17/01/2010 - 09:36

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Năm 2010 tạo việc làm cho 100.000 lao động nông thôn

* Nâng tỷ trọng công nghiệp lên 40% trong cơ cấu kinh tế

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, năm 2010, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phấn đấu tạo việc làm cho 100.000 lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất, góp phần đưa số cơ sở dạy nghề toàn vùng lên 11 trường cao đẳng, 20 trường trung cấp nghề (trong đó có 2 trường dạy nghề cho người dân tộc thiểu số), 119 trung tâm dạy nghề cấp huyện.

Các tỉnh huy động đội ngũ kỹ sư, công nhân giỏi thuộc các doanh nghiệp, làng nghề... tham gia dạy nghề cho người lao động tại chỗ; nâng cao qui mô dạy nghề với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện kinh tế, sinh sống của từng nhóm đối tượng; chú ý dạy nghề lưu động, liên kết giữa các doanh nghiệp với làng nghề nhằm đào tạo đúng nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở. Các tỉnh phát triển mạng lưới trung tâm giới thiệu việc làm, hệ thống cơ sở thông tin về thị trường lao động, tổ chức sàn giao dịch về việc làm gắn với cung ứng lao động cho người sử dụng lao động; hỗ trợ kinh phí học nghề, tăng mức cho vay tín dụng ưu đãi để người lao động vùng nông thôn, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có điều kiện đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Các tỉnh mở rộng liên kết với các doanh nghiệp đào tạo những nghề mà doanh nghiệp cần để người lao động có việc làm ngay sau khi được đào tạo.

Toàn vùng ĐBSCL hiện có gần 20% lao động nông nghiệp thiếu việc làm. Thị trường lao động tại ĐBSCL phát triển chậm hơn các vùng khác, chất lượng nguồn nhân lực thấp, có khoảng 70% lao động chưa qua đào tạo.

* Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, năm 2010, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phấn đấu nâng tỷ trọng công nghiệp từ 35% lên 40% trong cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 130.000 tỉ đồng, tăng trên 30.000 tỉ đồng so năm 2009.

Với mục tiêu này, các tỉnh quy hoạch phát triển các ngành chế biến nông lâm thủy sản, năng lượng, công nghiệp tiêu dùng, cơ khí nông ngư cơ, sản xuất vật tư phục vụ công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông thôn; từng bước hoàn chỉnh hệ thống cảng biển, cảng sông của vùng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, bảo đảm tàu trên 10.000 tấn ra vào thuận lợi, trong đó cảng Cái Cui là cảng trung tâm. Các tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chương trình khuyến công; thay thế thiết bị lạc hậu bằng thiết bị hiện đại; nâng cao tay nghề trình độ người lao động, đào tạo nhân lực kỹ thuật cao; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp mở rộng hợp tác với nước ngoài. Cùng với việc tăng vốn đầu tư phát triển công nghiệp, mở rộng và nâng chất hoạt động dịch vụ công nghiệp, các tỉnh còn tăng số lượng sản phẩm chế biến cao; xây dựng hệ thống xử lý chất thải bảo vệ môi trường nhằm đưa kinh tế công nghiệp phát triển trong giai đoạn hội nhập.

Mười năm qua, ngành công nghiệp ĐBSCL luôn tăng trưởng với tốc độ cao. Riêng năm 2009 đạt giá trị hơn 97.000 tỉ đồng, đứng thứ ba về tỷ trọng trong tổng giá trị ngành công nghiệp cả nước, dẫn đầu là thành phố Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, Long An. Các ngành được tập trung đầu tư phát triển là chế biến gạo, thủy hải sản, chế biến sữa, dầu thực vật, đường, trái cây, rượu, bia, nước giải khát, chế biến thức ăn gia súc, sản xuất xi măng, khí -điện- đạm, phân bón, điện nước... Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng ngành công nghiệp cũng liên tục tăng, nếu năm 2001 chỉ chiếm 15,8%, đến năm 2009 tăng lên 35%. Năm 2001, hàng công nghiệp xuất khẩu ĐBSCL chỉ đạt 1.463 triệu USD, đến năm 2009 đã đạt trên 4 tỉ USD. Hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, thủy sản đông lạnh, may mặc, giày da, hàng mỹ nghệ, rau quả đóng hộp.

THẾ ĐẠT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết