20/01/2010 - 22:02

Hướng tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam TP Cần Thơ lần thứ I - năm 2010

Đoàn kết giúp nhau vượt lên nghèo khó

Thời gian qua, cùng với sự quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt của Đảng, Nhà nước, ở các địa phương, các đoàn thể đã có nhiều biện pháp hỗ trợ giúp đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ngày càng ổn định, khấm khá hơn. Những mô hình tốt, cách làm hay đã và đang tiếp tục được nhân rộng, phát huy hiệu quả ở nhiều địa phương, không chỉ giúp nhiều hộ Khmer thoát nghèo mà còn góp phần khơi dậy truyền thống đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống của nhân dân ta từ bao đời nay.

LIÊN KẾT SẢN XUẤT

Những cánh đồng lúa ở ấp Vĩnh Nhuận, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh đang độ làm đòng. Phóng tầm mắt về phía những đồng lúa xanh rờn, hứa hẹn vụ mùa bội thu, chú Triệu Hổ, Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân ấp Vĩnh Nhuận, cho biết: “Toàn bộ diện tích trồng lúa của ấp đều xuống giống đồng loạt, đúng lịch thời vụ, nên đã qua 50 ngày tuổi, nhưng chưa thấy sâu bệnh”. Theo chú Hổ, đó cũng nhờ Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống đê bao khép kín nên nông dân trong ấp mới chủ động bơm tháo nước cùng lúc, xuống giống theo lịch thời vụ của ngành khuyến nông khuyến cáo. Chú Danh Phước là một trong những thành viên của Câu lạc bộ (CLB) bơm nước khu vực Chùa Khmer, cho biết: “Trước đây, trước khi sạ lúa mình phải đắp bờ cho thiệt vững để không bị nước từ các ruộng khác tràn qua. Bây giờ bơm nước tập thể, mình chỉ cần chuẩn bị giống thôi, còn việc bơm nước thì Tổ bơm nước lo, chỉ tốn có 28.000 đồng/ công, giảm chi phí, công sức rất nhiều so với lúc mình tự bơm”.

Chú Mai Văn Ngọc thăm đồng.  Ảnh: QUỐC TRƯỞNG 

Từ vụ Đông Xuân 2008-2009, ấp Vĩnh Nhuận đã thành lập được CLB khuyến nông với 30 thành viên làm nòng cốt, sinh hoạt thường xuyên hằng tuần. CLB sinh hoạt định kỳ vào thứ năm hằng tuần, có cán bộ khuyến nông của ấp, xã và trạm khuyến nông huyện xuống dự. Sau khi tổ chức thăm đồng, các thành viên bắt đầu đánh giá, trao đổi kinh nghiệm trong canh tác với sự trợ giúp kỹ thuật của cán bộ khuyến nông. 30 thành viên này là những “khuyến nông viên” hỗ trợ kỹ thuật cho bà con trong ấp, nhất là đối với đồng bào dân tộc Khmer. Tới ấp Vĩnh Nhuận hỏi về kỹ thuật sản xuất, rất nhiều nông dân nói rành rẽ về “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “bón phân so màu lá lúa”... Ông Mai Văn Ngọc, nông dân của ấp cho biết: “Nhờ bơm nước tập thể, được hướng dẫn kỹ thuật, tôi làm vụ nào ăn chắc vụ đó. Giảm lúa giống, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, nên lợi nhuận tăng thêm khoảng 30% so với trước”.

Khi đã an tâm với cây trồng chính (lúa), người dân bắt đầu làm những việc khác để tăng thu nhập. Trong số 179 hộ đồng bào dân tộc Khmer trong ấp, chú Mai Văn Ngọc là một trong những người khá giả nhất. Ngoài 13 công ruộng, chú còn nuôi được 6 con heo, 20.000 con cá tra. Chú cho biết, năm 2009, tổng thu nhập của gia đình chú khoảng gần 100 triệu đồng. Đó là chưa kể thu nhập hàng năm từ cây chuối và quán nước giải khát trước nhà. Chú Ngọc nói: “Thu nhập từ quán nước và vườn chuối đã đủ chi phí ăn uống, đám tiệc trong nhà, còn tiền bán lúa dành để mua sắm vật dụng trong gia đình”. Ngôi nhà mới còn thơm mùi vôi vừa được xây dựng trên 220 triệu đồng của chú có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và nhiều vật dụng đắt tiền... Hay như gia đình chú Danh Phước, được Ngân hàng Chính sách Xã hội phát vay 7 triệu đồng vào năm 2008, chú nuôi 3 con heo nái, bán lứa đầu tiên lời được hơn 7 triệu đồng. Nhờ trả vốn đúng hạn, năm 2009 chú được vay thêm 8 triệu đồng để chăn nuôi heo. Hiện nay, trong chuồng heo nhà chú còn 18 con heo nái và heo thịt.

Theo ông Liêu Ngọc Lượm, Trưởng ấp Vĩnh Nhuận, toàn ấp có gần 32% dân số là người dân tộc Khmer, 5 năm trước có gần một nửa trong số đó thuộc diện nghèo hoặc cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm hỗ trợ về vật chất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của chính quyền và sự tích cực làm ăn của người dân, đời sống của nhân dân trong ấp nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, đã có nhiều thay đổi, số hộ nghèo giảm qua từng năm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững. Đáng phấn khởi là tinh thần đoàn kết, tương trợ, ý thức tự lực tự cường, tinh thần tiết kiệm của người dân tốt hơn, thông qua các tổ đoàn kết sản xuất, CLB khuyến nông. 5 năm trở lại đây, thông qua các chương trình hỗ trợ của Chính phủ đã có 80 hộ đồng bào dân tộc Khmer trong ấp được cất nhà tình thương, trên 90% số hộ có nước sạch, 100% hộ sử dụng điện. Nếu như năm 2006, ấp Vĩnh Nhuận có 79 hộ Khmer nghèo, thì đến cuối năm 2009 chỉ còn lại 29 hộ. Bên cạnh đó, do ấp Vĩnh Nhuận chỉ cách khu công nghiệp Thốt Nốt khoảng 5-6 km, nên nhiều thanh niên Khmer đã có việc làm ổn định ở Khu Công nghiệp. Chú Triệu Hổ có 3 người con trong độ tuổi lao động, thì có 2 người làm việc ở khu công nghiệp, mỗi người thu nhập cũng được từ 1,5 -1,8 triệu đồng/tháng “Khi đời sống vật chất đã ổn định, đồng bào chăm lo nhiều hơn cho việc học hành của con em, trình độ dân trí của nhân dân nâng lên”- Ông Liêu Ngọc Lượm nói với giọng rất phấn khởi.

CÙNG HỢP SỨC

Cán bộ Đoàn Thanh niên thị trấn Thới Lai đến thăm mô hình chăn nuôi của hội viên. Ảnh: P. L 

Đến tham quan mô hình “Chăn nuôi tập thể” của 5 anh em ruột, là người dân tộc Khmer ở ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai do anh Lâm Sĩ, hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN), làm nhóm trưởng, chúng tôi không khỏi thán phục ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo cũng như tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp nhau giữa những người anh em. Đứng trước dãy chuồng trại được cất san sát nhau để chăn nuôi heo, gà, vịt..., anh Lâm Xinh phấn khởi nói: “Trước đây, do không có vốn làm ăn, lại chẳng biết trồng cây gì, nuôi con gì bán được giá, anh em chúng tôi toàn đi làm mướn kiếm sống nên đời sống rất khó khăn, thiếu thốn, con cái không được học hành tử tế. Cũng nhờ tổ chức Hội LHTN giới thiệu, bảo lãnh vay vốn và hướng dẫn anh em tôi cách làm ăn nên mới có được như hôm nay”. Ngoài chăn nuôi, 5 anh em anh Lâm Xinh làm thêm các công việc khác để tăng thu nhập. Anh Lâm Xinh cho biết thêm: “Hiện giờ, tuy cuộc sống của gia đình 5 anh em chúng tôi đã ổn định, sung túc hơn nhưng chúng tôi còn phải cố gắng rất nhiều, nhất là phải học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi để làm ăn hiệu quả hơn nữa”. Anh Nguyễn Xuân Sang, Bí thư Đoàn ủy thị trấn, cho biết: “Mô hình “chăn nuôi tập thể” của 5 anh em Lâm Xinh, Lâm Triệu, Lâm Mỹ, Lâm Thanh Tùng, Lâm Sĩ được hình thành từ năm 2008, với nguồn vốn vay ban đầu là 35 triệu đồng theo chương trình 120 (nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Chính phủ) bước đầu mang lại kết quả khả quan. Từ chỗ gia cảnh rất khó khăn, đến nay có anh sửa sang nhà cửa khang trang, có anh tập trung lo cho các con được học hành đến nơi đến chốn”. Ban Chấp hành (BCH) Đoàn ủy đang tiếp tục vận động, nhân rộng các mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả, nhằm thu hút ngày càng nhiều đoàn viên, hội viên người dân tộc thiểu số tham gia. Anh Sang cho biết thêm: “Qua tìm hiểu, chúng tôi biết hoàn cảnh của anh em, đa số đều quyết tâm thoát nghèo nhưng gặp khó về vốn và chưa biết ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, chăn nuôi... Chúng tôi mạnh dạn giới thiệu, hướng dẫn hội viên thanh niên dân tộc lập hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện giúp họ tiếp cận với các nguồn vốn vay của Chính phủ”. BCH Đoàn ủy thị trấn Thới Lai cũng thường xuyên phối hợp với các ban, ngành tổ chức những buổi tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, giúp đoàn viên, hội viên thanh niên dân tộc học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chăn nuôi.

Không riêng tổ chức Đoàn thanh niên, các đoàn thể khác trên địa bàn huyện Thới Lai cũng đã và đang nhân rộng nhiều mô hình giúp hội viên dân tộc Khmer xóa đói giảm nghèo. Chị Thạch Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Định Môn, huyện Thới Lai, chia sẻ: “Nhờ được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Hội LHPN huyện, năm 2003 BCH Hội LHPN xã Định Môn đã thực hiện thí điểm mô hình “Vận động phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế gia đình” thông qua việc thành lập “Tổ vay vốn phụ nữ dân tộc” với 30 thành viên. Đến nay đã thu hút 111 hội viên phụ nữ dân tộc tham gia. Các chị được vay vốn phát triển chăn nuôi và mua bán nhỏ, trong số đó có nhiều chị đã vươn lên thoát nghèo”.

Để vận động, tập hợp đông đảo phụ nữ dân tộc Khmer tham gia vào tổ chức Hội cũng như các tổ vay vốn, hùn vốn tiết kiệm, BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã đã chọn, bồi dưỡng những phụ nữ dân tộc Khmer có trình độ học vấn, uy tín tham gia công tác Hội. Bà Đào Thị Kim Liên, người dân tộc Khmer, nhiều năm tham gia công tác Hội, nay đã ở tuổi 60 nhưng bà vẫn nhiệt tình làm tổ trưởng Tổ vay vốn ấp Định Hòa B, xã Định Môn, huyện Thới Lai. Bà Liên tâm sự: “Trong tổ vay vốn do tôi quản lý có 12 phụ nữ là người dân tộc Khmer. Trước kia, đa số đời sống rất khó khăn, chủ yếu do không có vốn, tư liệu sản xuất và kỹ thuật. Đến nay, đa số các chị trong nhóm có cuộc sống ổn định, có chị vươn lên làm giàu”. Trong những buổi họp lệ hàng tháng, các chi, tổ Hội cũng thường xuyên lồng ghép phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hay chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi. Qua đó, tạo điều kiện giúp chị em giao lưu, học hỏi nâng cao hiểu biết và thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó. Cô Đào Thị Sét, hội viên Hội LHPN ấp Định Phước, nói: “Trước đây, tôi đi làm thuê, giờ lớn tuổi, sức khỏe yếu không làm nổi nữa. Nhờ được vay vốn mở tiệm tạp hóa nhỏ và sắm chiếc xe bán nước mía tại nhà, cuộc sống đã ổn định hơn”. Theo chị Thạch Thị Hương, trong năm 2010, Hội LHPN xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tập hợp, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ dân tộc tham gia sinh hoạt và nhân rộng các mô hình ra 8/8 ấp trên địa bàn.

Thực tiễn trên cho thấy, cùng với các chính sách quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer, sự hỗ trợ, giúp sức của các ban ngành, đoàn thể địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo. Tuy cuộc sống của nhiều hộ đồng bào Khmer đã có chuyển biến, khấm khá hơn nhưng hiện nay cuộc sống của một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn khó khăn, đòi hỏi các địa phương phải có những biện pháp giúp đỡ thiết thực, hiệu quả hơn nữa để bà con thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giàu.

Q.TRƯỞNG -P.LAM

Chia sẻ bài viết