23/11/2008 - 10:11

Đô thị hóa nông thôn vùng Nam sông Hậu...

Một ngày cuối tháng 11-2008, tôi có dịp tháp tùng chuyến công tác cùng với các đồng chí lãnh đạo TP Cần Thơ và Ban quản lý dự án Mỹ Thuận khảo sát công trình đường Nam sông Hậu nối từ TP Cần Thơ đến Bạc Liêu. Trước mắt tôi, công trình vẫn còn khá nhiều việc phải làm, nhưng hình hài của một con đường dài gần 150 km nằm cặp sông Hậu đã hiển hiện, hứa hẹn một tương lai phát triển phồn thịnh trên vùng đất màu mỡ này...

KHANG TRANG MỘT CON ĐƯỜNG...

Chính xác đường Nam sông Hậu có tổng chiều dài 147 km, điểm khởi đầu tại TP Cần Thơ đi qua các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Nhưng khi hoàn thành, điểm đầu của nó sẽ nối liền với Quốc lộ 91B (địa bàn TP Cần Thơ) đang thi công và sau khi đến điểm tiếp giáp cuối cùng là thị xã Bạc Liêu sẽ thông ra Quốc lộ 1A. Vào những ngày này, trên công trường đường Nam sông Hậu, khối lượng công việc trước mắt còn khá nặng nề. Phần đường cơ bản đã hoàn thành nền hạ, đang chờ lún để tiếp tục trải đá cấp phối. Riêng đoạn đi qua thị xã Bạc Liêu còn vướng mặt bằng vài đoạn, nên chưa thể thi công nền hạ. Một số đoạn cầu, cống như: Cầu Cái Côn, Hưng Lợi, Cái Trâm, Mương Khai, cống Ông Kinh, Ông Phực, cống Bãi Giá, cống Tầm Vu còn vướng mặt bằng chưa thể thi công được, dù phương tiện, thiết bị phục vụ xây dựng đã sẵn sàng...

Tuyến đường mới mở này sẽ mở ra một tương lai phát triển đầy hứa hẹn. Lão nông Ba Chẹt, nhà gần cầu Cái Côn (huyện Kế Sách, Sóc Trăng), phấn khởi nói: “Hồi trước, ở đây chỉ biết đi lại bằng xuồng, ghe. Còn từ ngày nhà nước làm đường, nhà nào cũng có xe, đi đâu cũng nhanh cấp kỳ. Bà con đang trông chờ mấy cây cầu còn lại xây dựng xong thì đi tới đâu cũng không ngán...”. Trên những đoạn đường vừa làm xong, rất nhiều căn nhà mới đua nhau mọc lên - một sự đổi đời, một sức sống mãnh liệt đang đua nở trên vùng đất này...

Nhưng có lẽ điều khiến người ta bất ngờ hơn là trên vùng đất lau sậy, thuần nông ngày nào dọc theo sông Hậu giờ như đã “lột xác” với hàng loạt nhà máy, khu công nghiệp thi nhau mọc lên. Chỉ một đoạn đường dài khoảng 9 km thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang đã hình thành 2 dự án lớn là Nhà máy đóng tàu Vinashin và Nhà máy giấy đang được triển khai thi công, vốn đầu tư lên đến hàng tỉ đô-la. Rồi các khu dân cư, tái định cư tập trung cũng hình thành dọc theo tuyến đường này. Còn tại những điểm chợ nơi dự án đi qua, ngày nào còn “lèo tèo”, thì nay như được thay da đổi thịt trở nên sầm uất, nhộn nhịp hơn rất nhiều. Trên địa bàn TP Cần Thơ, đường Nam sông Hậu đi qua dài khoảng 9 km, giờ đây các khu đất phát triển như Cảng Cái Cui đã không còn chỗ trống để khai thác mở rộng thêm các dự án mới. Các khu công nghiệp ở Nam Cần Thơ cũng “ăn theo” tuyến giao thông này với khí thế xây dựng khẩn trương để đón đầu ngày công trình Nam sông Hậu hoàn thành...

Lãnh đạo TP Cần Thơ trong chuyến khảo sát công trình đường Nam sông Hậu tại vị trí cầu Hưng Lợi. 

Đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ, cho biết: “Dự án đường Nam sông Hậu hoàn thành sẽ xóa thế độc đạo của tuyến Quốc lộ 1A từ TP Cần Thơ đi Bạc Liêu, Cà Mau. Nó góp phần mở ra tương lai phát triển mới đầy hứa hẹn cho các địa phương nằm theo tuyến sông Hậu. Khi có tuyến đường này, hàng hóa nông sản của bà con nông dân dễ dàng vận chuyển đi các nơi để trao đổi mua bán; người dân có được cơ sở hạ tầng tốt để đi lại thuận tiện...”.

DỒN SỨC CHO CÔNG TRÌNH

Ông Nguyễn Đình Viễn, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, cho biết: “Có thể nói, đường Nam sông Hậu là một trong những công trình được ưu tiên nguồn vốn đầu tư. Đến nay, khối lượng xây lắp đạt khoảng 70%, và đã được giải ngân 63% tương đương 2.200 tỉ đồng (tổng dự toán 2.700 tỉ đồng). Chúng tôi kiến nghị lãnh đạo các địa phương nơi dự án đi qua cố gắng giải phóng mặt bằng hoàn tất, chậm nhất là hết tháng 12-2008, thì công trình sẽ đảm bảo thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 6-2009...”.

Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Tấn Quyên hiện là thành viên của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết: Cuối tháng 11 này sẽ ngồi lại làm việc với những địa phương nơi dự án đi qua đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng nhằm tìm giải pháp tháo gỡ, để giao mặt bằng cho đơn vị thi công... Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, nếu tháo gỡ được gút mắt này và tìm được tiếng nói chung, coi như là một thành công của dự án trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Bởi công trình này, ngoài việc hình thành một tuyến giao thông mới, còn góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cho nhiều địa phương nơi dự án đi qua trong thời gian tới.

Hiện tại, khó khăn về mặt bằng nhiều nhất tập trung trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (dự án đi qua Sóc Trăng dài 117 km). Riêng địa bàn TP Cần Thơ, Đường Nam sông Hậu chỉ đi qua với chiều dài hơn 8 km và hiện chỉ còn vướng mặt bằng ở 2 bên đường dẫn cầu Hưng Lợi. Trong cuộc họp mới đây, lãnh đạo TP Cần Thơ đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải thành phố, quận Ninh Kiều và quận Cái Răng phải tập trung triển khai giải phóng mặt bằng 25 hộ dân còn lại tại đường dẫn cầu Hưng Lợi, chậm nhất là cuối tháng 12-2008 phải đảm bảo có mặt bằng giao cho đơn vị thi công...

Đường Nam sông Hậu hoàn thành có vai trò rất lớn để phát triển TP Cần Thơ và các tỉnh xung quanh trong việc lưu thông hàng hóa, đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương... Hy vọng, bằng sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các địa phương trong thời gian còn lại của 2008 sẽ giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, để công trình hoàn thành đúng kế hoạch vào 30-6-2009...

Bài, ảnh: THIỆN KHIÊM

Chia sẻ bài viết