02/04/2019 - 20:09

KỲ QUAN XANH HẠ LƯU DÒNG MEKONG

Mở ra trước tầm mắt du khách là một không gian xanh kỳ vĩ đẹp khó tả. Biết bao du khách bị “đốn tim” bởi kỳ quan bát ngát thanh bình tràn đầy sức sống của thiên đường xanh ngập nước duy chỉ có ở An Giang. Đến với rừng tràm Trà Sư để khám phá phong cảnh hoang sơ đẹp đến “lặng người” ấy- nơi có sự pha trộn giữa những gam màu. Xanh vời vợi của trời cao biêng biếc, xanh thẳm của những tán cây tràm cổ thụ, xanh huyền bí của thảm nhung bèo và màu xanh lung linh của dòng nước phù sa chở đầy sản vật đồng bằng. Tất cả đã nói lên “độ giàu có” ở khu rừng đặc dụng nổi tiếng khu vực phía Nam.  

Kỳ quan xanh hạ lưu dòng Mekong

Du khách đi theo nhóm rất ưa thích đến Trà Sư bởi những hoạt động hòa với thiên nhiên hấp dẫn. Ảnh: THỦY TIÊN

Resort đặc biệt giữa Thất Sơn

Giữa vùng Thất Sơn bao la, rừng tràm Trà Sư nổi lên như hòn đảo ngọc làm dịu mát cả không gian, thanh lọc tâm hồn khi đặt chân đến. Khung cảnh thơ mộng của Trà Sư đang được giới đam mê du lịch “bụi” săn đón. Đây được xem là thiên đường “sống ảo” của giới trẻ, nhất là vào thời điểm nắng đẹp như hiện tại. Len lỏi trên những tuyến đường xanh xuyên rừng sẽ đem lại cho bạn trải nghiệm cuộc sống thật tuyệt mà ai ai cũng nên khám phá một lần trong đời.

Nằm sâu trong rừng có những khu vực rất ít người lui tới nên nó vẫn giữ được nét nguyên sơ vốn có ban đầu. Nếu chịu khó lặn lội vào, du khách sẽ cảm nhận được khung cảnh yên tĩnh tuyệt vời, thanh âm chấp chới của những loài chim quý chuyền cành tạo nên một cảnh quan ấn tượng. Mặc dù không thể nói là hùng vĩ vì cánh rừng này rộng vỏn vẹn chỉ gần 800ha. Nhưng nơi đây tập hợp rất đa dạng sự sống bền bỉ của thảm thực vật, các loài thủy sinh, giáp xác, các loài cá, loài lưỡng cư, loài bò sát kể cả các loài động vật hoang dã quý hiếm.

Có một điều rất lạ là mỗi khi lũ về, dòng nước chảy xiết tràn ngập cả cánh rừng nhưng nước vẫn trong đến mức có thể nhìn thấy từng đàn cá tung tăng. Đặc biệt, cá ở đây sinh sôi rất nhanh và nhiều nhưng không có một ai làm phiền cuộc sống của chúng. Đàn cá này trở nên thu hút du khách kéo đến chiêm ngưỡng và biến nơi đây trở thành kỳ quan ở hạ lưu dòng Mekong.

Kỳ quan xanh hạ lưu dòng Mekong

Lãnh đạo tỉnh An Giang khám phá vẻ đẹp rừng tràm Trà Sư. Ảnh: THỦY TIÊN

Kho tài nguyên xanh vô giá

Trà Sư được ví như “thánh địa” của các loại bèo, mà bèo Tai Tượng, bèo Cái, bèo Hoa Dâu, bèo Tây, bèo Cám hay còn gọi là bèo Tấm rất đặc trưng. Mỗi khi vào mùa nước nổi, chúng sinh trưởng rất nhanh bao phủ khắp mặt nước dệt thành thảm nhung xanh mượt mà vô cùng quyến rũ. Chúng vừa có tác dụng như màn lọc giữ độ trong cho nước, vừa là thức ăn cho 1 số loài chim cò và cũng là tấm chắn bớt cái nắng hè giữ mát cho dòng nước ngọt, tạo sự sinh sôi cho đàn cá thiên nhiên.

Hoa súng, hoa sen nở quanh năm điểm xuyến duyên dáng bên dòng nước. Trên bờ đê là những con đường rợp bóng bạch đàn, hàng trăm giò lan rừng lủng lẳng khoe sắc thắm đu bám trên hàng keo lá tràm đẹp xanh mướt mát. Chính những nét đẹp hoang sơ, sự đa dạng của nhiều hệ động thực vật cùng với không khí trong lành, thơ mộng đã đưa danh tiếng của Trà Sư vang xa.

Sao Mai đánh thức cánh rừng

Tiềm năng du lịch của rừng tràm Trà Sư thật sự được đánh thức khi Tập đoàn Sao Mai đầu tư làm du lịch. Tiếp nhận khu rừng đặc dụng, Sao Mai một mặt vẫn giữ nguyên sự độc đáo của mô hình xuồng chèo, tắc ráng đưa rước du khách len lỏi vào vùng tâm rừng tham quan. Mặt khác, thực hiện quy hoạch tổng thể theo hướng tôn tạo và bảo vệ sự nguyên bản của cánh rừng. Nhà hàng ẩm thực, điểm lưu trú, lầu vọng cảnh, bãi giữ xe, khu dân cư vùng đệm…tất cả đều được sắp xếp thật khoa học, phù hợp với văn hóa và điều kiện phát triển.  

Sao Mai quyết tâm thực hiện trọn vẹn ý tưởng đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái của Trà Sư theo đúng trữ lượng tài nguyên của khu rừng đặc dụng. Trà Sư ví như cô gái mang nét đẹp rất tự nhiên thuần khiết chợt bừng tỉnh trong ánh bình minh vừa đằm thắm, dịu dàng nhưng lại không ít kiêu sa, thanh thoát. Về với Sao Mai, Trà Sư được bảo vệ tốt hơn, sử dụng hợp lý các giá trị cảnh quan thiên nhiên. Vẻ đẹp của sự đa dạng ở đây không chỉ được nâng niu và chăm chút để phát triển bền vững, mà Trà Sư còn được sử dụng vào phục vụ công tác nghiên cứu khoa học về sau.

THỦY TIÊN

Chia sẻ bài viết