17/04/2008 - 22:52

Giúp người tàn tật hòa nhập cuộc sống

Hơn 30 năm qua, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (CH và PHCN) Cần Thơ, do Sở Lao động-Thương binh & Xã hội TP Cần Thơ quản lý, là nơi duy nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sản xuất các dụng cụ chỉnh hình (DCCH) và nhận phục hồi chức năng (PHCN), phẫu thuật chỉnh hình cho người tàn tật. Sự tận tâm của các nhân viên ở đây đã góp phần đưa nhiều số phận không may hòa nhập cộng đồng.

Thay đổi số phận

Tọa lạc trên vùng đất rộng 1 ha, Trung tâm CH và PHCN Cần Thơ (ở số 21, Cách Mạng Tháng Tám, phường An Thới, quận Bình Thủy) được xây dựng khép kín với các chức năng: chỉnh hình (sản xuất, lắp ráp dụng cụ chỉnh hình, chân tay giả, áo, nẹp chỉnh hình...), PHCN cho người tàn tật vận động (vật lý trị liệu (VLTL), vận động trị liệu, điện trị liệu...) và phẫu thuật CH các loại cho thương binh, người tàn tật. Trung tâm tiếp nhận, điều trị PHCN, cung cấp DCCH, chân tay giả cho các tỉnh ở miền Tây Nam bộ. Khuôn viên Trung tâm rộng rãi, thoáng mát, nhiều cây xanh, là môi trường lý tưởng cho bệnh nhân (BN) ở lại chữa trị, phục hồi.

 Anh Nguyễn Ngọc Minh, Quản đốc xưởng chỉnh hình (bìa trái), đang khám bệnh để làm chân giả cho bệnh nhân.  
Lúc trước, Trung tâm chuyên cung cấp chân tay giả, PHCN cho thương binh, nay đã mở rộng thêm ra các đối tượng xã hội khác. Mạnh thường quân thường xuyên của Trung tâm là Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế; Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam ở Hoa Kỳ chuyên tài trợ dụng cụ chỉnh hình như giày, chân tay giả, nẹp; Tổ chức Trợ giúp xã hội Việt Nam tại Hoa Kỳ tài trợ phẫu thuật cho người tàn tật. Từ chỗ sản xuất tay chân giả theo kiểu chắp vá do thiếu nguyên liệu, hiện Trung tâm đã có 2 loại công nghệ làm chân giả tương đối hoàn chỉnh là công nghệ chân nhựa PP do Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế chuyển giao và công nghệ chân nhựa Araldite của Ottobock Cộng hòa liên bang Đức, được đông đảo BN chấp nhận.

Nhiều năm qua, Trung tâm đã nhận điều trị cho rất nhiều ca về vận động, PHCN mà các bệnh viện khác từ chối hoặc đã đi chữa nhiều nơi nhưng không có kết quả. Chú Nguyễn Thành Tam, 47 tuổi, ở Vĩnh Long, đang điều trị ở khu trại bệnh. Năm rồi, chú Tam bị té xe, chấn thương cột sống cổ, nằm liệt giường. Hơn một tháng nằm ở BV Chợ Rẫy chú vẫn không nhúc nhích được cơ thể. Người thân đã hết phương cứu chữa, đưa chú về nhà. Trong lúc tuyệt vọng thì có người gợi ý đem chú tới Trung tâm. Sau gần 2 tháng tập VLTL kết hợp uống thuốc, đến nay chú đã phục hồi từ từ, vận động được tay chân, cổ quay được. Gặp chúng tôi, chú vui vẻ cho biết: “Các bác sĩ ở đây rất tốt và nhiệt tình, chi phí điều trị không cao nhưng có hiệu quả rõ rệt. Tôi sẽ cố gắng tập luyện để đi được”. BN Ngô Thành Thủy, nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ, bị chấn thương rất nặng, gãy một số xương sườn, xương mắt cá..., nay anh đã có dấu hiệu phục hồi, đang tập đi. Kiều Văn Hải, quê Sóc Trăng, một lần đi làm hồ té từ trên cao xuống, nằm liệt. Những tưởng cuộc đời rồi sẽ khép lại với chàng trai chỉ mới 20 tuổi, nhưng qua điều trị và tập luyện, thời gian gần đây, Hải đã tự ngồi dậy được, chân đã bắt đầu cử động nhẹ...

Việc lắp chân tay giả cũng mang lại nhiều niềm vui, thay đổi được nhiều số phận con người. Những em bé bị chân khoèo bẩm sinh cũng được can thiệp bằng các phương pháp kỹ thuật cao. Bác Mai Vĩnh Tường, gần 60 tuổi, ở Cà Mau, bị tắc động mạch, hoại tử, cưa cả tay chân. Trước đây, bác di chuyển bằng cách chống nạng hoặc bò lết, giờ được hỗ trợ lắp tay chân giả, bác có thể đi lại được dễ dàng, phụ vợ bán cửa hàng tạp hóa.

Ông Tạ Quốc Thái, Giám đốc Trung tâm, trăn trở: “BN khuyết tật ở ĐBSCL rất lớn nhưng chế độ chăm sóc chưa tốt lắm, pháp lệnh người tàn tật chưa đi sâu vào thực tiễn cuộc sống, những chế độ giúp họ phần lớn đều qua các tổ chức phi chính phủ. Có những trường hợp rất đáng thương nhưng chúng tôi chỉ hỗ trợ được phần nào vì không có kinh phí. Hiện tại, chúng tôi đang thiếu nguồn tài chánh phục vụ sản xuất và PHCN, Trung tâm cũng đang xuống cấp trầm trọng, tường nứt, nước ngập nhưng chưa có điều kiện sửa chữa”.

Những chiến sĩ thầm lặng

Hiện số lượng BN của toàn vùng ĐBSCL mà Trung tâm được giao nhiệm vụ điều trị khoảng 20.000 người khuyết tật, trong đó có khoảng 15.000 người cần phải lắp ráp dụng cụ chỉnh hình và chân tay giả các loại. Mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận trên 3.000 BN và sản xuất, cung cấp trên 2.000 DCCH và chân tay giả, 2.500 DCCH giúp cho người cụt chi nghèo khó được tiếp cận với phương tiện PHCN, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nhiều BN sau một thời gian chữa trị đã phục hồi được 70% chức năng bị giảm hoặc mất.

Ở Trung tâm, có người đã gắn bó cả đời làm việc của mình như Giám đốc Tạ Quốc Thái, vào đây từ năm 1975. Ông Thái kể: “Hầu hết nhân viên làm ở Trung tâm rất cực, lương không đủ sống, công việc thì nặng nhọc, ít ai biết tới nhưng vẫn cố gắng bám nghề. Chúng tôi luôn động viên nhau tìm mọi cách để phát huy vai trò của Trung tâm, đem lại lợi ích cho cộng đồng”.

Anh Nguyễn Ngọc Minh, Quản đốc xưởng chỉnh hình, có thâm niên 27 năm làm chân, tay giả, tâm sự: “Đội của tôi có 8 người, nhiều năm qua không tuyển được ai vì rất ít người theo ngành này. Đây là công việc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, kết hợp giữa chân tay và trí não, sản phẩm làm sai một ly cũng không sử dụng được. Kích thước tứ chi mỗi BN khác nhau nên chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng. Thường ở xưởng hết giờ chứ không hết việc, có nhiều anh em cặm cụi làm tới khuya để kịp giao hàng cho BN ở xa”.

Ở khâu mà các cán bộ, nhân viên đổ mồ hôi nhiều nhất có lẽ là khoa VLTL. Nguyễn Thị Kiều Linh, 24 tuổi, nhân viên phòng VLTL bộc bạch: “Để trụ được với nghề phải có lòng kiên trì và tình thương đối với BN. Có những trường hợp người bệnh tập phục hồi chức năng kéo dài mấy tháng trời, gia đình bỏ mặc, BN cũng buông xuôi, chỉ muốn chết nên mình phải ráng vận động, làm chỗ dựa tinh thần giúp BN có niềm tin tiếp tục điều trị. Những BN chữa khỏi thì mừng quá cứ khóc, lại thăm anh em hoài. Những tình cảm đó là động lực an ủi chúng tôi rất nhiều”. 15 năm gắn bó với phòng VLTL, kỹ thuật viên Trần Đắc Thắng bày tỏ: “Chúng tôi như những chiến sĩ thầm lặng, đứng phía sau nâng đỡ BN. Làm lâu mới thấy giá trị của nghề”.

Trung tâm hiện có 37 nhân viên, phần lớn đã lập gia đình, cuộc sống khá chật vật nên nhiều anh em phải làm thêm bên ngoài. So với những nơi khác, đồng lương và các chế độ ở đây hạn hẹp hơn nhưng chưa ai chuyển chỗ làm, bởi họ hiểu những giá trị của mình tạo ra. Một bàn chân, tay giả tưởng chừng vô hồn nhưng có thể làm thay đổi số phận của một con người. Mỗi một bước chân tập đi trong phòng VLTL là một chặng đường gian nan mà BN vượt qua, giúp họ có thêm niềm tin để hòa nhập cộng đồng. Đó chính là những phần thưởng quý nhất mà những y bác sĩ, nhân viên của Trung tâm CH và PHCN Cần Thơ nhận được trong nghiệp làm thầy thuốc của mình.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết