01/07/2010 - 21:10

Gỡ khó cho người làm muối

Chưa bao giờ người làm muối ở Bạc Liêu trúng đậm mùa muối như năm nay. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, năng suất muối lên đến hơn 76 tấn/ha, tăng gấp 5 lần so với năm 2009 và cao nhất từ trước đến nay. Thế nhưng, giá muối ở ĐBSCL nói chung và ở Bạc Liêu nói riêng rớt thảm hại. Toàn tỉnh có hơn 200.000 tấn muối tồn đọng trong dân, chủ yếu là muối đen. Nguyên nhân do giá thấp nông dân trữ lại chờ giá, thậm chí một số nơi tiêu thụ không được. Đầu ra cho hạt muối đang là vấn đề cấp bách khiến chính quyền địa phương đau đầu.

SẢN LƯỢNG MUỐI TỒN ĐỌNG HƠN 70%

Huyện Đông Hải là vùng trọng điểm sản xuất muối của tỉnh Bạc Liêu. Năm 2010, toàn huyện có hơn 2.240 ha diện tích sản xuất muối với sản lượng muối lên đến hơn 183.000 tấn. Tập trung ở 3 xã Long Điền Đông, Long Điền Tây và Điền Hải. Hầu hết các hộ làm muối là hộ nghèo và cận nghèo. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, nắng nóng kéo dài nên người làm muối trúng đậm, năng suất muối trắng (có trải bạt) đạt hơn 170 tấn/ha, muối đen 80 tấn/ha, gấp 3 lần so năm 2009 và cao đạt kỷ lục từ trước đến nay. Trúng mùa nhưng người làm muối ở Đông Hải không vui, do giá muối năm nay thấp, muối đen chỉ 250 đồng/kg, muối trắng 600 - 650 đồng/kg, một số nơi giá thấp mà cũng không tiêu thụ được. Toàn huyện Đông Hải hiện còn tồn đọng hơn 152.000 tấn muối. Riêng xã Điền Hải, có diện tích sản xuất muối 800 ha, lượng muối tồn đọng trên 59.000 tấn.

Ông Lê Thanh Nghị, ấp Doanh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải thu hoạch 10 ha muối mà không có người mua nên gần 8.000 tấn đang nằm chờ thương lái. Ông Nghị cho biết: “Hơn 40 năm trong nghề, đây là năm đầu tiên sản lượng muối cao nhất. Song, trúng mùa nhưng giá thấp, nên tính ra lãi không cao. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là muối không có đầu ra, hiện 70 - 80% lượng muối làm ra không bán được”. Hợp tác xã (HTX) muối ở Điền Hải cũng đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Toàn HTX có 72 ha với 192 xã viên chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo. Anh Nguyễn Văn Ban, một thành viên HTX muối ở Điền Hải, cho biết: “Cả vụ muối năm nay, HTX chỉ chia khoảng 5 triệu đồng cho xã viên. Tính ra không đủ tiền ăn để đi làm nói chi đến chuyện lo cho gia đình. Hy vọng trong thời gian tới giá muối tăng và dễ tiêu thụ để đời sống xã viên chúng tôi ổn định hơn”. Theo lý giải của lãnh đạo địa phương về việc muối tồn đọng trong dân nhiều là do giá muối thấp, nông dân không bán, một số nơi không có thương lái thu mua...

 Người làm muối Bạc Liêu trúng mùa muối nhưng vẫn “bí” đầu ra.

Ông Nguyễn Minh Đang, Chủ tịch UBND xã Điền Hải nêu kiến nghị: “Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cần chỉ đạo các công ty muối thu mua muối cho bà con để giải quyết khó khăn hiện nay. Giá thu mua cần phải đảm bảo để người làm muối lãi 30%. Theo tính toán, giá muối đen phải 700 - 800 đồng/kg; muối trắng 1.000 - 1.200 đồng/kg thì họ mới có lãi”. Phần nhiều là muối đen tiêu thụ rất chậm. Theo ông Đang, từ đầu vụ muối, các ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp đã chạy đôn, chạy đáo tìm đầu ra cho hạt muối, nhưng mọi chuyện đều bế tắc!

TRIỂN KHAI MUA MUỐI TỒN ĐỌNG

Tỉnh Bạc Liêu là địa phương có diện tích đất sản xuất muối lớn nhất so với các tỉnh ĐBSCL với 3.487 ha, sản lượng đạt 266.092 tấn. Do năm nay nắng hạn kéo dài nên năng suất, sản lượng muối đều tăng gấp nhiều lần so với mấy năm trước. Trong đó muối trắng tăng gần 37.000 tấn. Ông Phan Minh Quang, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Hiện lãnh đạo tỉnh rất sốt ruột về việc tiêu thụ muối vì muối tồn đọng trong dân năm nay rất lớn. Giải pháp trước mắt là tỉnh xuất ngân sách hơn 1 tỉ đồng hỗ trợ cho người làm muối mượn tiền mua lá lợp để trữ muối. Người làm muối Bạc Liêu cần được hỗ trợ nhiều hơn về đầu ra, vốn sản xuất và kỹ thuật. Đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan trung ương cân nhắc hơn trong vấn đề nhập muối, nhằm ổn định lượng cung- cầu, không để tình trạng dư thừa như hiện nay. Đồng thời, đề nghị có chính sách và các giải pháp để giải bài toán được mùa mất giá”...

Theo Quyết định 1021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu mua muối dự trữ quốc gia, tổng sản lượng muối mua dự trữ năm 2010 khoảng 200.000 tấn, trong đó miền Bắc 20.000 tấn, còn lại 180.000 tấn tập trung thu mua ở các tỉnh miền Trung và Nam bộ. Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng đã có buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu về việc giải quyết tiêu thụ muối tồn đọng trong dân. Theo đề nghị của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Bộ NN&PTNT cần tăng cường quy mô, sản lượng sơ chế cho Công ty Muối Bạc Liêu để giải quyết nhanh lượng muối tồn đọng hiện nay. Mặt khác, sơ chế thêm nhiều mặt hàng muối và tăng cường quảng bá thương hiệu muối để xuất khẩu ra nước ngoài. Về giá thành Bộ nên tham mưu cho Chính phủ đưa ra giá sàn để đảm bảo người sản xuất muối có lãi.

Xây kho trữ muối lớn nhất ĐBSCL tại Bạc Liêu

Ông Phạm Thanh Bằng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc cho biết: “Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch xây dựng kho trữ muối lớn nhất ĐBSCL đặt tại xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Tổng công ty Lương thực Miền Bắc sẽ xúc tiến triển khai dự án với số vốn đầu tư 34 tỉ đồng xây dựng kho trữ muối 16.000 tấn. Đây sẽ là kho trữ muối lớn nhất phục vụ các tỉnh làm muối trong vùng ĐBSCL. Còn về lâu dài, người làm muối cần nhanh chóng chuyển hướng sản xuất theo phương pháp trải bạt để muối trắng hơn và nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Sau khi khảo sát vùng sản xuất muối của tỉnh Bạc Liêu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng đã chỉ đạo Tổng công ty Lương thực Miền Bắc phối hợp với các tỉnh, Công ty Muối Bạc Liêu sớm triển khai dự án xây dựng kho trữ muối quốc gia tại Bạc Liêu; đồng thời thực hiện ngay việc mở kho thu mua muối tồn đọng trong dân. Trước mắt, ưu tiên thu mua trực tiếp trong dân, các HTX muối. Dự kiến, trong đợt này thu mua khoảng 35.000 tấn tại Bạc Liêu và phải công bố, niêm yết giá cả thu mua muối cho người dân biết. Theo Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng, về lâu dài Chính phủ cho phép Bộ NN& PTNT nâng sản lượng dự trữ muối quốc gia lên gấp đôi. Do vậy, tỉnh cần rà soát qui hoạch lại vùng sản xuất muối và xây dựng đề án hỗ trợ cho người làm muối. Song song đó, cải tiến công nghệ sản xuất, sơ chế biến để nâng cao chất lượng, năng suất phục vụ ngành sản xuất công nghiệp trong nước và đủ sức cạnh tranh với muối ngoại nhập. Có như vậy, đời sống người làm muối mới cải thiện và ngành muối mới phát triển mạnh được.

Bài, ảnh: MINH THANH

Chia sẻ bài viết