04/04/2008 - 22:02

Giữ màu xanh U Minh hạ

Máy bơm nước được gắn trên phao tạo thuận lợi trong phòng chống cháy rừng.

Đầu tháng 4, khi cao điểm mùa khô đến cũng là lúc những cánh rừng tràm tại Vườn Quốc gia U Minh hạ hoàn toàn kiệt nước. Lớp thực bì trên những thân tràm to bắt đầu bong tróc rất dễ làm mồi cho “bà hỏa”. Những ngày này những người giữ rừng đang dốc tất cả sức lực để giữ màu xanh cho U Minh hạ.

* Ngồi trên đống lửa

Bóc một lớp thực bì dưới chân rừng, anh Kháng, cán bộ kiểm lâm trạm trung tâm Vườn Quốc gia U Minh hạ, nói: “Cùng thời gian này năm trước đâu khô ran như thế này. Nếu tình hình này kéo dài thì nguy lắm”. Trong rừng, những cây tràm hàng chục năm tuổi đung đưa trong gió. Tuy nhiên, trên thân nó, những dây choại, dớn bắt đầu chuyển màu vàng vì không thể chịu được cái nắng nóng và khô hạn. Có đến và sống với rừng mới thấy cái cực khổ của anh em kiểm lâm tại các chốt trực phòng chống cháy. Xa nhà, thiếu thốn đủ thứ, sống dưới cái nắng nóng cùng cực của mùa khô rừng nhiệt đới nhưng ai cũng một lòng để giữ màu xanh cho U Minh hạ.

Ở đây, những căn chòi tạm cùng với những tháp canh lửa là nơi cư trú của cán bộ kiểm lâm. Còn nơi tháp canh, cứ khoảng 1 giờ lại có người leo lên người trèo xuống. “Sao mình đổi ca nhanh vậy?”, tôi hỏi. Anh Hà Văn Xích, cán bộ đội kiểm lâm cơ động, cười: “Trên này gió mát, nếu ngồi canh lâu sẽ buồn ngủ. Trong khi đó, nếu chúng ta mất tập trung chỉ một vài phút thì hậu quả sẽ rất khó lường”. Dán mắt vào ống dòm, quan sát những cánh rừng tràm bạt ngàn đang rung trong gió, anh Xích nói: “Hầu hết các cánh rừng tại U Minh hạ đã kiệt nước, nên không thể lơ là mất cảnh giác”. Tay chỉ về những vạt rừng, anh nói: “Đó là tuyến Kinh Đứng, tuyến 21 - 94 và tuyến 23 - 100 đã báo cháy cấp IV, còn các tuyến 27-96, 25- 90 thì choại, dớn đều đã khô, thực bì cũng đã bong tróc rất nguy hiểm, đã báo cháy cấp V nên anh em tập trung quan sát những điểm nóng này để đề phòng cháy”.

Trong một góc của căn chòi tạm bợ bằng mê bồ của đội kiểm lâm cơ động, anh Nguyễn Văn Thế (Mười Thế), Quyền Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh hạ như “ngồi trên đống lửa”. Đã có một quy định bất thành văn là nơi nào để cháy rừng thì cán bộ chủ chốt bị cách chức. Có nhiều đời giám đốc các lâm trường không thể tiếp tục công việc với rừng chỉ vì cháy. Còn anh Mười Thế đã 14 năm đến với rừng thì tất cả ngần ấy thời gian anh dành cho Vồ Dơi (nay là Vườn Quốc gia U Minh hạ). Từ cán bộ kỹ thuật rồi hạt trưởng kiểm lâm cho đến giám đốc vườn quốc gia hầu như cuộc đời anh đã dành cho rừng. Mỗi năm, vào mùa chống cháy, anh lại đau đáu, đứng ngồi không yên. Để yên tâm hơn, anh lại chạy xe mô tô lao vào rừng sống với anh em. Anh tâm sự: “Không phải mình sợ mất chức mà chỉ sợ cháy sẽ mất tất cả. Ở đây các loại động thực vật phong phú có thể phục vụ khai thác phát triển du lịch, học tập, nghiên cứu. Gần đây, nhiều loài động vật quý nằm trong sách đỏ được phát hiện như rái cá lông mũi, quạ đen... là một minh chứng cho sự đa dạng sinh học tại vườn quốc gia này”.

Lực lượng kiểm lâm trạm trung tâm Vườn Quốc gia U Minh hạ thực tập phòng chống cháy rừng.

* Chi viện cho U Minh hạ

Tất cả cho U Minh hạ. Đó là mệnh lệnh được đưa ra để gìn giữ những cánh rừng tràm nguyên sinh còn sót lại tại Vườn Quốc gia U Minh hạ. Để thực hiện được điều này Cục Kiểm lâm đã cử 1 tổ công tác gồm 3 cán bộ thuộc cơ quan kiểm lâm vùng III xuống chi viện cho vườn quốc gia. Đội này với trang thiết bị khá hiện đại như máy bơm gắn trên phao nổi, máy thổi gió, máy cắt thực bì. Anh Ngô Việt Cường, cán bộ cơ quan kiểm lâm vùng III, cho biết: “Tình hình giữ rừng ngày càng khó khăn nên 3 năm nay cơ quan kiểm lâm vùng III đều cử một đội xuống chi viện cho U Minh hạ. Mỗi lần xuống, anh em bám trụ tại đây từ 3-4 tháng, cứ cắm trại liên tục cho đến khi chân rừng ngập nước mới được về”. Còn anh cán bộ trẻ Nguyễn Hàm Châu, quê tận Nghệ An, tâm sự: “Ở đây muỗi quá. Khoảng 5 giờ chiều là không thể nào chịu nổi phải vào mùng. Có xuống đây mới thấy anh em tại đây giữ rừng cực như thế nào”.

Không chỉ Cục Kiểm lâm mà Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cũng chi viện cho Vườn Quốc gia U Minh hạ. Một đội kiểm lâm cơ động, lực lượng của các hạt kiểm lâm Trần Văn Thời, U Minh cũng được tăng cường cho vườn quốc gia để tạo thành một thế trận hoàn chỉnh chống lại giặc lửa. Anh Nguyễn Văn Kiệt, cán bộ Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, tâm sự: “Mỗi năm, anh em chia thành nhiều tổ vào giữ rừng. Tất cả thay phiên nhau, cứ một tổ trực nửa tháng xoay tua đến khi chân rừng ngập nước là vác ba lô về. Năm nay, có lẽ căng hơn vì mùa khô kéo dài”. Anh Mười Thế cho biết: “Đến thời điểm này đã có 12 tổ máy bơm bố trí vào các vị trí xung yếu nhất. Đặc biệt, nơi đây đã huy động lực lượng gần 900 người gồm cán bộ, nhân viên vườn quốc gia, cán bộ tăng cường cùng bà con sống quanh vườn quốc gia chuẩn bị sẵn sàng khi có sự cố”.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do mùa mưa năm nay dứt trễ nên mùa khô sẽ kéo dài. Thêm vào đó, thời gian qua thỉnh thoảng U Minh hạ có mưa trái mùa làm cho phèn chân tràm tuột nhanh, nếu xảy ra cháy sẽ lan nhanh rất khó kiểm soát. Anh Mười Thế cho biết: “Tuần trước, bên lâm trường Trần Văn Thời báo động cháy làm một phen hú vía. Đến giờ, vẫn chưa tìm ra thủ phạm nhưng nguyên nhân là do người dân “ăn ong” (lấy mật ong) nên anh em càng cảnh giác nhiều hơn”.

Đến thời điểm này, tất cả hơn 8.000 ha rừng tại Vườn Quốc gia U Minh hạ đã kiệt nước. Trong đó, đã có trên 5.000 ha báo cháy ở mức cực kỳ nguy hiểm và nguy cơ cháy là rất cao. Lệnh cấm vào rừng cũng được ban bố từ rất lâu. Tất cả các phương tiện, con người đều đã sẵn sàng khi có sự cố. Với những bước chuẩn bị chu đáo của những người giữ rừng, hy vọng Vườn Quốc gia U Minh hạ sẽ mãi giữ màu xanh.

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

 

Chia sẻ bài viết