14/04/2009 - 09:39

Kỳ thứ 8 Hội đồng Lý luận Trung ương

Góp phần làm rõ những vấn đề cơ bản của nền kinh tế Việt Nam trước những tác động của khủng khoảng kinh tế toàn cầu

Ngày 13-4-2009, Hội đồng Lý luận Trung ương đã họp kỳ thứ 8 tại Bắc Ninh. Kỳ họp này, Hội đồng Lý luận Trung ương tập trung hội thảo khoa học với chủ đề “Một số vấn đề cơ bản của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khủng khoảng kinh tế toàn cầu hiện nay”. Đây là chủ đề mang tính thời sự, nóng bỏng, có ý nghĩa thiết thực, gắn kết việc nghiên cứu lý luận với những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong đời sống đất nước.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã nêu những vấn đề thực tiễn và lý luận liên quan đến cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu. Khái quát diễn biến, xu thế, tính chất và nguyên nhân của cuộc khủng khoảng, đồng chí nêu rõ: Cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu hiện nay khởi phát ở Mỹ và bắt đầu từ thị trường tài chính của nước này, từ đó lan ra rất nhanh, dẫn đến sự rối loạn với những mức độ khác nhau trên thị trường tài chính của hầu hết các nước lớn và nhiều nước đang phát triển. Là một bộ phận của nền kinh tế thế giới, thành viên của tổ chức Thương mại thế giới, so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nền kinh tế nước ta thực lực yếu hơn nhưng lại có “độ mở” lớn hơn, do đó không thể tránh khỏi những tác động của khủng khoảng kinh tế đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng GDP suy giảm. Hoạt động xuất nhập khẩu chịu tác động nặng nề. Nguồn vốn đầu tư quốc tế suy giảm, đầu tư nước ngoài vào nước ta và các lĩnh vực quan trọng khác cũng chịu những tác động bất lợi của khủng khoảng kinh tế toàn cầu.

Báo cáo đề dẫn chỉ rõ những vấn đề đang đặt ra đối với nước ta cần chú trọng giải quyết để giảm thiểu những tác động bất lợi và những tình huống xấu hơn có thể xảy ra, liên quan đến thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau hơn 20 năm đổi mới, về cơ bản nước ta đã chuyển đổi thành công từ thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, kinh tế nhà nước vẫn chưa thể hiện rõ vai trò chủ đạo. Nhiều doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hoạt động thấp, trình độ kỹ thuật, công nghệ và quản lý vẫn tụt hậu xa so với các nước tiên tiến, tính độc quyền còn cao. Kinh tế tập thể nhỏ bé, phát triển chậm. Kinh tế tư nhân chưa phát triển mạnh đúng với tiềm năng. Quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng cũng còn nhiều mặt hạn chế cần phải khắc phục: hệ thống luật pháp luật, cơ chế chính sách chưa đầy đủ, đồng bộ và thống nhất. Việc xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai và nhiều loại tài nguyên quan trọng khác của đất nước còn nhiều vướng mắc. Vấn đề sở hữu, quản lý và phân phối trong các doanh nghiệp Nhà nước chưa được giải quyết tốt gây khó khăn cho sự phát triển và làm thất thoát tài sản của Nhà nước, nhất là khi tiến hành cổ phần hóa...

Phát biểu thảo luận, các đại biểu cho rằng tác động đã và có thể còn xảy ra của cuộc khủng khoảng đến sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta, nêu lên những thách thức và cơ hội phát triển trong bối cảnh khủng khoảng kinh tế toàn cầu. Qua đó, bổ sung, phát triển những quan điểm về phát triển kinh tế của Việt Nam; đề xuất những giải pháp cơ bản cần tập trung thực hiện để hạn chế mức thấp nhất những tác động bất lợi tiếp theo, ngăn chặn nguy cơ lây lan của nó để giữ vững ổn định vĩ mô, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế, quốc tế. Hội thảo kết thúc vào ngày 14-4-2009.

HƯƠNG THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết