23/10/2018 - 07:29

Hy vọng những điểm mới sớm được công bố 

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên ổn định phương thức Kỳ thi THPT Quốc gia (kỳ thi). Nếu có thay đổi thì sớm công bố phương án thi năm 2019, nhất là những điều chỉnh, bổ sung… Đây là nguyện vọng của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh các trường THPT, đại học, cao đẳng ở Cần Thơ về kỳ thi sắp tới.

Nhiều băn khoăn

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tiếp tục duy trì ổn định đến hết năm 2020, kèm theo điều chỉnh về kỹ thuật, hoàn thiện về mặt tổ chức. Tuy nhiên, kỳ thi “2 trong 1” (kết quả dùng để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học) có mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT; các trường đại học, cao đẳng có thể lấy kết quả hoặc sử dụng phương thức khác để tuyển sinh (tùy trường)... Tuy còn khoảng thời gian khá dài mới đến kỳ thi năm 2019, nhưng trước điểm mới này, không ít thầy cô, phụ huynh, học sinh băn khoăn, vừa mừng lại vừa lo. Thầy Nguyễn Hồng Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Giai Xuân (huyện Phong Điền), cho biết: “Năm nay, trường có 223 học sinh lớp 12. Tập thể thầy trò nhà trường luôn trong tâm thế sẵn sàng chuẩn bị cho kỳ thi. Việc dạy và học của thầy cô, học sinh giữ ổn định như các năm trước. Khi chính thức có quy chế kỳ thi 2019, trường tổ chức phổ biến, chuẩn bị kỳ thi linh hoạt, phù hợp, hiệu quả”. Theo thầy Bảo, nếu như kỳ thi chỉ nhằm mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT, thì sẽ phù hợp và thuận lợi cho học sinh Giai Xuân.


Giờ học tiếng Anh của học sinh lớp 12 Trường THPT Giai Xuân. Ảnh: B.KIÊN

Quan điểm của cô Trần Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Thủy (quận Bình Thủy), cho rằng: Nếu áp dụng kỳ thi “2 trong 1” chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, nên chăng chỉ cần xét công nhận học sinh hoàn thành chương trình THPT, để các em bước vào đời, học nghề. Học sinh nào có năng lực và nguyện vọng thì đăng ký thi dự tuyển vào trường đại học. Các trường đại học sẽ tổ chức thi hoặc xét tuyển tùy đặc thù từng trường, nhằm giảm bớt công sức, tiền của xã hội. Về thay đổi khâu tổ chức chấm thi (chấm chéo giữa các tỉnh), Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức chu đáo, an toàn, tránh tạo thêm áp lực và lo lắng cho xã hội.

Phía học sinh cũng đang có rất nhiều vấn đề băn khoăn. Đỗ Phạm Hồng Ngọc, học sinh lớp 12A11, Trường THPT Bình Thủy, cho biết: “Năm nay, em dự định thi vào ngành quân sự (tổ hợp môn Toán, Lý, Anh văn). Em chuẩn bị học từ năm lớp 10 vì nghe thông tin hàm lượng kiến thức thi trải dài trong 3 năm THPT. Những ngày qua, em lại được biết kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT là chính. Vậy các trường đại học sẽ tổ chức tuyển ra sao?”. Quang Kiều Liên, học sinh lớp 12A11, nói thêm: Nếu chuyển hướng thi với mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, thì bộ đề thi sẽ ra sao, theo năng lực hay lý thuyết. Ví như môn Ngữ văn ở kỳ thi năm 2018 dài, khó và theo hướng mở; kỳ thi 2019 có còn theo hướng đó không?

Cần sớm ổn định phương án và những điểm mới

Sau nhiều năm Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục cải tiến thi THPT, xét tuyển đại học; đến năm 2015 hình thức thi “2 trong 1” được áp dụng đến nay. Dự kiến, kỳ thi năm 2019 tiếp tục được đổi mới, điều chỉnh. Trước những thay đổi đó, nhiều học sinh, giáo viên mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm thông tin những điểm mới (nếu có) và công bố đề thi minh họa để trường, học sinh, giáo viên chủ động lên kế hoạch học tập. Quan trọng hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên duy trì ổn định kỳ thi trong thời gian dài.

Với kinh nghiệm làm Trưởng điểm thi ở kỳ thi trong nhiều năm qua, cô Trần Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Thủy, cho rằng, quy chế kỳ thi năm qua rất cụ thể, chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm từng cán bộ tham gia công tác thi, thí sinh; nên không nhất thiết điều chỉnh. Phía trường khi áp dụng điểm mới phải mất khoảng 2-3 năm để đánh giá, vì vậy nếu thay đổi liên tục, khiến thầy trò áp lực. Lại thêm những thay đổi liên tục trong những kỳ thi vừa qua khó thuyết phục xã hội. “Dù phương thức tổ chức kỳ thi ra sao, thì khâu tăng cường thanh kiểm tra rất quan trọng. Nhất là khâu tổ chức thi, chấm thi phải có sự giám sát chặt chẽ của địa phương”, thầy Nguyễn Hồng Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Giai Xuân nói.

Góc nhìn khác, Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ ủng hộ mục đích kỳ thi “2 trong 1” nhằm xét kết quả tốt nghiệp THPT. Theo ông Tâm, kỳ thi không chỉ là lấy kết quả mà còn nhằm đo lường, đánh giá kết quả học tập ở mức độ phổ thông của học sinh qua 12 năm học tập; chất lượng giáo dục của các trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng bước giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng. Mỗi trường sẽ có phương án, đề án tuyển sinh riêng, có thể tuyển được nguồn phù hợp, tránh sự xáo trộn. Các trường có thể lấy kết quả THPT để xét tuyển kết hợp thi tuyển đối với những ngành đặc thù, năng khiếu.

***

Có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh thông tin Kỳ thi THPT Quốc gia, tuyển sinh đại học năm 2019. Nhưng rõ ràng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có lộ trình, kế hoạch và hướng dẫn cụ thể, nhằm giúp thầy cô, học sinh có tâm thế chuẩn bị chu đáo, tổ chức dạy và học hiệu quả.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết