Bài, ảnh: MINH HUYỀN
Hiện nay, hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN) đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Với nỗ lực giữ vững thị trường, mở rộng quy mô hoạt động, các doanh nghiệp (DN) kỳ vọng sẽ sớm đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho cả năm 2022.
Bắt nhịp tăng trưởng
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của các DN đang hoạt động trong các KCN trên địa bàn thành phố là 1.155,94 triệu USD, đạt 55,29% so với kế hoạch năm 2022. Bước sang tháng 7, tổng doanh thu của các DN ước đạt 219,1 triệu USD, tăng 10% với cùng kỳ năm 2021.
Sau thời gian khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các DN trong KCN đã nhanh chóng kết nối lại thị trường, ký kết các đơn hàng và đạt kết quả kinh doanh khả quan. Theo ông Võ Ðông Ðức, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của Caseamex tăng tưởng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ðể đạt được mức tăng trưởng này, Công ty đã chủ động chuẩn bị về nguồn nguyên liệu, năng lực sản xuất, lực lượng công nhân để đáp ứng các đơn hàng, đảm bảo tiến độ giao hàng. Nhà máy chế biến của Caseamex hiện có công suất thiết kế 150 tấn/ngày và công suất khai thác hiện đạt từ 80-90%. Công ty cũng đảm bảo 100% cho nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Về thị trường, công ty có ưu thế khi có hơn 50% sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Các thị trường còn lại, thị trường nào giá hợp lý, khách hàng đồng thuận cao, công ty sẽ cân đối chia sẻ đơn hàng phù hợp.
Dây chuyền chế biến cá tra phi lê xuất khẩu của Công ty Caseamex.
Bám sát những tín hiệu phục hồi của thị trường sau đại dịch, nhiều DN chủ động mở rộng quy mô, tuyển dụng thêm lao động. Bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Tri-Viet, chia sẻ: Năm 2021, sản lượng sản xuất của công ty đạt 850.000 sản phẩm/năm. Năm 2022, Công ty đặt chỉ tiêu sản xuất 1.350.000 sản phẩm. Ðể đạt mức sản lượng như kỳ vọng, trong năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Công ty vẫn triển khai tuyển dụng lao động, mở rộng quy mô sản xuất. Qua đó, công ty đã nâng tổng số lao động từ 500 lên 1.000 lao động và hiện nay đã đạt 1.500 lao động. Năm 2022, Công ty đặt mục tiêu tăng sản lượng 160% so với năm 2021 và trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng sản xuất đã tăng 130% so với cùng kỳ 2021.
Theo sát diễn biến thị trường
Dù đạt những kết quả khả quan, song một số DN trong KCN vẫn băn khoăn về những biến động của cung cầu thị trường và cho biết hoạt động xuất khẩu còn phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu. Theo ông Võ Ðông Ðức, hiện nay thị trường xuất khẩu của Công ty vẫn ở ngưỡng tương đương những tháng đầu năm chứ chưa dự báo được khả năng bứt phá những tháng cuối năm. Ðối với hợp đồng ký kết, ngành thủy sản thường không có những đơn hàng rộng, những đơn hàng dài như ngành dệt may hay một số ngành khác. Nhu cầu thị trường thường chỉ đảm bảo dự đoán trước từ 1-3 tháng chứ không thể đoán rộng đến cuối năm. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu thời gian gần đây có xu hướng chững lại khi nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu lạm phát rộng. Ðồng đô-la Mỹ tăng giá trong khi các đồng tiền của các quốc gia khác giảm giá nghiêm trọng. Nếu căn cứ vào đồng đô la Mỹ, các nước có nhu cầu nhập khẩu phải đối mặt với giá cả tăng cao, đó là áp lực khiến lĩnh vực bán hàng của DN thủy sản ảnh hưởng. Mặt khác, chi phí nguyên liệu đầu vào, tất cả các khâu hỗ trợ xuất khẩu, vận chuyển đều tăng giá. Trước áp lực đầu vào tăng, đầu ra không tăng như kỳ vọng, Công ty sẽ tiếp tục theo dõi diễn tiến thị trường để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh sao cho phù hợp vừa đảm bảo giữ vững các hợp đồng đã ký kết.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, từ nay đến cuối năm, bên cạnh việc tập trung sản xuất các sản phẩm truyền thống, công ty đang định hướng bổ sung thêm các dòng sản phẩm cao cấp hơn để đáp ứng nhu cầu khách hàng cũng như mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Ðến nay, Công ty đã tuyển dụng gần đủ 1.000 lao động. Song yêu cầu đặt ra là với lượng lao động mới này, Công ty phải nhanh chóng đào tạo nâng cao tay nghề để đảm bảo cả về năng suất lẫn chất lượng, nhất là đáp ứng cho các đơn hàng sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Bên cạnh đó, Công ty cũng mong muốn các sở ngành hữu quan của thành phố hỗ trợ tuyển dụng nguồn lao động chất lượng cao, trình độ đại học để bổ sung nguồn nhân lực cấp trung đáp ứng yêu cầu quản lý.
Theo ông Võ Quốc Hùng, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, thời gian tới, Ban Quản lý sẽ quyết liệt tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của DN. Ðồng thời, triển khai các cơ chế, chính sách mới liên quan đến hoạt động của DN trong KCN. Trong đó tập trung tuyên truyền triển khai Nghị định số 38/2022/NÐ-CP ngày 12-6-2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; Quyết định số 08/2022/QÐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Ðồng thời, đôn đốc, tăng cường tuyên truyền vận động người lao động trong DN tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19 các liều nhắc lại. Ban Quản lý cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng phần mềm “Một cửa điện tử” tại Ban Quản lý, giúp giải quyết công việc nhanh gọn, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho DN.