09/11/2009 - 08:33

Chỉnh trang đô thị:

Khi nhân dân đồng lòng...

Từ khi được công nhận là đô thị loại I, thành phố Cần Thơ càng tập trung hơn đến việc chỉnh trang đô thị, nhằm xây dựng thành phố ngày càng sạch đẹp, văn minh. Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, nhiều địa phương thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy được sức mạnh của nhân dân, tích cực góp phần làm cho bộ mặt đô thị ngày càng đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại.

Đường trong chợ Thuận Hưng (quận Thốt Nốt) được nâng cấp khang trang, sạch đẹp.

Đến khu vực 3 (phường Trà An, quận Bình Thủy) vào ngày đầu tháng 11, chúng tôi hòa mình vào không khí làm việc tất bật của cán bộ, đảng viên và nhân dân khu vực đang ra quân thực hiện vệ sinh môi trường. Người làm cỏ, người quét dọn, thu gom rác... chẳng mấy chốc con hẻm 71 đã sạch đẹp. Chị Dương Thị Lan, Chi hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ khu vực, cho biết: “Con hẻm này do chi hội phụ nữ khu vực đảm trách việc vận động nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường, xây dựng “con hẻm đẹp”. Định kỳ mỗi tháng 2 lần, vào giữa và cuối tháng, chúng tôi thực hiện tổng vệ sinh; còn mỗi ngày thì bà con tự quét dọn phần trước cửa nhà mình cho sạch đẹp. Bên cạnh đó, chúng tôi còn vận động bà con không phơi quần áo, để các vật dụng lấn chiếm vỉa hè làm mất vẻ mỹ quan đô thị. Nhờ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở mà ý thức của bà con trong việc giữ gìn vệ sinh chung được nâng lên”.

Bên cạnh việc giữ vệ sinh môi trường, thời gian qua, bà con ở khu vực 3 cũng đã tích cực tham gia cùng chính quyền thực hiện nâng cấp nhiều tuyến hẻm ngày càng khang trang hơn. Điển hình như công trình nâng cấp tuyến hẻm 54A. Bà Đoàn Hồng Cẩm, Tổ trưởng tổ nhân dân tự quản 6A, khu vực 3, kể lại: “Khi họp dân đưa ra chủ trương nâng cấp hẻm, một số hộ cho rằng đời sống còn khó khăn không có tiền đóng góp, nhưng chúng tôi phân tích cho bà con hiểu nếu đợi Nhà nước đầu tư thì còn rất lâu, trong khi con hẻm ngày càng lầy lội, chính bà con sống trong hẻm là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất về sức khỏe, điều kiện sinh hoạt... Nhờ phân tích thấu đáo giữa lợi và hại nên chúng tôi dần dần thuyết phục được bà con. Trước khi vận động đóng góp, các cán bộ khu vực đều đưa ra dân bàn bạc từ chủ trương đến cách làm, mức đóng góp của từng hộ, thành lập tổ giám sát công trình... chúng tôi cũng nêu những hộ khó khăn cho bà con xét miễn, giảm và động viên những hộ khá hỗ trợ thêm để con hẻm được xây dựng hoàn chỉnh”. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, công khai các khoản thu, chi, mà bà con trong khu vực đã đóng góp được 66 triệu đồng, nâng cấp con hẻm 54A dài 320m, ngang 2m và bắc mới 1 cây cầu dài 6m, ngang 2m. Sau khi con hẻm xây dựng khang trang, bà con còn góp thêm 720 ngàn đồng thuê người kè 80m đoạn bị sạt lở; vận động bà con cho cây cau kiểng trồng để tạo bóng mát, cảnh quan môi trường. Ông Ngô Duy Bảo, người dân tổ 6A, nói: “Lúc trước, con hẻm này bị xuống cấp, mỗi khi trời mưa nước ứ đọng lầy lội nên bà con đi lại khó khăn, nhất là tụi nhỏ đi học hay những công nhân đi làm về khuya bị té hoài. Làm được con hẻm này bà con mừng lắm!”.

Phát huy hiệu quả trong công tác vận động nhân dân ở tổ 6A, từ đầu năm đến nay, khu vực 3, phường Trà An còn thực hiện nhiều công trình như lắp đặt hệ thống chiếu sáng ở hẻm 18 với kinh phí 9 triệu đồng, do nhân dân đóng góp; vận động nhân dân định kỳ làm vệ sinh môi trường, tu sửa nhiều đoạn hẻm bị xuống cấp... Theo ông Đặng Trường Chiến, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu vực 3, từ đầu năm đến nay, khu vực đã vận động nhân dân đóng góp hơn 103 triệu đồng và nhiều ngày công lao động thực hiện chỉnh trang đô thị. Ông Chiến bộc bạch: “Muốn tạo được sự đồng thuận trong dân thì người làm công tác vận động quần chúng phải kiên trì, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, tạo điều kiện, giúp đỡ tận tình khi họ gặp khó khăn. Tất cả những gì liên quan đến dân phải thực hiện công khai dân chủ. Khi hiểu được việc làm vì lợi ích chung, trong đó có lợi ích của chính mình, thì bà con sẵn sàng đóng góp”.

***

Cùng với việc thành lập quận Thốt Nốt, đầu tháng 3-2009, xã Thuận Hưng được “chuyển” thành phường. Để xứng với tầm vóc của một phường, Đảng ủy phường Thuận Hưng xác định công tác chỉnh trang đô thị là một yêu cầu cấp thiết. Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, nhiều tổ chức hội, đoàn thể chính trị trong phường tăng cường vận động nhân dân, thực hiện nhiều công trình chỉnh trang đô thị. Tiêu biểu là công trình xây dựng vỉa hè, trồng cây xanh, nâng cấp tuyến đường chợ Thuận Hưng do Hội Cựu chiến binh (CCB) phường thực hiện.

Nhân dân khu vực 3 (phường Trà An, quận Bình Thủy) ra quân thực hiện vệ sinh môi trường. 

Theo một số cán bộ Hội CCB phường Thuận Hưng, trước khi triển khai vận động nhân dân, Hội đã tổ chức lấy ý kiến trong toàn thể hội viên, được các CCB trong phường đồng tình hưởng ứng. Bên cạnh việc phối hợp với UBND phường tổ chức họp dân lấy ý kiến về chủ trương xây dựng vỉa hè, trồng cây xanh, nâng cấp tuyến đường trong chợ, các hội viên CCB phường còn chủ động gặp gỡ, phân tích cho bà con thấy được lợi ích của việc xây dựng tuyến đường. Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội CCB phường Thuận Hưng, cho biết: “Lúc mới triển khai vận động, một số hộ nêu lý do hoàn cảnh khó khăn, đề nghị nhà nước đầu tư chứ không đồng ý đóng góp. Các cán bộ, hội viên CCB đã phân tích cho bà con hiểu, đồng thời thống nhất để bà con chia ra góp nhiều lần. Đặc biệt, để giảm chi phí trong quá trình xây dựng, các hội viên CCB đã thống nhất đảm nhiệm toàn bộ việc thi công mà không phải thuê mướn”. Theo ông Nhàn, với 30% hội viên cựu chiến binh bị thương tật, một số lớn tuổi, sức khỏe yếu... việc nhận đảm nhiệm thi công công trình là một thử thách lớn đối với các hội viên CCB của phường. Thế nhưng, với bản chất của người lính Cụ Hồ, các CCB đã động viên nhau quyết tâm cùng thực hiện... Hội CCB phường phân công mỗi chi hội, với khoảng 25 người, đảm trách thi công một ngày. Người nào còn khỏe thì vác cát, đá, xi măng, còn những người lớn tuổi thì lo việc lót gạch... Tinh thần và tấm lòng của các CCB đã tác động mạnh mẽ đến nhân dân trong khu vực, nhiều bà con cũng hăng hái tham gia thi công. Những ngày cao điểm, công trình có gần 50 người tham gia gồm CCB, cựu quân nhân và bà con xung quanh. Ông Nguyễn Văn Te, Tổ trưởng Tổ Xây dựng, nói: “Tinh thần làm việc của anh em rất cao, hết việc chứ không phải hết giờ. Có hôm, anh em không nghỉ trưa và làm đến tối. Trước sự nhiệt tình của anh em, bà con xung quanh cũng đến phụ giúp, nhiều người tình nguyện phục vụ nước uống, trái cây...”.

Với tinh thần đoàn kết cùng với ý chí quyết tâm cao, trong vòng 27 ngày, công trình xây dựng vỉa hè, trồng cây xanh, nâng cấp tuyến đường trong chợ của phường Thuận Hưng đã hoàn thành. Công trình dài 230 mét, ngang 15 mét với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Trong đó, ngân sách phường hỗ trợ 120 triệu đồng, nhân dân đóng góp thêm 80 triệu đồng và 475 ngày công lao động. Qua quá trình thi công công trình xuất hiện những tấm gương hội viên lao động giỏi, như ông Lê Xuân Chính dù tuổi đã cao nhưng rất tích cực trong suốt quá trình vận động, thi công; ông Nguyễn Văn Tia, hàng ngày phải cắt cỏ cho bò ăn nhưng vẫn tranh thủ đạp xe đạp gần 10km để tham gia xây dựng công trình; hay hội viên Nguyễn Văn Tân, hoàn cảnh khó khăn, hàng ngày phải bán vé số, nhưng ông vẫn tranh thủ thời gian lao động cùng anh em; Chi hội trưởng Huỳnh Văn Nghiêm là thương binh cụt một chân vẫn nhiệt tình đóng góp công sức... Ông Lê Xuân Chính, 58 tuổi, hội viên CCB phường Thuận Hưng, tâm sự: “Dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng với tinh thần tiến công của người lính Cụ Hồ, chúng tôi vẫn mong muốn tiếp tục góp sức cùng Đảng, chính quyền xây dựng quê hương ngày càng đẹp hơn”. Ông Nguyễn Văn Tân, người dân sống ở chợ Thuận Hưng, nói: “Công trình xây dựng nâng cấp đường vào chợ hoàn thành rồi, bà con mừng lắm! Bây giờ không còn cảnh sình lầy khi mưa xuống. Hai dãy phố được lót gạch sạch đẹp, mặt chợ được nâng cấp cao ráo, có khuôn viên cây xanh, có băng ghế đá cho bà con ngồi nghỉ. Đêm về, đèn sáng trưng nên không còn xảy ra tai nạn giao thông như lúc trước... Bà con trong khu vực vẫn hay nói, công trình này đúng là thể hiện “ý Đảng, lòng dân”, nhất là thể hiện tấm lòng của các cô, chú hội CCB, nên bà con phải cùng nhau bảo quản, quét dọn để công trình luôn sạch đẹp, không phụ lòng Nhà nước, các cô chú CCB đã chăm lo cho mình”.

***

Không chỉ ở phường Trà An, quận Bình Thủy và phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, hiện nay, nhiều địa phương trong thành phố đã và đang tập trung vận động nhân dân thực hiện nhiều công trình nhằm xây dựng thành phố ngày càng sạch đẹp. Mỗi nơi có cách vận động khác nhau, nhưng điểm chung của các công trình phát huy tốt sức dân chính là sự công khai, dân chủ trong quá trình vận động; tinh thần tiền phong, gương mẫu của các cán bộ đảng viên; sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân...

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết