mới cách làm, từng bước nâng cao hiệu quả việc làm sau đào tạo, với nhiều nét mới, như: thành phố không phân bổ lớp nghề dàn trải mà phải do địa phương đăng ký trên cơ sở đáp ứng nhu cầu việc làm của lao động địa phương để nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Các nghề đào tạo phải phù hợp với thực tế trình độ học vấn, tay nghề của người lao động từng địa phương. Thời gian đào tạo kéo dài từ 2 tháng đến 4 tháng/lớp, tùy theo từng ngành nghề. 29 đơn vị tham gia đào tạo phải có uy tín, năng lực đào tạo với đội ngũ giáo viên và chương trình giảng dạy phù hợp, trong đó có Trường Đại học Cần Thơ, Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ, Trường Trung học Cơ điện và Phát triển nông nghiệp Nam bộ... góp phần nâng cao chất lượng công tác ĐTN của thành phố.

Mục tiêu của Đề án ĐTN năm 2008 là tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương, chấm dứt tình trạng đào tạo tràn lan, ngành nghề không phù hợp, người lao động sau khi học nghề không có việc làm. Các lớp dạy nghề do quận, huyện đăng ký đều thể hiện sự phù hợp với thế mạnh phát triển, cơ cấu lao động, việc làm ở địa phương. Huyện Cờ Đỏ tập trung cho các nghề phục vụ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn; quận Cái Răng triển khai các nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... Trong đó, một số ngành nghề thời gian qua đã phát huy hiệu quả tạo việc làm, như: Nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú y, trồng trọt, đan thảm lục bình, may gia dụng, sửa xe gắn máy,... Để đạt được mục tiêu đó, trách nhiệm không chỉ riêng của ngành chức năng thành phố mà vai trò của chính quyền đoàn thể các địa phương rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục người lao động định hướng nghề nghiệp, việc làm, chủ động liên kết với các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tiêu thụ, đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm cho người lao động.

Được biết, lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện, địa phương rất chú trọng khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm của người lao động và tạo việc làm cho học viên sau khi học nghề, nhưng do các xã, phường, thị trấn chưa thống kê và quản lý được số lao động trong độ tuổi có nhu cầu học nghề, tạo việc làm nên hiệu quả GQVL còn hạn chế, chưa sát với yêu cầu của địa phương.

Theo bà Nguyễn Ngọc Sương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, thành phố luôn nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng công tác ĐTN gắn với nhu cầu xã hội, giúp người lao động có tay nghề và việc làm, thu nhập ổn định. Ngành chức năng đang chờ UBND TP Cần Thơ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề, GQVL cho người dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp” để kịp thời triển khai. Trước mắt, trong tháng 9-2008, thành phố tổ chức 2 hội nghị ở quận Ninh Kiều và quận Cái Răng về nội dung dạy nghề và GQVL cho người dân vùng mất đất nông nghiệp, trực tiếp lắng nghe người dân trình bày ý kiến, nguyện vọng học nghề, việc làm. Từ đó, định hướng dạy nghề và GQVL phù hợp cho người lao động từng vùng, từng khu dân cư. Sắp tới, thành phố sẽ tập trung mở các lớp trung cấp nghề, tạo điều kiện cho người lao động vừa học nghề, vừa học văn hóa, nâng cao trình độ về mọi mặt.

Với mục tiêu trang bị tay nghề cơ bản, từng bước nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và giá trị đích thực của việc học nghề, có việc làm cho người lao động, Đề án ĐTN tiếp tục triển khai thực hiện với những cách làm mới thiết thực, hiệu quả, đi vào chiều sâu, gắn bó mật thiết với lao động ngoại thành. Từ đó, ngày càng có thêm nhiều lao động có tay nghề, thu nhập ổn định, trước mắt giải quyết tình trạng lao động thất nghiệp, thiếu việc làm và lâu dài là đóng góp nguồn lao động chất lượng cao cho sự phát triển của thành phố.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết