29/09/2011 - 08:37

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Huy động tổng lực phòng chống lũ

* Nhiều nơi đỉnh lũ trên mức báo động 3
* Lũ lên nhanh, vỡ hàng loạt tuyến đê ở An Giang, Đồng Tháp
* KIÊN GIANG: Khẩn trương thu hoạch lúa chạy lũ

(CT)- Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc Gia), mực nước sáng ngày 28-9, tại các trạm chính như sau: Trên sông Tiền tại Tân Châu: 4,75m, trên báo động 3: 0,25m; tại Mỹ Thuận: 1,92m, trên báo động 3: 0,12m; tại Mỹ Tho: 1,68m, trên báo động 3: 0,08m. Trên sông Hậu tại Châu Đốc: 4,11m, trên báo động 3: 0,11m; tại Long Xuyên: 2,73m, trên báo động 3: 0,23m; tại Cần Thơ: 2,04m, trên báo động 3: 0,14m... Trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa: 1,99m, trên báo động 2: 0,19m. Dự báo trong 1 - 3 ngày tới, lũ hạ lưu sông Mê Công từ Cảng Phnom Penh về Việt Nam sẽ lần lượt đạt đỉnh; tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên nhanh, sau đó lên chậm dần. Đến ngày 2-10, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,9m, trên báo động 3: 0,4m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 4,3m, trên báo động 3: 0,3m; tại các trạm chính vùng đầu nguồn Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên lên trên mức báo động 3 từ 0,2 - 0,4m; trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa lên mức 2,3m, dưới báo động 3: 0,1m.

Hàng trăm người cùng nhiều phương tiện được huy động hàn đê xung yếu tại xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: THANH HUY
 

Đỉnh lũ cao nhất năm tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long sẽ xuất hiện vào những ngày đầu tháng 10, trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng ở mức 4,95m, trên báo động 3: 0,45m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 4,35m, trên báo động 3: 0,35m; sau đó xuống chậm.

Hàng loạt tuyến đê xung yếu ở An Giang, Đồng Tháp bị vỡ trong đêm 27, rạng sáng 28-9, nước lũ ào ạt tràn vào hàng ngàn hécta lúa vụ 3. Trong khi đó, hàng trăm km đê khác đang bị nước lũ uy hiếp, nhiều nơi bị sạt lở, nước tràn qua mặt đê vào đồng ruộng. Các địa phương đang huy động tổng lực cứu đê, cứu lúa, giảm thiểu tối đa thiệt hại tài sản, đặc biệt là an toàn tính mạng người dân...

Tại An Giang, đêm 27, rạng sáng 28-9, vỡ đê đồng loạt tại 4 khu vực: xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới): 630 ha, xã Vĩnh Hanh (Châu Thành): 320 ha; xã Thạnh Mỹ Tây 270 ha (Châu Phú) và nghiêm trọng nhất là xã Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú) với 1.500 ha bị nhấn chìm... Ước thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Trước diễn biến phức tạp của lũ, kịp thời ứng phó với các tình huống nguy hiểm tại các xã Ô Long Vĩ, Thạnh Mỹ Tây, Mỹ Phú..., huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, nơi có 25.500/134.000 ha lúa vụ 3 của toàn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh An Giang quyết định lập sở chỉ huy tiền phương đóng tại xã Ô Long Vĩ. Ngày 28-9, mực nước dưới 2 tuyến đê xung yếu tại kênh 7, ấp Long Hưng xã Ô Long Vĩ và kênh 8 ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú (liên tiếp bị nước lũ vỡ trong đêm 27 và rạng sáng 28-9) vẫn cuồn cuộn đổ về. Hiện nay, địa phương đang khẩn trương hoàn thành việc xây dựng 2 đập cao su chặn 2 đầu kênh 7 (nơi giáp kênh Cần Thảo và kênh Vịnh Tre) để giảm áp lực nước tràn vào khu vực đê vỡ để cứu 1.500 ha lúa tại ấp Long Hưng; giảm áp lực nước bảo vệ các tuyến đê kênh 8, 9, 10 có hàng ngàn hécta lúa... Trong khi đó, tại điểm ở đê kênh 8, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, hàng trăm người cùng xe, xáng cạp... đang quyết liệt hàn lại đoạn đê bị vỡ, bảo vệ 270 ha lúa cùng nhiều diện tích hoa màu của dân... Đến chiều ngày 28-9, toàn tỉnh An Giang có 11.000 ha lúa vụ 3 bị đe dọa nghiêm trọng, trong đó có 4.000 ha bị nước lũ nhấn chìm. Toàn tỉnh An Giang đã huy động hơn 3.500 người gồm các lực lượng quân đội, công an, các đoàn thể... hỗ trợ khẩn cấp cho huyện Châu Phú bảo vệ an toàn cho các tuyến đê trước nguy hiểm của cơn lũ lớn.

Bộ đội giúp dân gia cố đê bao ở Tràm Chim - Tam Nông - Đồng Tháp. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ 

Từ tối 27-9, Ban chỉ huy PCLB huyện Tân Hồng, huyện Đồng Tháp đã khẩn cấp huy động hơn 600 người tập trung cứu đoạn đê vỡ ở xã Tân Hộ Cơ. Có hơn 355 ha lúa thu đông khoảng 30 ngày tuổi bị ngập. Khi đoạn đê vỡ ở xã Tân Hộ Cơ vừa gia cố xong, Ban Chỉ huy PCLB huyện Tân Hồng tiếp tục nhận tin đê bao Cả Mũi thuộc ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A bị vỡ lúc gần 4 giờ sáng 28-9, nhấn chìm 500 ha lúa thu đông từ 35- 40 ngày tuổi. Ban chỉ huy PCLB huyện Tân Hồng huy động khẩn cấp người và phương tiện ứng cứu. Tuy nhiên, đây là tuyến đê mới, nền đất mềm, yếu không chống chịu được trước áp lực nước quá lớn nên việc cứu đê bất thành. Theo Huyện ủy Tân Hồng, ngoài 500 ha lúa bị mất trắng, vụ vỡ đê Cả Mũi còn đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của nhiều hộ dân bên trong. Sáng 28-9, Huyện ủy Tân Hồng có công văn khẩn gởi các ngành chức năng tỉnh và yêu cầu các địa phương, ban ngành của huyện huy động tổng lực để cứu các tuyến đê trong toàn huyện, bảo vệ hàng ngàn hécta lúa chưa thu hoạch cũng như tài sản, tính mạng của nhân dân.

Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có hơn 25.000 ha lúa thu đông chưa thu hoạch đang hết sức nguy hiểm vì lũ đe dọa nhiều tuyến đê xung yếu. Trong số này, có gần 17.000 ha lúa ở các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và TX Hồng Ngự nhiều khả năng sẽ bị lũ nhấn chìm...

* Những ngày qua, tại tỉnh Kiên Giang tiếp tục có mưa to cộng với việc tỉnh An Giang cho xả hai đập Tha La và Trà Sư đã làm cho mực nước đầu nguồn sông Cửu Long vùng Tứ giác Long Xuyên lên nhanh, cao hơn từ 30 - 40cm gây khó khăn cho việc thu hoạch lúa. Hiện toàn tỉnh Kiên Giang vẫn còn 26.000ha lúa hè thu và gần 50.000ha lúa thu đông chưa thu hoạch, diện tích này đang bị đe dọa trong mùa lũ. Trong tổng số hơn 20.000ha lúa hè thu chưa thu hoạch của toàn tỉnh thì huyện Hòn Đất chiếm phần lớn với khoảng 15.000ha. Bên cạnh đó, huyện còn hơn 1.200ha lúa thu đông nằm ngoài đê bao, trong đó có 670 ha đang bị đe dọa ngập úng. Trước tình hình này nông dân trong huyện đang tập trung huy động máy bơm khẩn trương bơm nước cứu lúa, vận động nông dân thu hoạch dứt điểm lúa hè thu, tránh thiệt hại do lũ đến mức thấp nhất.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã cấp kinh phí 9 tỉ đồng cho 4 huyện gồm: Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành và Gò Quao để hỗ trợ người dân bơm nước cứu lúa. Trong đó, ưu tiên cho những diện tích lớn, xuống giống đồng loạt và nằm trong đê bao.

THANH HUY- LÊ SEN

Chia sẻ bài viết