06/10/2010 - 09:47

Miền Trung dồn toàn lực ứng phó với mưa lũ có thể diễn biến phức tạp

Gần 700 ngôi nhà tại xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình ngập tới nóc.
Ảnh: vnexpress.net

* 19 người chết và mất tích, 4 người bị thương, gần 62.000 ngôi nhà bị ngập
* Áp thấp nhiệt đới sẽ tiếp tục gây mưa to từ Nghệ An đến Quảng Trị

Theo tin của phóng viên TTXVN thường trú tại các tỉnh miền Trung: Tính đến 16h ngày 5-10, mưa lũ đã làm 13 người chết, trong đó Nghệ An 4 người (2 người bị lũ cuốn trôi, 2 người bị sét đánh); Hà Tĩnh 2 người bị lũ cuốn trôi; Quảng Bình 5 người bị lũ cuốn trôi; Quảng Trị 3 người (1 cháu bé chết do gia đình bất cẩn dẫn đến rơi xuống nước bị chết đuối, 2 người lớn là vợ chồng bị nước xói lở gây sập nhà chết). Số người mất tích 5 (Nghệ An 3 người do tàu bị chìm, Hà Tĩnh 2 người); bị thương 4 người (Hà Tĩnh 1, Quảng Trị 2, Quảng Bình 1) và gần 62.000 ngôi nhà bị ngập. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã di dời 5.154 hộ dân từ các vùng ngập sâu, nguy hiểm đến nơi an toàn.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Hồi 13 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,7 đến 19,7 độ Vĩ Bắc; 109,3 đến 110,3 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Quảng Bình - Thừa Thiên Huế khoảng 360 km về phía Đông Bắc. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, kết hợp với đới gió đông bắc mạnh, nên các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị khả năng tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa mưa to. Lũ hạ lưu sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt đang dao động ở mức đỉnh, sông La đang lên chậm, các sông ở Quảng Bình xuống dần và còn ở mức cao. Đêm 5-10, lũ trên các sông La tại Linh Cảm lên mức 5,3m, dưới BĐ2: 0,2m; sông Gianh tại Mai Hóa xuống mức 6,5m, ở mức BĐ3; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 3,3m, trên BĐ3: 0,6m. Tình trạng ngập sâu ở vùng trũng, hạ lưu sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Bình vẫn còn tiếp diễn.

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương- Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 29 điện Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và TKCN các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công thương, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, yêu cầu thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng, tránh và thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển phía Bắc Vĩ tuyến 15.

Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, các tỉnh chủ động cấm biển, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn; sẵn sàng triển khai phương án đối phó với các tình huống mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, an toàn đê điều, hồ đập, nhà cửa, kho tàng và các công trình đang thi công; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo PCLB Trung ương và UBQG Tìm kiếm cứu nạn.

Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Tĩnh cho biết: Hiện mực nước thượng lưu hồ ở cao trình <+60m (cao trình đỉnh đập +72m), lực lượng bộ đội đã thu dọn hết rác, cây củi mắc phía thượng lưu đập, 2 cửa van đập đã vận hành được, còn 1 cửa bị hỏng hệ thống thủy lực không vận hành được (cửa giữa). Mực nước các hồ đang ở dưới mực nước thiết kế, riêng hồ Vực Mấu - Nghệ An và hồ Hòa Mỹ - Thừa Thiên Huế đã vượt thiết kế. Các hồ thủy lợi hiện vẫn an toàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn công tác do đồng chí Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng làm Trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác đối phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh; tiếp tục tìm kiếm người mất tích, tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị nạn, nhà bị sập, hư hỏng; rà soát các khu vực bị chia cắt bởi lũ, tổ chức cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, không để nhân dân bị đói, rét.

Bộ Y tế đã có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và các đơn vị trực thuộc Bộ, yêu cầu triển khai các biện pháp phòng chống mưa lũ; cấp cho Sở Y tế các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế 10 cơ số thuốc, 100.000 viên CloraminB và 100 chiếc áo phao. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có công điện chỉ đạo Biên phòng các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế nắm diễn biến tình hình mưa lũ tại các địa bàn, các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt cô lập, lũ quét. Tham mưu cùng địa phương thực hiện phương án di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý các tình huống cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất gây ra. Riêng Quân khu 4 đã cử lực lượng gồm 905 đồng chí (255 bộ đội, 650 dân quân tự vệ) và các phương tiện (10 xuồng cao tốc, 25 ô tô các loại, 500 áo phao, 400 phao tròn, 35 nhà bạt) tham gia đối phó với mưa lũ. Đặc biệt, lúc 13 giờ ngày 5-10, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã điều 2 máy bay trực thăng, 15 xuồng cao tốc, xe lội nước vào giúp tỉnh Quảng Bình. Máy bay trực thăng tiến hành thả hơn 1,5 triệu lương gói lương khô, 15.000 gói mì ăn liền, 2,5 triệu chai nước sạch hỗ trợ nhân dân vùng ngập lụt nặng ở các huyện Quảng Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy.

UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định trích ngân sách 1 tỉ đồng để giúp đỡ những hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt mua lương thực, thực phẩm. Tại các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang có hơn 8.000 người đã được sơ tán đến nơi an toàn. Sau khi kiểm tra tình hình ngập lụt tại mỏ sắt Thạch Khê, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo các nhà đầu tư, các đơn vị thi công khẩn trương khắc phục tình trạng úng ngập, tổ chức bơm thoát nước ra ngoài, tiếp tục bốc đất tầng phủ mỏ. HĐND tỉnh hoãn họp phiên bất thường vào ngày 5-10-2010 để tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt. Các huyện, xã huy động hàng vạn lượt người sửa chữa đường giao thông, đào mương rãnh thoát nước. Đối với nhà máy thủy điện Hố Hô, UBND tỉnh đã thông báo tình hình thiệt hại cho UBND tỉnh Quảng Bình để phối hợp khắc phục. Ngành y tế đang tổ chức điều trị các bệnh về đường tiêu hóa, mắt cho nhân dân vùng bị ngập. Thừa Thiên Huế có hơn 2.000 hộ dân trong vùng bị ngập lụt, đến thời điểm này đã di dời 150 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ngay từ ngày 3-10, tỉnh Quảng Bình đã hoãn các cuộc họp, các công việc thường ngày, dồn sức cho nhiệm vụ trọng tâm chống mưa lũ. Lãnh đạo tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của tỉnh đã tổ chức 4 đoàn công tác về tận cơ sở vùng lũ trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác bảo vệ, di dời dân ở các vùng xung yếu. Các đơn vị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh đã điều động 13 ca nô, 300 chiến sĩ tăng cường cho vùng rốn lũ ở hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa, giúp dân cứu người, cứu tài sản. Nhờ chủ động phương châm “4 tại chỗ” và có sự giúp sức của huyện và của tỉnh, đến 9giờ ngày 5-10, các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch đã tổ chức di dời được hơn 4.000 hộ dân từ vùng ngập lụt đến vùng cao an toàn. Còn gần 2.000 hộ dân ở vùng ngập sâu đang được các lực lượng xung kích tại chỗ di dời xong trước 21giờ đêm 5-10. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã chuẩn bị 15.000 gói mì tôm và 1.000 chai nước lọc chuyển về trợ cứu dân các xã vùng rốn lũ ở huyện Tuyên Hóa.

Ngày 5-10, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã gửi Điện thăm hỏi đến Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, nhân dân Thủ đô và các cơ quan, tổ chức ở Hà Nội quyên góp ủng hộ mỗi tỉnh 1 tỉ đồng do nhân dân Thủ đô và các cơ quan, tổ chức ở Hà Nội quyên góp để sẻ chia, góp phần giúp nhân dân các tỉnh trên khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống.

Cùng ngày, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cử đoàn công tác đánh giá thiệt hại và cứu trợ nhân dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng xuất từ Quỹ dự trữ, cứu trợ khẩn cấp nhân dân Quảng Bình và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 400 thùng hàng gia đình (mỗi thùng hàng gia đình gồm chăn, màn, bộ đồ nấu ăn và nhiều vật dụng thiết yếu khác); 50 lều bạt và 50 triệu đồng tiền mặt. Hỗ trợ nhân dân Nghệ An 200 thùng hàng gia đình và 50 triệu đồng. Tổng số tiền, hàng cứu trợ đợt đầu cho 3 tỉnh là 820 triệu đồng. Trong các ngày tới, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục làm việc với Hiệp hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và một số Hội Chữ thập đỏ các quốc gia để vận động thêm nguồn trợ giúp đồng bào bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Các địa phương nằm trong vùng mưa lũ ở miền Trung đang dồn toàn lực triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để tiếp tục tổ chức sơ tán dân để bảo đảm an toàn về người và tài sản.

VĂN HÀO-NGỌC CHÂU-TRUNG NGHĨA (TTXVN)

Gần 700 ngôi nhà tại xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình ngập tới nóc. Ảnh: vnexpress.net

Chia sẻ bài viết