21/09/2021 - 21:08

Hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh 

Sau 10 năm thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt những kết quả và thành tựu nổi bật, tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh số hóa là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, chuyển đổi số trong xây dựng NTM được xem là giải pháp góp phần đưa chất lượng xây dựng NTM đi vào chiều sâu và bền vững, hướng tới NTM thông minh...

Chuyển đổi số nhằm hướng đến xây dựng chính phủ điện tử là mục tiêu quan trọng của Ðảng và Nhà nước. Ðể đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ mới đang đặt ra đối với nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong quá trình xây dựng NTM, trên thực tế, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng NTM cũng đã được manh nha triển khai tại một số địa phương. Chẳng hạn như ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát điều hành NTM; “số hóa” trong sản xuất nông nghiệp…

Máy bay phun tưới thuốc bảo vệ thực vật không người lái được giới thiệu tại một sự kiện trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. 

Tại TP Cần Thơ, thời gian qua, ngành chức năng thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số cho nông dân nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng nông nghiệp. Cụ thể, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng cho nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng công nghệ thông tin, quảng bá hàng hóa qua mạng, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; hướng dẫn sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP… Các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ áp dụng ngày càng nhiều. Ðiển hình như mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây; mô hình điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên vườn cây ăn trái; lắp đặt thiết bị máy quan trắc khí tượng thủy văn tự động trên đồng ruộng… Ðặc biệt, nhiều sản phẩm nông nghiệp tại các huyện NTM trên địa bàn thành phố được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Huỳnh Văn Hoạch, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thới 1, huyện Phong Ðiền, hợp tác xã phát triển vườn sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, có ghi chép sổ sách đầy đủ. Trên cơ sở đó, khi ngành chức năng hỗ trợ triển khai truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho sản phẩm thuận lợi hơn. Mỗi trái sầu riêng của hợp tác xã đều được dán tem nhãn, khách hàng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR là có thể xác định được nguồn gốc sản phẩm. Qua đó, người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng và góp phần nâng tầm sản phẩm sầu riêng của hợp tác xã.

Cùng với đó, mô hình camera an ninh bằng hình thức xã hội hóa của thành phố đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự; nhất là tại các xã NTM, NTM nâng cao. Qua đó, góp phần giúp các địa phương giữ vững và duy trì tiêu chí NTM về quốc phòng và an ninh....

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng NTM ở một số địa phương còn mang tính tự phát. Do vậy, cần tiếp cận một cách chủ động tổng thể, toàn diện với các bước đi và lộ trình phù hợp góp phần thúc đẩy nông thôn phát triển một cách bền vững hơn. Từ thực trạng trên, trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai 6 đề án chuyên đề trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM nổi lên sau 10 năm thực hiện. Trong đó có Ðề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trong giai đoạn 2021-2025 (Ðề án). Mới đây, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Theo Văn phòng Ðiều phối NTM Trung ương, Ðề án sẽ hướng đến nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó, thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng NTM. Ðồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, nhất là trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Phát triển môi trường số an toàn, rộng khắp trên địa bàn nông thôn, góp phần đưa chất lượng xây dựng NTM đi vào chiều sâu và bền vững, hướng tới NTM thông minh và thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, việc thực hiện công tác chuyển đổi số còn hướng đến mục tiêu xây dựng được bộ tiêu chí quốc gia về NTM thông minh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện trong giai đoạn 2026-2030. Công tác chuyển đổi số thuộc Ðề án xác định người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp là trung tâm thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Ðiều phối NTM Trung ương, cho biết: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của xã hội và chuyển đổi số trong xây dựng NTM là một hướng mới, tạo động lực để phát triển. Chuyển đổi số sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ, người dân; tạo sự đột phá, diện mạo mới nông thôn. Ðồng thời hỗ trợ thay đổi cách tiếp cận và triển khai các hạng mục trong xây dựng NTM trong giai đoạn tới. Trong quá trình thực hiện Ðề án sẽ khó tránh khỏi bỡ ngỡ, lúng túng. Do vậy, đòi hỏi các địa phương cần phải chủ động và có quyết tâm cao để đưa chuyển đổi số vào xây dựng NTM, NTM thông minh. Văn phòng Ðiều phối NTM Trung ương và phối hợp Viện Chính sách quyết tâm triển khai sớm đề án cùng các đề án thành phần...

Theo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, triển khai thực hiện Đề án, giai đoạn 2021-2023, dự kiến sẽ triển khai thực hiện các dự án ưu tiên. Giai đoạn 2024-2025, sẽ tổng kết các mô hình thí điểm về làng, xã thông minh tại một số tỉnh và rút bài học kinh nghiệm. Bổ sung chỉnh sửa bộ tiêu chí về làng, xã thông minh phù hợp với nhu cầu và xu thế phát triển của NTM Việt Nam trong giai đoạn 2026-2030.

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết