18/08/2022 - 08:44

Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nước ta kiểm soát tốt dịch COVID-19 và Chính phủ kịp thời triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động đổi mới sáng tạo và thích ứng tình hình mới, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ.

Doanh nghiệp phục hồi khởi sắc

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và việc triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển doanh nghiệp kịp thời của Chính phủ, cũng như nỗ lực vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp mà khu vực doanh nghiệp thời gian qua có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc.

Vào thời điểm cuối năm 2021, cả nước có 857.551 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 5,7% so với cùng kỳ 2020, tăng 16,7% so với bình quân giai đoạn 2017-2020. Ðến hết tháng 7-2022, cả nước có khoảng 871.000 doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng gần 13% so với năm 2019. Trong 7 tháng năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt trên 130.000 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt trên 3,3 triệu tỉ đồng, tăng trên 37% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 620.975 người, tăng 11,8% so với cùng kỳ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ ngành và địa phương tổng rà soát lại các vướng mắc, khó khăn hiện nay của tất cả các loại hình doanh nghiệp. Đồng thời, có kế hoạch xử lý, kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định...

Dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp trong một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, hàng không, vận tải.. đã có phục hồi ấn tượng. Thị trường, đặc biệt là thị trường nội địa của các doanh nghiệp trong một số ngành phục hồi trên 75-85% so với thời điểm trước dịch COVID-19. Bên cạnh duy trì mức tăng trưởng tích cực về quy mô và số lượng, doanh thu của doanh nghiệp trong nhiều ngành cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch. Ðơn cử, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2022 ước tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh là điểm sáng đóng góp cho tăng tưởng kinh tế. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng, 7 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta ước đạt 216,33 tỉ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, với 30 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD. Một điểm đáng mừng nữa là niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực, gần 92% doanh nghiệp cho rằng sẽ giữ nguyên quy mô hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh trong quý III-2022 và 85% doanh nghiệp chế biến chế tạo dự kiến sản xuất kinh doanh trong quý III-2022 ổn định và tốt lên.

Tháo gỡ khó khăn

Tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp và khó lường, trong khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Khu vực doanh nghiệp tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng dịch bệnh, xung đột quân sự Nga - Ukraine, giá xăng dầu và nhiên - nguyên vật liệu tăng cao, nguy cơ từ lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới và thiếu hụt lao động. Doanh nghiệp nước ta cũng còn gặp những khó khăn và hạn chế trong nội tại. Ðáng chú ý, đa phần doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa còn hạn chế về năng lực khoa học công nghệ, tài chính, khả năng tiếp cận vốn, thị trường... Do vậy, cùng với việc tiếp tục nỗ lực vượt khó, doanh nghiệp rất cần sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của ngành chức năng để phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, kiến nghị Chính phủ thực hiện việc cấp bù lãi suất và bố trí hợp lý để thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó chú trọng các khoản vay tín dụng xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, đổi mới sáng tạo, công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo, chuỗi liên kết. Kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2023 gắn với việc cải cách trình tự, thủ tục thuế, chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi, qua đó hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao. Ban hành chính sách hỗ trợ mua bán trực tuyến dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và 5,2 triệu hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ đối tượng này thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng từ giao dịch mua, bán hàng hóa trực tiếp sang online, giúp họ tồn tại và phát triển...

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Chính phủ, các bộ ngành quan tâm cần có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có thủy sản, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi. Bởi chi phí sản xuất tăng cao, khiến cho giá thành sản phẩm tăng và nguy cơ sẽ giảm khả năng cạnh tranh. Giá thức ăn chăn nuôi trung bình sau dịch đã tăng khoảng 20%, trong khi chi phí thức ăn đang chiếm hơn 60% giá thành nuôi cá tra và tôm nên có tác động chi phối rất lớn. Thứ hai, chi phí vận tải biển và container tăng trong 2 năm qua với các lý do liên quan đến dịch, liên quan đến ách tắc và bây giờ liên quan đến giá nhiên liệu tăng đang giữ ở mức cao. Nếu đi bờ Tây Mỹ hiện ở mức 400 triệu đồng cho một container, đến châu Âu cũng tăng lên 4 lần, hiện từ 10.000-12.000 USD. Các chi phí đầu vào khác như bao bì, hóa chất, vận chuyển nội địa cũng tăng.

Chia sẻ bài viết