12/08/2015 - 21:20

Nhịp cầu dân cử

Kết quả phát triển các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn

Thường trực HĐND thành phố đề nghị cho biết kết quả phát triển các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, đảm bảo cung ứng nguyên liệu, hàng hóa ổn định cho nhu cầu chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nội dung trả lời của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố như sau:

* Về xây dựng chuỗi liên kết lúa chất lượng cao với cánh đồng lớn:

Thực hiện hợp tác, liên kết và tham gia chuỗi giá trị giữa các chủ thể của các thành phần kinh tế từ sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm bước đầu được hình thành. Điển hình là phong trào cánh đồng lớn được xây dựng từ vụ hè thu 2011 (quy mô 400 ha); đến năm 2014, đã thực hiện với diện tích 14.888 ha/vụ (với 58 cánh đồng và 9.181 hộ tham gia, trong đó có 8 doanh nghiệp tham gia cung ứng đầu vào và 13 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm).

Trong cánh đồng lớn, có 63 ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP (được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa Gạo thơm Đồng Vạn) và 100 ha lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP. Việc phát triển cánh đồng lớn đã tạo không gian cảnh quan xanh đẹp, bước đầu đã thu hút sự chú ý của các đoàn khách du lịch quốc tế với hình thái du lịch dã ngoại tại các vùng trồng lúa trên địa bàn thành phố.

* Về phát triển chuỗi sản xuất rau an toàn:

Thực hiện sản xuất đảm bảo an toàn chất lượng, thành phố đã chỉ đạo thực hiện cộng đồng sản xuất rau an toàn, sản phẩm cung ứng cho người tiêu dùng phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay, đã hình thành vùng rau an toàn với diện tích canh tác đạt 304 ha được công nhận hoặc tự công bố sản xuất rau an toàn (trong đó, có 130 ha được cấp chứng nhận rau an toàn) góp phần gia tăng nguồn cung sản phẩm an toàn có kiểm soát cho thị trường. Hiện có 4 hợp tác xã sản xuất rau an toàn liên kết với siêu thị Metro và Co.opmart.

* Về phát triển vùng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái:

Thành phố tích cực vận động nông dân cải tạo vườn tạp, khôi phục vườn cây ăn trái tập trung chuyên canh để nâng cao chất lượng với diện tích 14.300 ha tăng 16% so năm 2004. Bao gồm các cây ăn trái chủ lực, như: Vùng vú sữa Phong Điền với diện tích 950 ha, vùng dâu Hạ Châu với diện tích 600 ha, xoài cát Hòa Lộc với sản lượng 10.000 tấn/năm, vùng cam mật với diện tích 70 ha, vùng nhãn với diện tích mỗi vùng trên 120 ha… Đến nay, phát triển vườn cây ăn trái đặc sản kết hợp với du lịch sinh thái tại huyện Phong Điền với 20 hộ tham gia (diện tích 22 ha), doanh thu bình quân 500 triệu đồng/ha/năm.

(Xem tiếp kỳ sau)

Chia sẻ bài viết