19/06/2011 - 20:30

Mô hình nuôi cút trang trại
cho hiệu quả kinh tế cao

Ông Trần Nguyễn Hồ tại trang trại nuôi chim cút.

Trang trại nuôi cút Nguyễn Hồ của ông Trần Nguyễn Hồ ở ấp Long Bình, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang được xem là mô hình chăn nuôi cút trang trại quy mô lớn tại Tiền Giang. Trang trại vừa được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu hàng hóa độc quyền. Đây là trang trại nuôi cút đầu tiên ở vùng ĐBSCL được cấp chứng nhận này.

Với hệ thống chuồng trại được đầu tư bài bản, chuyên chăn nuôi cút đẻ theo quy trình tiêu chuẩn chăn nuôi công nghiệp trong nhà kín, sạch, an toàn sinh học và hiệu quả kinh tế cao. Có được thành công như hôm nay, ông Hồ đã trải qua không ít lần thất bại. Ông Trần Nguyễn Hồ cho biết: “Tôi nuôi cút đến nay đã hơn 10 năm. Trước đây, nuôi tự phát, với hệ thống chuồng trại đơn giản,... nên hiệu quả không cao. Do vậy, tôi đã tìm tòi, đọc các tài liệu trên mạng và học tập kinh nghiệm nhiều nơi cách làm trang trại khép kín. Nhờ vậy, mà thay đổi được cuộc sống gia đình”...

Theo ông Hồ, nuôi cút phải nắm vững kỹ thuật, đảm bảo nhiệt độ trại nuôi luôn ổn định trong khoảng 30 độ C, giữ vệ sinh chuồng nuôi sạch, để hạn chế rủi ro cần phòng dịch bệnh ngay từ khâu con giống. Trong quá trình chăn nuôi, ông còn miệt mài nghiên cứu và sáng chế ra kiểu chuồng hoàn toàn mới bằng sắt, các ô chuồng được hàn bằng kim loại ghép lại với nhau thành một hệ thống nối dài. Sáng chế của ông Hồ đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận kiểu dáng chuồng nuôi công nghiệp năm 2009. Với ưu điểm gọn nhẹ, tiết kiệm diện tích, chuồng thoáng mát, có hệ thống nước uống tự động và đặc biệt là hệ thống máng ăn hạn chế sự rơi vãi của cám; đồng thời, có thể áp dụng ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo ông Hồ, thức ăn của cút là một trong những yếu tố quyết định thành công hay thất bại của trang trại chăn nuôi. Tùy theo từng vùng, miền và kinh nghiệm của mỗi người, mà thức ăn cho cút có thể được bổ sung một số vi lượng cần thiết khác nhau để chim cút đẻ trứng sai. Nhờ thực hiện nghiêm ngặt chế độ phòng dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại, dần dần trang trại của ông phát triển nuôi trên 100.000 con cút trên diện tích 6.000m2 đất. Mỗi ngày, trang trại của ông xuất bán trên 100.000 ngàn trứng, với giá 400 đồng/trứng cút lạt và 550 đồng/trứng cút lộn...

Cút có thời gian sinh trưởng rất ngắn, cút trưởng thành và cho sinh sản chỉ sau 45-50 ngày tuổi. Thời gian cho trứng kéo dài từ 8-9 tháng thì phải thay đàn cút mới. Nếu đầu tư bài bản một chuồng trại có sức chứa 20.000 con cút tốn khoảng 500 triệu đồng bao gồm: chuồng trại, thức ăn, giống, kỹ thuật. Theo ông Hồ, nếu lấy trứng liên tục 8 tháng mới kết thúc một chu kỳ, thì mỗi tháng trang trại của ông đạt doanh thu trên dưới 1 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Hồ còn đầu tư cho các hộ dân trong xã và khu vực lân cận để làm vệ tinh (khoảng 20 hộ), cung cấp đàn cút giống cho trang trại. Hộ nuôi ít nhất cũng nuôi khoảng 5.000 con, nhiều nhất khoảng vài chục ngàn con. Để khuyến khích người dân chăn nuôi, ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, hướng dẫn quy trình chăm sóc, bao tiêu sản phẩm, ông Hồ còn hỗ trợ vốn cho người nuôi. Từ trang trại này, nhiều hộ dân đã thoát nghèo trở nên khá giàu.

Ông Nguyễn Quang Nhường, Phó Chủ tịch UBND xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nhận xét: “Anh Hồ là người rất chịu khó, nghiên cứu và đã sáng chế ra chuồng nuôi cút công nghiệp. Trước đây, người dân chủ yếu nuôi đại trà, không có kỹ thuật, nên hiệu quả không cao. Mô hình trang trại của anh Hồ đã giúp người dân giảm được công chăm sóc, diện tích, tăng hiệu quả kinh tế, nhờ vậy nhiều gia đình đã thoát nghèo từ mô hình này”. Trang trại ông Hồ còn giải quyết việc làm cho 30 lao động ở xã, lương trung bình 3 triệu đồng/tháng. Bên cạnh việc giúp người dân về vốn, kỹ thuật, thức ăn ông Hồ còn đóng góp rất nhiều cho công tác xã hội, từ thiện như: xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, trao nhiều suất học bổng cho học sinh nghèo... Mới đây, ông còn nhận hỗ trợ cho 3 em sinh viên nghèo mỗi tháng 500.000 đồng/em đến khi ra trường.

Hiện nay, ngoài cung cấp trứng cút cho thị trường nội địa, ông Hồ còn đầu tư thêm thiết bị mới để phục vụ xuất khẩu trứng cút ra nước ngoài. Ông cho biết: “Đến giai đoạn này, đàn cút giống đang có hiện tượng thoái hóa, cho năng suất thấp, kém chất lượng, nên chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc nhân giống”. Theo ông Hồ, đây là một công trình dài hơi, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của ngành chức năng, nhất là Cục Thú y trong việc nghiên cứu, tạo ra nguồn giống tốt. Có như vậy, người dân mới an tâm sản xuất và đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu trứng cút trong tương lai.

Mới đây, ông chủ trang trại cũng đã hoàn tất hồ sơ đăng ký để được cấp Văn bằng chứng nhận độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho loại chuồng nuôi cút kiểu mới làm bằng kim loại, do ông nghiên cứu và chế tạo thành công. Trang trại của ông Hồ còn được Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng thương hiệu Việt, thuộc Liên hiệp Các hội khoa học-kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cấp giấy chứng nhận thương hiệu Việt, giấy chứng nhận thực phẩm an toàn và rất nhiều giấy khen, giải thưởng của các cơ quan, bộ ngành... Với những nỗ lực, không ngừng cải tiến, trang trại nuôi cút của ông Trần Nguyễn Hồ đã có vị trí khá vững vàng trên thị trường.

Bài, ảnh: CHẾ THU HOÀI

Chia sẻ bài viết