28/06/2010 - 09:08

Hơn 2.300 tỉ đồng phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên

(TTXVN)- Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân vừa ký Quyết định số 959/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010- 2020.

Theo đó, Đề án này nhằm xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục TH có chất lượng giáo dục cao, đạt tiêu chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập, có lòng yêu đất nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, để bồi dưỡng thành những người có ý thức tự lực; có nền tảng kiến thức vững vàng; có phương pháp tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Các trường THPT chuyên là hình mẫu của các trường THPT về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục. Cụ thể, sẽ phát triển các trường THPT chuyên để đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một trường THPT chuyên với tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh THPT của từng tỉnh, thành phố; đồng thời nâng cấp thành trường chuẩn quốc gia, có chất lượng giáo dục cao. Đến năm 2015 dự kiến 100% các trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm có chất lượng ngang tầm các trường tiên tiến trong khu vực và quốc tế...

Về giải pháp thực hiện, Đề án nêu rõ sẽ ưu tiên mở rộng diện tích mặt bằng tối thiểu đạt 15m2/học sinh, các trường đều có đủ phòng học 2 buổi/ngày, có hội trường, nhà tập đa năng... Hệ thống thư viện, thư viện điện tử sẽ được phát triển, cập nhật thông tin trong và ngoài nước. Chương trình, tài liệu dạy học cũng sẽ được đổi mới theo hướng hiện đại, tiếp cận với trình độ tiên tiến khu vực và thế giới; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục thể chất và bồi dưỡng nhân cách người học; tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện, chuyên sâu một lĩnh vực, giỏi tin học và ngoại ngữ; phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; kỹ năng thực hành, tăng khả năng hoạt động thực tiễn; lựa chọn giới thiệu một số chương trình, tài liệu dạy học tiên tiến của nước ngoài để các trường THPT chuyên tham khảo, vận dụng.

Kinh phí thực hiện Đề án là hơn 2.300 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là ngân sách nhà nước. Đề án sẽ chia thành 2 giai đoạn (2010 - 2015 và 2015 - 2020) với 3 hoạt động chính: Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học như xây dựng hơn 600 phòng học, hơn 360 phòng học bộ môn, 49 nhà tập đa năng, 73 thư viện, 73 phòng họp giáo viên, 63 nhà công vụ, 55 nhà nội trú... với nguồn kinh phí dự kiến hơn 1.600 tỉ đồng. Hoạt động 2 là phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý như đưa đi đào tạo tại nước ngoài về trình độ thạc sĩ cho 200 giáo viên, bồi dưỡng kinh nghiệm quản lý giáo dục tại nước ngoài cho cán bộ quản lý... với nguồn kinh phí dự kiến là hơn 600 tỉ đồng. Hoạt động 3 là phát triển chương trình, tài liệu và đánh giá hiệu quả giáo dục với nguồn kinh phí dự kiến hơn 27 tỉ đồng. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24-6.

Chia sẻ bài viết