30/10/2012 - 21:35

Khoán kinh phí theo đặc thù của từng đoàn thể

Cử tri thành phố cho rằng hoạt động của các đoàn thể theo hình thức khoán kinh phí là không phù hợp, vì mang tính cào bằng, cần tính đến tính đặc thù của mỗi tổ chức cụ thể; trong đó, tổ chức Đoàn rất năng động, nên đòi hỏi sự linh hoạt trong hoạt động và cơ chế khoán kinh phí. Công văn trả lời của Bộ Tài chính, như sau:

Điều 1 của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17-10-2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, như sau:

"Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước có tài khoản và con dấu riêng (sau đây gọi tắt là cơ quan thực hiện chế độ tự chủ), bao gồm:

a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

b) Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước;

c) Tòa án nhân dân các cấp; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp;

d) Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

đ) Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các quận,huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Việc thực hiện chế độ tự chủ đối với UBND cấp xã, phường do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào các quy định tại Nghị định này, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và điều kiện thực tế tại địa phương để quyết định.

3. Các cơ quan thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội được cơ quan có thẩm quyền giao biên chế và kinh phí quản lý hành chính xem xét tự quyết định áp dụng các quy định tại Nghị định này."

Như vậy, theo quy định trên, thì:

- Đối với các tổ chức chính trị- xã hội không thuộc đối tượng bắt buộc thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17-10-2005 của Chính phủ, mà tùy tình hình cụ thể các tổ chức chính trị - xã hội xem xét, tự quyết định việc áp dụng chế độ tự chủ quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17-10-2005 của Chính phủ.

- Việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính là tăng tính chủ động của thủ trưởng đơn vị trong việc sử dụng biên chế, sử dụng kinh phí thường xuyên (thanh toán cá nhân, chi thanh toán tiền điện, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng xe phục vụ công tác, chi phí nghiệp vụ,…) và một số kinh phí chi hoạt động đặc thù theo quy định để đạt hiệu quả cao nhất, chi phí thấp nhất và khuyến khích tiết kiệm để tạo điều kiện tăng thêm thu nhập của cán bộ, công chức gắn với hiệu quả, chất lượng công việc.

Chia sẻ bài viết