29/05/2009 - 10:07

Ngành giáo dục thành phố thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Góp phần nâng cao chất lượng dạy và học

Sau hơn 2 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tập thể thầy trò ở nhiều trường thuộc ngành giáo dục thành phố đã có những chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, trong rèn luyện, tu dưỡng đạo đức lối sống, ra sức học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học...

Bài 1: Chuyển biến mới trong nhận thức và hành động

Ngay sau khi ngành giáo dục thành phố triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các đơn vị trường học đã xây dựng kế hoạch thực hiện. Mỗi trường có kế hoạch riêng, nhưng nhìn chung đều tập trung vào làm thay đổi nhận thức của từng cá nhân, từ đó tạo sự chuyển biến về hành động trong học tập làm theo tấm gương đạo đức của Bác, nhất là học tập các đức tính cần, kiệm, liêm, chính...

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được toàn ngành thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ từ cấp sở đến các trường học, cơ sở giáo dục. Tại các trường, việc triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được lồng ghép với cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Các trường tiếp tục triển khai đến tận giáo viên thông qua các tổ, khối chuyên môn. Mỗi thành viên trong tổ, khối cùng tham gia trao đổi, góp ý để hoàn thiện kế hoạch và cùng thống nhất cam kết thực hiện các nội dung: không ngừng rèn luyện tư cách, phẩm chất đạo đức; phấn đấu để mỗi nhà giáo là tấm gương đạo đức và tự học cho học sinh noi theo, phát huy tốt việc thực hiện “Dân chủ- Kỷ cương- Tình thương- Trách nhiệm” trong trường học...

Nghiêm túc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong ngành giáo dục. Trong ảnh: Cô Trần Thị Lệ Thủy - gương điển hình tiên tiến thực hiện Cuộc vận động của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Ninh Kiều. Ảnh: L.G 

Qua hơn 2 năm thực hiện Cuộc vận động đã nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ đó, ngoài việc tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức tác phong nhà giáo, mỗi giáo viên trong ngành còn ra sức học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thới Lai, cho biết: “Khi triển khai Cuộc vận động, nhiều giáo viên cảm thấy e ngại, cho rằng khó thực hiện. Nhưng khi đi vào thực tế, hầu hết giáo viên đều có những chuyển biến về nhận thức khi thấy rằng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là học những đức tính cần, kiệm, liêm, chính..., những đức tính rất cần thiết trong thực tế cuộc sống”. Thầy Thái Đặng Bảo Tín, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Ninh Kiều, bộc bạch: “Thật tình, ban đầu bản thân tôi thấy khó thực hiện Cuộc vận động, nhưng đi vào thực tế mới thấy những điều Bác dạy rất gần gũi trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn: tắt bớt cái đèn, cái quạt, đến trường đúng giờ hơn để tiết kiệm điện, tiết kiệm thời gian... Thực hiện lời dạy của Bác, tôi thấy mình dần dần tốt hơn lên...”.

Từ sự thay đổi trong nhận thức và việc làm của giáo viên đã tác động đến ý thức và suy nghĩ của học sinh. Ông Nguyễn Ngọc Sơn nói: “Trước đây, còn một bộ phận học sinh chưa thuộc hết 5 điều Bác Hồ dạy, nhưng từ khi thực hiện Cuộc vận động, tất cả học sinh đều học thuộc 5 điều Bác dạy và biến thành hành động cụ thể”. Em Nguyễn Hoàng Xuân Quyên, học sinh lớp 2D, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Ninh Kiều, là một học sinh giỏi, lễ phép khi nói chuyện với người lớn tuổi. Quyên nói: “Con học thuộc 5 điều Bác Hồ dạy và thích làm những việc vừa sức của mình như lời Bác, ở nhà con cũng hay nhặt rau giúp mẹ nữa”. Còn em Đỗ Hiếu Thuận, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thì học tập ý chí tự lực vươn lên của Bác. Hoàn cảnh gia đình Thuận rất khó khăn, mẹ mất sớm, nhiều người nghĩ rằng em phải bỏ học. Nhưng bằng ý chí và quyết tâm, Thuận không chỉ học giỏi tất cả các môn (điểm bình quân cả năm trên 9.0) mà còn là học sinh giỏi thành phố môn Anh văn, học sinh giỏi giải Toán trên máy tính bỏ túi cấp thành phố... Thuận cho biết: “Bên cạnh việc học tập, em luôn trau dồi đạo đức, rèn luyện nhân cách, luôn tự nhủ phải học tập và làm theo lời Bác, có lối sống đẹp và có lý tưởng cách mạng”.

Các trường đã thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thới Lai, phấn khởi: “Năm học vừa qua, ngành giáo dục huyện Cờ Đỏ (cũ) tiết kiệm kinh phí hoạt động được gần 3 tỉ đồng. Số tiền này được ngành đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, trường lớp”. Thực hiện Cuộc vận động, các đơn vị đã bớt những khoản chi không cần thiết, tiết kiệm điện, nước, bảo quản, giữ gìn máy móc trang thiết bị để có thể sử dụng lâu dài... Tại huyện Vĩnh Thạnh, năm học vừa qua, toàn ngành cũng đã tiết kiệm được khoảng 1 tỉ đồng, tất cả số tiền này đã được Phòng GD&ĐT huyện trang bị máy vi tính cho các đơn vị trường học. Nhờ vậy, hiện nay 100% trường học trên địa bàn huyện có máy vi tính để sử dụng.

Mỗi trường, ở trung tâm thành phố hay ở ngoại thành có một cách tiết tiệm khác nhau. Thầy Trần Quang Khiêm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Toàn trường có gần 50 phòng học, mỗi phòng có 2 cái quạt, 4 bóng đèn nên khi tắt hết tất cả đèn, quạt vào giờ chơi cũng tiết kiệm được rất nhiều điện. Vì vậy, khi đồng loạt thực hiện tiết kiệm: điện, nước, văn phòng phẩm... trường giảm 10% chi phí so với các năm học trước”. Trường Tiểu học Thạnh Quới 1, huyện Vĩnh Thạnh thì lập kế hoạch, chi tiết trong thu chi hàng tháng, máy vi tính được giáo viên thường xuyên bảo trì, không xài máy thì tắt ngay để đỡ hao điện, không còn tình trạng để màn hình chờ như trước. Đối với học sinh, các em được giáo viên thường xuyên nhắc nhở từ những việc nhỏ nhất: phân loại rác trước khi bỏ vào thùng: các loại rác thông thường sẽ đổ bỏ, còn rác giấy thì tổng hợp lại để bán giấy vụn. Ngay cả việc sử dụng nước cũng được trường hướng dẫn: dùng ca để hứng nước rửa tay, rửa mặt thay vì cứ xả vòi nước sẽ hao nước hơn rất nhiều... Nhờ vậy, mỗi tháng trường có thể tiết kiệm kinh phí khoảng 100.000 đồng. Cách làm trên cũng được Hội đồng Sư phạm trường Mầm non Sao Mai, quận Ô Môn, thực hiện hiệu quả. Cô Trương Thị Triều, Hiệu trưởng, cho biết: “Mỗi tháng trường tiết kiệm được gần 200.000 tiền điện, nước và các văn phòng phẩm qua các hình thức tiết kiệm mà giáo viên thực hiện”.

Có nhiều cá nhân thực hành tiết kiệm tốt được biểu dương trong các hội thi kể chuyện về những tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, như cô: Trần Thị Lệ Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Ninh Kiều, sau giờ tan trường, cô Thủy thường nán lại chấm bài của học sinh nhưng thường nương theo ánh sáng từ cửa lớp chứ không mở đèn để tiết kiệm điện. Dù được nghỉ dạy để tham gia học lớp Trung cấp chính trị nhưng mỗi sáng, mỗi chiều cô đạp xe 2-3 km đến để tranh thủ gặp học sinh lớp chủ nhiệm... Hoặc cô giáo trẻ Đinh Triệu Kha Mai, giáo viên dạy Văn, Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, thì thực hiện lời dạy của Bác bằng cách bảo quản tốt cơ sở vật chất trường lớp, cô giữ gìn rất cẩn thận các đồ dùng dạy học của trường, tận dụng mặt giấy trắng của các tờ lịch cũ, cô Mai viết những bài thơ, vẽ những bức tranh... tự làm thêm đồ dùng dạy học để học sinh dễ tiếp thu bài hơn. Nhờ giáo viên làm gương mà học sinh cũng học tập nhiều từ ý thức tiết kiệm của thầy cô mình. Cô Trần Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nhiều học sinh không còn xé giấy tập trắng tinh làm giấy nảo nữa mà các em biết cắt những trang giấy từ tập học của năm trước đóng lại thành tập nảo để sử dụng”. Riêng thầy trò Trường THCS Định Môn, huyện Thới Lai đã cùng nhau tiết kiệm tiền tiêu vặt để mua được 12 ghế đá làm chỗ ngồi ở sân trường để làm thư viện xanh...

Có thể nói, bước đầu cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục thành phố đã có những chuyển biến tích cực về mặt nhận thức sau thời gian thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ sự chuyển đổi nhận thức đó đã mang đến những kết quả khả quan: mọi người có trách nhiệm hơn đối với trường, với lớp...

HÀ THANH

Bài 2: Sửa đổi lối làm việc, tích cực học tập nâng cao trình độ

Chia sẻ bài viết