13/12/2019 - 18:42

Liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao 

Nguồn nhân lực chất lượng cao đang là “chìa khóa” để Việt Nam cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Không nằm ngoài xu hướng này, một số trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) tại Cần Thơ đã có những bước đi đầu tiên trong đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, thích ứng với quá trình hội nhập.

Sau thời gian chuẩn bị nguồn lực, Trường CĐ Nghề Cần Thơ và Trường ĐH Kunjang (Hàn Quốc) đã khai giảng khóa 2 nghề Kỹ thuật cơ khí, với 15 sinh viên theo học. Đây là ngành được hai trường liên kết, nhằm đào tạo lực lượng lao động có trình độ tiệm cận nền giáo dục tiên tiến thế giới. Phan Trung Vĩnh, một trong 15 sinh viên trúng tuyển nghề Kỹ thuật cơ khí 2019, cho biết: "Thời gian đầu có lẽ sẽ gặp không ít khó khăn vì môi trường học mới, phải sử dụng ngoại ngữ chuyên ngành, nhưng em sẽ nỗ lực học tốt".

Sinh viên theo học lớp nghề Kỹ thuật cơ khí trong thời gian 3 năm, trong đó 2 năm học chương trình nghề Cắt gọt kim loại tại Trường CĐ Nghề Cần Thơ và 1 năm học nghề Kỹ thuật cơ khí tại Kunjang. Học phí 1 năm tại Trường ĐH Kunjang do Công ty ARS (Hàn Quốc) tài trợ. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên nhận được văn bằng kép do hai trường cấp; đồng thời sẽ làm việc tại Công ty ARS trong 5 năm với mức lương phù hợp. Hiện nay có 23 sinh viên khóa đầu tiên đang học nghề Kỹ thuật cơ khí do 2 trường đào tạo, đã hoàn thành hơn 2/3 chương trình. Theo Giáo sư Lee Geun Yeop, Trưởng Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp - Trường ĐH Kunjang, bên cạnh tích hợp một số môn học tương đồng ở hai trường, những môn cơ bản (kỹ thuật) do chuyên gia Công ty ARS giảng dạy sinh viên trong năm đầu. Giáo sư Lee Geun Yeop nhận xét: "Sinh viên Cần Thơ có khả năng tiếp thu nhanh về chuyên môn kỹ thuật, cần cù, chịu khó. Đây là nhân tố giúp các em thành công sau khi sang Hàn Quốc học tập, làm việc. Chúng tôi tiếp tục hợp tác, phát triển chương trình đào tạo này trong thời gian tới".

2016 là năm đầu tiên Trường CĐ Nghề Cần Thơ triển khai đào tạo thí điểm nghề Quản trị máy tính và Ứng dụng phần mềm cao đẳng trình độ quốc tế theo chương trình của Học viện Chilshom (Úc). Năm 2018 và 2019, trường tiếp tục đào tạo thí điểm nghề Công nghệ ô tô theo chuẩn Cộng hòa Liên bang Đức; liên kết với Trường ĐH Kunjang đào tạo nghề Kỹ thuật cơ khí. Đây là nền tảng để trường nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Bởi sinh viên theo học các lớp này tại Việt Nam, khi tốt nghiệp ra trường được nhận 2 bằng tốt nghiệp trong và ngoài nước. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Cần Thơ, cho biết: "Việc liên kết đào tạo giữa trường và đối tác nước ngoài nhằm hướng đến mục tiêu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, phục vụ phát triển TP Cần Thơ và ĐBSCL".

Ngoài việc hợp tác đào tạo với các trường, Trường CĐ Nghề Cần Thơ còn liên kết với doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với môi trường giáo dục của một số nước tiên tiến, thông qua các chương trình hợp tác như Thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản (phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại và Xây dựng Hải Phong). Trường hợp Nguyễn Nam Hoài Trung (phường An Thới, quận Bình Thủy) là một ví dụ. Sau khi tốt nghiệp ngành chế tạo ô tô tại Trường CĐ Nghề Cần Thơ, Trung tham gia chương trình Thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản. Qua 7 tháng học Tiếng Nhật, tháng 9-2019 vừa qua, Trung sang Nhật làm việc đúng chuyên ngành đã học là vận hành máy lĩnh vực thủy hải sản, với thời gian làm việc là 3 năm, mức lương trên 30 triệu đồng/tháng.

Các sinh viên lớp học đào tạo thí điểm nghề công nghệ thông tin do Trường CĐ Nghề Cần Thơ liên kết Học viện Chilshom (Úc). Ảnh: CTV

Với mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản đã tạo nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên các trường, trong đó có nhiều sinh viên Cần Thơ. Năm 2018, Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại và Xây dựng Hải Phong, đơn vị được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phép hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, tư vấn và cung ứng nhân lực cấp cao thị trường lao động Nhật Bản, đã phối hợp với các trường ĐH Cần Thơ, CĐ Nghề Cần Thơ và CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ triển khai Chương trình Thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản. Hơn 1 năm triển khai, chương trình đã phát huy hiệu quả, thu hút khá nhiều sinh viên tham gia. Theo đại diện Công ty Hải Phong, nhóm ngành nghề mà đơn vị tuyển chọn là kỹ thuật - công nghệ, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp… Sau khi trúng tuyển chương trình, sinh viên được học miễn phí tiếng Nhật, rèn luyện tác phong, văn hóa theo chuẩn công nghiệp. Tính đến tháng 11-2019, có khoảng 50 lao động sang Nhật làm việc đúng với chuyên ngành. Công ty đang tiếp tục đào tạo tiếng Nhật cho khoảng 250 sinh viên của 3 trường. Đây là cơ hội tốt để người lao động học tập, rèn luyện trau dồi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm áp dụng vào công việc.

***

 Tại Cần Thơ, một số trường đã sớm bắt kịp xu thế, mở hướng đào tạo, liên kết với những chương trình chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; lồng ghép đào tạo ngoại ngữ vào các môn chuyên ngành. Đơn cử như Trường ĐH Cần Thơ, từ năm 2006 đã thực hiện thí điểm đào tạo chương trình tiên tiến ở ngành Công nghệ sinh học, dựa theo chương trình đào tạo của Trường ĐH Michigan State (Mỹ). Từ hơn 10 năm trước, Trường CĐ Y tế Cần Thơ cũng đã đào tạo các ngành tăng cường tiếng Anh, tiên phong trong phục vụ xuất khẩu lao động. Năm 2017, Trường CĐ Y tế Cần Thơ ký kết hợp tác đào tạo với Công ty CICS và Tập đoàn Bệnh viện Narahigashi (Nhật Bản) dạy tiếng Nhật chuyên ngành cho sinh viên; liên kết đào tạo chương trình Lão khoa tiên tiến của y tế thế giới từ các trường, bệnh viện ở Nhật để giảng dạy sinh viên ngành Điều dưỡng… Gần đây, năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo ngành, nghề trọng điểm các cấp giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, Cần Thơ có 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực đáp ứng quá trình đổi mới, nhằm đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế.

B.Kiên

Chia sẻ bài viết