16/05/2010 - 21:15

Hàn gắn tình làng, nghĩa xóm!

Trước khi tổ chức buổi hòa giải, các thành viên Tổ hòa giải khu vực 3 họp bàn hướng giải quyết vụ việc.

Thời gian qua, Tổ hòa giải khu vực 3 (phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã làm tốt vai trò trung gian hòa giải, giải tỏa được những mâu thuẫn, xích mích trong dân, hạn chế được tình trạng khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương...

Trước đây, khi nhắc đến khu vực 3, phường Thới Bình, nhiều người tỏ vẻ ái ngại về tình hình an ninh trật tự, nhất là nạn trộm cắp, cướp giật tài sản hay mất đoàn kết trong một bộ phận dân cư... thường xảy ra trên địa bàn. Nhưng hiện nay, khu vực 3 đang từng bước “thay da, đổi thịt”, tình hình an ninh trật tự dần đi vào nề nếp, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư phát triển rộng khắp, tạo được sự đồng thuận trong dân. Theo ông Nguyễn Văn Bé Em, Chủ tịch UBND phường Thới Bình, có được sự chuyển biến này, Tổ hòa giải khu vực 3 đã đóng góp một phần đáng kể, giải tỏa mâu thuẫn, hàn gắn tình làng, nghĩa xóm ở khu phố.

Đến khu vực 3, chúng tôi được các thành viên Tổ hòa giải kể cho nghe nhiều vụ việc mà họ đã hòa giải thành. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là vụ khiếu kiện của bà Trần Thị Lài. Theo đơn trình bày của bà Lài, nhà bà và ông Nguyễn Văn Hai liền kề nhau. Phía sau nhà ông Hai có trồng cây dừa và trái dừa thường rụng xuống, làm hư nóc nhà bà. Lo sợ nguy hiểm đến tính mạng, bà Lài đã có đơn khiếu nại gởi đến Tổ hòa giải khu vực 3. Đó là chuyện xảy ra cách đây khoảng 2 năm và đã được Tổ hòa giải khu vực hòa giải thành. Giờ đây, hai gia đình ông Hai và bà Lài trở nên thân thiện và thường xuyên quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Hôm chúng tôi ghé thăm, nhắc lại chuyện cũ bà Lài phấn khởi, nói: “Các cô, chú trong Tổ hòa giải rất nhiệt tình. Tôi gởi đơn không bao lâu là đưa ra hòa giải liền. Tôi còn nhớ rõ buổi hòa giải ngày hôm đó, họ đã phân tích cho ông Hai thấy tài sản công dân được pháp luật bảo vệ. Cây dừa ông trồng là thuộc sở hữu của ông và ông được hưởng thành quả lao động từ nó. Nhưng pháp luật cũng quy định, nếu cây dừa của ông gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng người khác thì phải bồi thường thiệt hại và thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ nặng nhẹ”. Qua phân tích của các thành viên Tổ hòa giải khu vực, ông Hai đã đồng ý đốn cây dừa, nhưng hẹn lại 1 tháng sau mới đốn vì nhà nghèo, không có tiền. Thấu hiểu hoàn cảnh của ông Hai, bà Lài hỗ trợ 200.000 đồng để ông thuê mướn người đốn cây dừa...

Hay trường hợp hòa giải đoàn tụ thành giữa anh Nguyễn Văn Hùng và chị Đặng Thị Thủy. Vợ chồng anh Hùng, chị Thủy sống bằng nghề buôn bán và họ đã có chung 1 đứa con. Anh Hùng thường cờ bạc, rượu chè. Chị Thủy nhiều lần khuyên bảo, nhưng anh Hùng không thay đổi. Từ đó, vợ chồng thường cự cãi, xô xát lẫn nhau. Bức xúc trước tình trạng này, chị Thủy đã nộp đơn xin ly hôn. Ông Lê Trùng Đức, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu vực 3, kể: “Hôm đó, chúng tôi phân tích cho anh Hùng thấy được việc cờ bạc, rượu chè, không phụ giúp vợ buôn bán là sai. Đã là vợ chồng thì phải chung thủy, yêu thương quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng và tiến bộ. Qua phân tích của Tổ, anh Hùng cam kết từ nay về sau sẽ sửa đổi và hứa cùng chị Thủy xây dựng một gia đình hạnh phúc, để nuôi dạy con cái tốt hơn. Thật đáng mừng, anh Hùng đã thực hiện đúng lời cam kết. Hiện nay, họ đã có thêm đứa con thứ 2, cuộc sống gia đình rất đầm ấm”.

Ông Lê Trùng Đức, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu vực 3 chia sẻ kinh nghiệm: “Mục đích của hoạt động hòa giải ở cơ sở là vì tình người, là việc giữ gìn tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng, giữ gìn, vun đắp hạnh phúc gia đình, ổn định trật tự, an toàn xã hội. Khi hòa giải, hòa giải viên phải biết lắng nghe và thông hiểu bức xúc của các đương sự. Có nghe, có hiểu mới đánh giá được mâu thuẫn thuộc loại nào, để đưa ra mối quan hệ pháp luật tương ứng, hướng dẫn hai bên đương sự thỏa thuận, giải quyết vụ việc”.

Theo thống kê, trong 5 năm (2005- 2009), Tổ hòa giải khu vực 3 đã hòa giải thành 31 vụ hôn nhân gia đình; 21 vụ vay mượn nợ; 15 vụ mất đoàn kết nội bộ... Kết quả đạt được như trên, ngoài việc nắm vững các quy định pháp luật, các thành viên Tổ hòa giải còn coi trọng sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể ở khu vực. Trước khi tổ chức hòa giải, các thành viên thường họp bàn hướng giải quyết vụ việc trước. Đối với vụ việc có tình tiết, tính chất phức tạp, các thành viên đến tận nơi nắm tình hình, ghi nhận ý kiến đóng góp của các hộ lân cận; từ đó, tìm cách tháo gỡ. Hòa giải chủ yếu là thuyết phục các bên trên tinh thần pháp luật theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; làm cầu nối để các bên tự nguyện thỏa thuận với nhau, tạo đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Ông Nguyễn Văn Bé Em, Chủ tịch UBND phường Thới Bình, cho biết: “So với các Tổ hòa giải khác trên địa bàn phường, thì Tổ hòa giải khu vực 3 luôn đi đầu. Số vụ việc hòa giải thành chiếm tỷ lệ cao, đã giúp hàn gắn những bất đồng, mâu thuẫn trong một bộ phận dân cư. Các thành viên trong Tổ hòa giải khu vực 3, đa phần là những người có uy tín ở địa phương, có kiến thức pháp luật và rất nhiệt tình, tận tâm với công việc. Mới đây, Tổ hòa giải khu vực 3 đã được Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở”.

Việc làm của Tổ hòa giải khu vực 3 tuy nhỏ, nhưng mang ý nghĩa rất lớn, đã giải tỏa những mâu thuẫn, xích mích trong dân, hàn gắn tình làng, nghĩa xóm, góp phần cùng địa phương xây dựng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư phát triển ngày một bền vững.

Bài, ảnh: Nguyên Bửu

Chia sẻ bài viết