25/05/2008 - 23:17

Thị trường lao động Đồng bằng sông Cửu Long:

Nan giải bài toán "cung - cầu"

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 18 triệu dân, trong đó phần lớn đang ở tuổi lao động. Với nguồn nhân lực dồi dào như thế những tưởng sẽ góp phần tạo thêm hấp lực mời gọi đầu tư  phát triển kinh tế ở các khu công nghiệp (KCN) – đồng thời đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động, nhưng thực tế diễn ra lại hoàn toàn trái ngược. Trong khi các doanh nghiệp (DN) và xã hội luôn có nhu cầu bức bách thì nguồn lao động trong vùng lại rất thiếu. Vì sao? 

LAO ĐỘNG CÓ TAY NGHỀ: THIẾU VÀ YẾU ?

Từ đầu năm đến nay, trước cổng nhiều xí nghiệp may xuất khẩu (XK), chế biến thủy sản ở các KCN tại TP Cần Thơ luôn treo bảng thông báo tuyển công nhân. Các DN này đều thừa nhận tình trạng lao động luôn biến động, nhất là sau những kỳ nghỉ tết, lễ và trong cơn “bão giá” khuấy động tới bữa cơm thường ngày của đời sống công nhân. Một giám đốc doanh nghiệp may mặc XK có gần 2.000 công nhân đang làm việc, cho biết: “Muốn có đủ nhân lực và giữ được công nhân có tay nghề thì phải “cạnh tranh” bằng cách nâng lương và thực hiện thêm nhiều khoản phúc lợi đãi ngộ. Nhưng muốn thực hiện điều này trong tình hình XK đang khó khăn như hiện nay quả thật khó trăm bề...”.

 Công nhân may Tây Đô trong giờ làm việc. Ảnh: THIỆN KHIÊM

Thực tế tréo ngoe khi người lao động cần việc còn nhiều thì không ít DN vẫn than khó tìm nhân công, ngay cả công nhân lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật cao càng thiếu trầm trọng. Ông Võ Thanh Phong, Giám đốc Công ty Vận tải thủy Cần Thơ (Vinashin Cần Thơ), cho rằng, tương lai Vinashin phát triển mạnh mẽ trong việc đầu tư xây dựng hàng loạt các nhà máy đóng tàu ở Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp... sẽ mở ra triển vọng thu hút khoảng 50.000 lao động cho các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thực tế ở Vinashin Cần Thơ và một số đơn vị bạn, lực lượng lao động làm việc tại các nhà máy chủ yếu hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Ngoại trừ một số ít kỹ sư và công nhân kỹ thuật có tay nghề bậc cao (chiếm khoảng 10%) thì số còn lại tay nghề yếu, tác phong công nghiệp chưa đạt yêu cầu, năng suất lao động không cao. Trong khi đó công tác đào tạo nghề đã bộc lộ nhiều bất cập: quá chú trọng vào lý thuyết, thiếu máy móc thiết bị với công nghệ hiện đại để cho công nhân và kỹ sư thực tập... Do vậy khi doanh nghiệp tuyển dụng lao động phải đào tạo lại mất thời gian ít nhất cũng 3 tháng.

Trong khi đó, nhìn sang thị trường lao động xuất khẩu, Công ty SULECO cho biết, nhóm thị trường có nhu cầu lao động kỹ thuật và trả công tương đối cao phù hợp với nhiều lao động của nước ta trước đây như Nhật Bản, Hàn Quốc và trong 2 năm gần đây có Singapore, một vài nước Trung Đông. Ở Singapore nhu cầu cần lao động tốt nghiệp trung học phổ thông, điều kiện biết ngoại ngữ, giao tiếp tốt làm việc tại các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử hoặc dịch vụ với mức lương bình quân 10 triệu đồng/tháng. Lao động tốt nghiệp đại học, trình độ tiếng Anh khá, giỏi làm công tác quản lý điều hành, mức lương 20 triệu đồng/tháng. Vậy mà nhiều năm qua, số lao động XK ở ĐBSCL vẫn chưa nhiều.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện tại ĐBSCL có hơn 8 triệu lao động nhưng chỉ mới có hơn 10% số lao động này được đào tạo nghề, số còn lại đều là lao động phổ thông. Nhưng, có một thực tế là hơn 10% số lao động đã qua đào tạo nghề cũng chưa chắc đã có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của nhà máy, xí nghiệp. Ông Nguyễn Thái Hùng, Tổng Giám đốc Công ty May Tây Đô (Cần Thơ), không giấu vẻ thất vọng khi nói về lực lượng lao động ĐBSCL: “Tôi không hiểu người ta dạy và học như thế nào mà khi chúng tôi tuyển công nhân vào đào tạo nghề may thì các em này gần như... chưa biết gì cả. Khi dạy nghề, chúng tôi phải tốn rất nhiều thời gian các em mới có thể hiểu bài, hiểu công việc. Giảng viên yêu cầu các em tự ghi chép vào sổ thì sau khi kiểm tra 10 em, có đến... 9 em ghi sai nội dung, hoàn toàn không biết các từ ngữ, thông số chuyên môn”.

Khi nói về việc tuyển dụng lao động ở ĐBSCL, hầu như doanh nghiệp nào cũng kêu khó. Nhiều chủ doanh nghiệp ở KCN Cần Thơ, KCN Mỹ Tho nói với chúng tôi: “Tuyển công nhân vào làm việc trong các nhà máy có 3 trắc trở: khó tuyển số lượng lớn, trình độ học vấn của công nhân quá thấp và không chịu khó lao động”. Trong 3 yếu tố trên, trình độ học vấn của công nhân quá thấp là vấn đề được rất nhiều người chú ý. Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ, hiện nay ở ĐBSCL cứ 3 lao động thì có 1 người chưa học hết tiểu học. Chính trình độ học vấn thấp là cản ngại rất lớn khiến người lao động không thể vào được các trường dạy nghề hoặc khó có thể tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại. Do vậy, việc toàn vùng thiếu nghiêm trọng lực lượng lao động có tay nghề cao cũng không có gì lạ.

CẦN CÓ MỘT CHIẾN LƯỢC ĐÀO TẠO PHÙ HỢP

Hiện nay, lao động trẻ ở ĐBSCL có xu hướng đổ về làm việc tại các KCN trong vùng, thu hút mạnh nhất là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Riêng ĐBSCL có 151 KCN tập trung đã tạo được việc làm cho 60.000 lao động. Trong đó, thu hút nguồn lao động mạnh nhất là Long An và TP Cần Thơ. Nhưng theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện tại ĐBSCL có 182 cơ sở dạy nghề gồm 19 trường đại học, cao đẳng, trung học có dạy nghề, 23 trường dạy nghề, 69 trung tâm dạy nghề và 75 cơ sở đào tạo khác có tham gia dạy nghề. Có một nghịch lý khó chấp nhận nhưng vẫn tồn tại lâu nay: một địa bàn gần 18 triệu dân, hơn 8 triệu lao động nhưng chỉ có 2.202 giáo viên dạy nghề! Với lực lượng giảng viên và cơ sở dạy nghề như vậy, nhiều người tự hỏi: Mục tiêu tuyển sinh và đào tạo nghề cho hơn 774.000 học sinh từ nay đến năm 2010 liệu có khả thi ?

Giải bài toán lao động ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL đang đặt ra một yêu cầu đào tạo nghề khẩn trương. Ông Huỳnh Việt Dũng, Phó Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (KCX&CN) TP Cần Thơ, dẫn chứng thực tiễn 31.600 lao động đang làm việc tại 117 DN ở 5 KCN trong thành phố cho thấy, trong 7 năm qua, tốc độ lao động tăng bình quân từ 22% lên 50%, chủ yếu lao động địa phương trẻ 18-30 tuổi, được tuyển từ trường phổ thông và lao động nhàn rỗi vùng nông thôn lân cận. Dự báo tới năm 2015 khi các KCN mở rộng thêm 5.000ha và đưa thêm nhiều dự án đầu tư mới vào hoạt động nhu cầu sẽ cần tới 80.000 lao động. Do đó, ông Dũng đề nghị TP Cần Thơ cần có một chiến lược đào tạo nghề lâu dài, đa ngành nghề và hàng năm phải cụ thể kế hoạch đào tạo đáp ứng nhu cầu của các DN.

Hiện nay, nguồn lao động qua đào tạo đang có chuyển biến bước đầu. Trong 4 năm qua (2004-2007), các trường dạy nghề ở TP Cần Thơ đã đào tạo 118.945 lao động, bình quân 29.700 lao động/năm, tăng 5,6%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế tăng 30,84%, tăng gấp 1,76 lần so năm 2004. Ngành nghề đào tạo tăng từ 38 nghề lên 60 nghề, trong đó 20 nghề đào tạo dài hạn và 12 nghề người lao động tự tạo việc làm tại hộ gia đình. Riêng số các cơ sở đào tạo dạy nghề trong thành phố cũng tăng từ 20 lên 41 cơ sở. Dự báo của Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, trong vòng 3 năm tới (2008-2010) nhu cầu lao động làm việc tại các DN trong thành phố sẽ tăng 4%/năm và 860.000 người có việc làm vào năm 2010. Do vậy, thành phố đang triển khai kế hoạch cùng với các trường và cơ sở dạy nghề, tổ chức gấp rút đào tạo nghề bằng nhiều hình thức cho 155.000 lao động, trong đó 40.000 lao động nghèo ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc.

Hiện nay, lực lượng lao động địa phương còn khá dồi dào. Thế nhưng làm thế nào để khơi dậy nguồn lao động vùng nông thôn còn ở “phía sau lũy tre làng”? TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ, cho rằng: “Điều cần làm trước mắt là nhanh chóng đổi mới công tác đào tạo. Các trường dạy nghề và các doanh nghiệp cần liên kết với nhau trong công tác đào tạo, điều này cũng hợp lý. Nhưng theo tôi, tự bản thân các trường dạy nghề cũng phải dự báo nhu cầu sử dụng lao động của xã hội và các doanh nghiệp để có kế hoạch đào tạo nhân lực sát thực tế hơn. Đồng thời, các trường dạy nghề phải đổi mới công tác đào tạo cho phù hợp với xu thế phát triển hiện đại. Hiện nay, từ giáo trình dạy nghề cho đến trang thiết bị giảng dạy đều cũ kỹ, lạc hậu...”. Một ý kiến khác cho rằng, hệ thống trường chuyên nghiệp, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề ở ĐBSCL quá ít, trong khi nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề cao, chất lượng của xã hội đang rất lớn!

THIỆN KHIÊM – HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết