28/06/2009 - 08:55

Điểm tựa gia đình

Gia đình là tế bào của xã hội. Nơi đó có những người thân yêu cùng ta chia sẻ những buồn vui, nâng bước nhau trong cuộc sống. Nơi đó có những bậc sinh thành một đời tần tảo lo cho con ăn học, nuôi dạy con nên người, là điểm tựa để các con tự tin vững bước vào đời… Nhân ngày Gia đình Việt Nam, chúng tôi đã gặp những gia đình trong số rất nhiều gia đình tiêu biểu luôn ra sức vun đắp, xây dựng “tổ ấm” của mình ngày càng đầm ấm.

 

1. Buổi trưa ở vùng ngoại ô thật yên ắng, gió từ con sông quê thổi vào nhà mát rượi. Bên chiếc bàn kê sát cửa sổ, Trần Hồng Khuyến, ở khu vực Thạnh Phú, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, chăm chú học bài, tra cứu tài liệu. Khuyến cho biết, em dồn sức học, quyết tâm đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp ngành Xây dựng dân dụng, Trường Đại học Cần Thơ. Với Khuyến, ngoài những nỗ lực, phấn đấu của bản thân, gia đình chính là nguồn động viên, là điểm tựa vững chắc cho Khuyến tự tin vươn tới. Khuyến cho biết: “Em chuẩn bị ôn bài thi tốt nghiệp ra trường. Em quyết định lên TP Hồ Chí Minh tìm việc làm để thử sức, tìm cơ hội để phát triển nghề nghiệp. Nếu được vừa làm vừa học thêm càng hay, có thể tự lập và đền đáp công ơn cha mẹ”.

Đang trò chuyện, cô Nguyễn Thị Ngọc Thúy, mẹ của Khuyến, hiện là Hiệu phó phụ trách chuyên môn Trường Tiểu học Thường Thạnh, về tới. Cô đang theo học khóa Cử nhân Tiểu học, do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức tại Trường Cao đẳng Cần Thơ. Trán đẫm mồ hôi, tay lỉnh kỉnh thức ăn, cô Thúy nở nụ cười thân thiện, vui vẻ nói: “Hè đến là tôi đi học suốt, năm nay là năm cuối rồi. Bây giờ, không tự học hỏi, tìm tòi để tích lũy kiến thức sẽ nhanh chóng tụt hậu. Làm lãnh đạo cũng khó mà dạy con cũng không xong. May nhờ có chồng con giúp đỡ, động viên...”.

Nhìn vẻ vui tươi rạng rỡ, ít ai biết cô từng trải qua tuổi thơ khá vất vả. Là con thứ tư trong gia đình 11 anh chị em, cô Thúy, dù rất ham học, nhưng phải nghỉ khi vừa tốt nghiệp THCS để phụ tiếp cha mẹ làm ruộng, buôn bán để lo cho các em. Cô bươn chải, tảo tần, chịu cực rất giỏi. Cô Thúy xúc động, nói: “Dù gia cảnh khó khăn, nhưng anh chị em tôi luôn được cha mẹ giáo dục rất nghiêm từ cách ăn, nết ở, biết lao động, tiết kiệm... nên khi khôn lớn, ai cũng có gia đình, nhà cửa tươm tất”.

Năm 1983, được địa phương giới thiệu, cô theo học khóa đào tạo giáo viên tiểu học ở Sóc Trăng và là giáo viên Trường Tiểu học Thường Thạnh hơn 25 năm qua. Đến năm 1984, cô Thúy kết hôn với thầy Trần Ngọc Phạn, cũng là giáo viên cùng khóa đào tạo và về sống chung với gia đình chồng. Năm 1986, Hồng Khuyến ra đời và 6 năm sau, cô Thúy sinh Hồng Được. Đồng lương giáo viên của vợ chồng cô, cùng với huê lợi ít ỏi từ mấy công đất không đủ trang trải chi tiêu, thầy Phạn phải nghỉ dạy để tập làm ruộng, trồng rẫy, nuôi heo và còn học nghề thợ hồ để thêm thu nhập lo kinh tế gia đình, giúp cô Thúy an tâm giảng dạy. Cô Thúy cho biết: “Thấy anh Phạn cực quá, tôi rất áy náy, mấy lần định nghỉ dạy để phụ lo, nhưng anh không đồng ý, bảo tôi đừng lo lắng gì”. Khi cô Thúy được đề bạt làm hiệu phó chuyên môn, việc ở trường chiếm gần hết thời gian của cô. Cô Thúy xúc động kể về cha mẹ chồng đã phụ cô chăm sóc, dạy dỗ các con, về người chồng thay cô quán xuyến việc nhà, việc rẫy bái và không ngại lao động vất vả để cùng cô tích lũy tiền bạc lo cho các con học hành, về hai cậu con trai ngoan ngoãn, biết tự giác học tập và phụ tiếp mẹ phụng dưỡng ông bà, chăm sóc cha, lo việc cơm nước, nhà cửa...

Nếp nhà, được vợ chồng cô Thúy xây dựng và vun bồi từ khi các con còn nhỏ, đi thưa về trình, kính trên nhường dưới, lễ phép với người lớn và hòa đồng với lối xóm, láng giềng. Tuy cuộc sống còn thiếu thốn, nhưng gia đình cô sống rất thuận hòa, đầm ấm, mọi người thông cảm, san sẻ và choàng gánh công việc cho nhau. Cũng nhờ sự giúp đỡ, chia sẻ của chồng, con, cô Thúy mới có thể theo đuổi các khóa học tập trung, chu toàn việc trường mà không bị phân tâm. Nhưng không vì thế mà cô Thúy xao nhãng vai trò và trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình. Hằng ngày, thói quen của cô là dậy lúc 5 giờ sáng, quét dọn nhà cửa, nấu nước pha trà cho cha chồng, quầy quả đi chợ rồi mới đến trường. Trưa về cùng chồng, con nấu nướng, cả nhà có dịp quây quần bên mâm cơm rất đầm ấm, vui vẻ.

Nhắc đến các con trai, giọng cô Thúy tự hào, ánh mắt tràn đầy yêu thương. Hiểu rõ cha mẹ bận rộn nhiều việc, từ khi còn nhỏ, Khuyến và Được đã biết tự lo, tự học. Nếu như Khuyến điềm đạm, học giỏi, thì Được tuy không giỏi bằng anh nhưng rất nhanh nhạy, khéo léo, sáng tạo, phụ tiếp cha việc nhà để mẹ và anh an tâm công tác, học hành. Dù bận rộn, cô Thúy cũng cố gắng dành thời gian để trò chuyện để qua đó lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các con. Đồng thời, hướng các con đến suy nghĩ và hành động lành mạnh, có ích, biết phân tích và nhận định vấn đề đúng, sai, biết tự nhận và khắc phục khuyết điểm. Cô Thúy cho rằng, có như thế, mai sau mới nên người, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

 

2. Mấy hôm nay, căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Lữ Hồng Đấu và chị Thạch Thị Huệ, ở ấp Trường Tây, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, vắng tiếng cười của cậu con trai Lữ Hồng Thái, học sinh lớp 12 Trường THPT Dân tộc nội trú, ở quận Ô Môn. Thái bận tham gia khóa huấn luyện dân quân tự vệ 10 ngày, do Xã đội tổ chức. Nhắc đến con, chị Huệ vẻ hài lòng: “Tui muốn con trai được học hỏi, rèn kỷ luật quân đội để chín chắn, trưởng thành hơn. Tụi nhỏ khôn lớn nên người, biết tự lo cho bản thân, vợ chồng tui vui lắm...”. Đó cũng chính là lý do chị để con gái đầu lòng Lữ Hồng Anh theo học và phát huy sở trường các môn võ thuật, thể dục thể thao.

Xuất thân từ gia đình nông dân, từ nhỏ vợ chồng chị Huệ đã quen với việc tự lập, bươn chải mưu sinh. Quê ở xã Định Môn, cha mất lúc chị Huệ mới chào đời, mẹ tảo tần làm lụng nuôi 4 chị em học hành, nhờ huê lợi 2 công ruộng bà ngoại cho. Vừa học lớp 9, chị Huệ vừa xin vào làm việc ở Trạm y tế xã Định Môn, được đi học 1 năm khóa y tá hộ sinh. Năm 1981, do gia cảnh và yêu cầu công tác, chị chuyển sang học chương trình bổ túc THPT. Năm 1982, chị về công tác ở Trạm y tế xã Trường Thành và năm 1984 kết hôn với anh Đấu, đang làm thợ sửa chữa bình ắc-qui. Nhà chồng neo đơn, chị Huệ phải nghỉ làm phụ mẹ chồng buôn bán, quán xuyến nhà cửa. Ngước nhìn di ảnh mẹ chồng trang trọng trên vách nhà, chị Huệ xúc động: “Tui nhớ ơn mẹ ruột và mẹ chồng đã chỉ dạy tui đủ nghề, từ chuyện bếp núc, buôn bán đến chuyện chi tiêu vén khéo, tiết kiệm, dung hòa các mối quan hệ trong nhà, ngoài xóm. Vì vậy, sau này, trong những khi gia đình gặp khó khăn, thắt ngặt, tui đều bình tĩnh vượt qua...”. Đó là lúc Hồng Anh còn bé đã mắc bệnh suy thận cấp, phải ra vào bệnh viện liên miên. Mãi đến năm 10 tuổi, Hồng Anh mới dần hồi phục sức khỏe.

Năm 1990, vợ chồng chị ra riêng, khởi nghiệp với vốn liếng mẹ chồng cho là cái nền nhà và 5 phân vàng. Đắp nền nhà, che tạm chòi lá, anh chị bắt đầu mưu sinh đủ nghề, với tâm niệm nuôi 2 con ăn học nên người. Anh Đấu hết làm thợ mộc đến thợ hồ, phụ tiếp chị Huệ buôn bán, nuôi heo, gà. Chị Huệ vừa quán xuyến nhà cửa, chăm sóc các con, vừa là tay hòm chìa khóa, tính toán chi tiêu. Chị Huệ cho biết: “Mấy năm đầu, với kiến thức và kinh nghiệm ngành y, tui bán tủ thuốc tại chợ. Sau do thiếu vốn kinh doanh rồi việc nhà bề bộn, tui mở quầy bán bánh kẹo ở Trường Tiểu học Trường Thành cho đến nay”. Năm 1994, chị Huệ tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ. Nhờ được vay vốn, chị nuôi heo thịt, chịu khó đi lấy cặn cơm ở các tiệm ăn nên tiết kiệm nhiều chi phí chăn nuôi. Mỗi năm, chị Huệ tích lũy được từ 2-4 triệu đồng từ 2 lần bán heo.

Bà con ở đây nói, chị Huệ là người tham công tiếc việc, ít chịu nghỉ ngơi. Mấy tháng hè, việc buôn bán gián đoạn, chị nhận giặt đồ mướn, chăm sóc trẻ mới sinh, phụ nấu chè ngày rằm, lựa phế liệu cho vựa... miễn sao có thêm thu nhập. Theo lời chị Huệ, bây giờ còn khỏe, anh chị cố gắng “cày” để dành dụm lo cho các con học hành, thành tài. Không có tài sản, của cải thì trang bị cho các con kiến thức để vững bước vào đời, có nghề nghiệp nuôi thân.

Giặt và phơi xong thau quần áo, Hồng Anh quay sang vo gạo nấu cơm, chuẩn bị bữa ăn trưa. Giọng Hồng Anh nhỏ nhẹ: “Con ít khi đi chơi, chỉ ở nhà phụ mẹ việc buôn bán, bếp núc. Thấy cha mẹ vất vả, chị em con thương lắm và bảo nhau cố gắng học hành cho cha mẹ vui”. Các con học nội trú cả ngày, chị cũng phân công các con làm việc nhà, thường xuyên chăm sóc, trò chuyện để ông nội vui. Bà Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trường Thành, cho biết: “Gia đình chị Huệ không chỉ tiêu biểu về sự chịu khó, cần cù làm ăn mà còn rất mẫu mực trong việc gìn giữ nếp nhà thuận hòa, nuôi dạy con tốt”.

Chị Huệ nói với chúng tôi về nhiều dự tính: Khi được xã hỗ trợ nhà đại đoàn kết theo Chương trình 134, chị thêm tiền vào để căn nhà tươm tất hơn; dành dụm khoản tiền cho con gái theo học Trung cấp Thể dục Thể thao vào tháng 8 và con trai thi đại học trong năm tới... “Chồng con bình an, khỏe mạnh là hạnh phúc của tui đó”, giọng chị chân thành và ánh mắt đong đầy niềm vui.

 

3. Trong một dịp đến khu vực Thới Thuận, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, chúng tôi nghe bà con kể nhiều về gia đình ông Nguyễn Văn Danh – một gia đình văn hóa tiêu biểu. Chú Thái Văn Liêm, Phó khu vực Thới Thuận, nói: “Với bí quyết “tương kính như tân”, mấy chục năm qua ông Danh và vợ là bà Phan Thị Mai luôn giữ được hòa khí, vượt qua mọi khó khăn, nuôi dạy các con nên người”.

Hôm tôi ghé lại nhà, ông Danh đang đi tuyên truyền, vận động bà con phòng dịch chủ động, diệt lăng quăng, làm vệ sinh môi trường... Bên gian bếp, bà Mai đang chuẩn bị cơm trưa.

- Làm y sĩ, lại là tổ trưởng tổ y tế, ông thường xuyên đi công tác xã hội, bà ở nhà một mình chắc vất vả nhiều?

Nghe hỏi đến công việc của chồng, bà Mai cười thật tươi, đôi mắt hằn sâu những vết chân chim rạng ngời hạnh phúc: “Ông ấy lu bù với công việc, hết vận động phòng dịch chủ động lại đi khám bệnh. Có nhiều bệnh nhân ở xa, đau nhiều, ổng phải đến tận nhà để điều trị... nhưng được cái ổng biết chăm lo cho gia đình. Hễ về đến nhà phụ giúp tôi trông coi ruộng vườn. Bao năm chung sống, tôi rất tin tưởng ông ấy”. Vừa về đến nhà, nghe vợ nói về mình, ông Danh cười sang sảng, góp chuyện: “Thì suốt một đời bà đã tần tảo nuôi dạy các con rồi còn gì, tôi phải có bổn phận, trách nhiệm phụ giúp bà. “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn” mà”.

Qua những câu chuyện kể của ông Danh, bà Mai, cuộc sống khó khăn của đôi vợ chồng trẻ dần tái hiện lại, sống động như mới hôm qua. Cưới nhau năm 1977, mái ấm của hai vợ chồng trẻ ngày ấy chỉ là căn nhà lá nhỏ lụp xụp, trống hoác, gió lộng tứ bề. Đứa con đầu lòng ra đời, cùng với niềm hạnh phúc, cuộc sống gia đình trở nên khó khăn hơn. Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, ông ra ruộng, đi cắm câu, bà ở nhà cần mẫn nuôi heo, chăm sóc con. Tình yêu đã giúp họ vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. Với đồng lương y sĩ ít ỏi, nhiều người đã bỏ nghề đi làm kinh tế, ông vẫn quyết đeo đuổi ngành y, tham gia công tác địa phương. Bởi ông quan niệm, theo nghề trước hết để cứu người, sau đó chính bản thân ông sẽ là tấm gương sáng, động viên các con học tập, cống hiến. Ông kể: “Những năm đầu mới giải phóng, đời sống bà con nơi đây rất khó khăn, nhất là ở các vùng nông thôn bà con mình còn lạc hậu lắm. Nhiều đứa trẻ bị bệnh phải chết oan uổng vì sự thiếu hiểu biết của cha mẹ”. Là một y sĩ, công tác ở tổ y tế, ngày ngày, bước chân ông Danh in dấu khắp đầu làng cuối xóm để vận động mọi người đưa trẻ đi tiêm ngừa, vệ sinh môi trường, đề phòng dịch bệnh. Có hôm trở về nhà, mệt đừ người, tắc cả tiếng nhưng ông vẫn hớn hở khoe với bà rằng có thêm nhiều gia đình chịu đưa con đi chích ngừa...

Để chồng an tâm công tác, bà Mai quán xuyến hết công việc nhà. Dù cả ngày tảo tần trên đồng ruộng, nhưng hôm nào bà cũng dậy thật sớm, nấu cháo trắng, hoặc hấp lại nồi cơm nguội để các con ăn lót dạ trước khi đến trường. Những ngày mưa dầm, đường đất trơn trợt, bà tất tả dắt con đến trường. Đêm đêm, dưới ngọn đèn dầu leo lét, ông ngồi cầm tay con nắm nót từng nét chữ, quạt cho các con khỏi bị muỗi cắn khi học bài. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh, con gái đầu lòng của ông bà, bộc bạch: “Có những bữa cơm chỉ có chén nước tương và dĩa rau luộc, nhưng cha mẹ luôn động viên anh chị em tôi phải nỗ lực học hành. Ngày tôi đậu vào đại học, mẹ tôi mừng rơi nước mắt, còn cha thì đến nhà người quen, bà con hàng xóm mượn tiền để tôi nhập học. Nhớ con, nhưng mẹ tôi cũng không dám lên thăm, bà muốn dành trọn số tiền gửi cho tôi để trang trải việc học. Tình thương và sự dạy dỗ nghiêm khắc của ba mẹ đã giúp chị em tôi không ngừng phấn đấu học tập và rèn luyện để trưởng thành”. Hiện giờ, các con của ông bà Danh, chị Ngọc Thanh, Hải Âu đều trở thành giáo viên. Riêng Hoàng Nam, cậu con trai út đang là sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Các anh chị luôn nhắc nhở nhau làm ba mẹ vui lòng bằng cách giữ “nếp nhà”, ngoan hiền, hiếu thảo. Chị Thanh nói: “Sự cần lao của cha mẹ đã cho chúng tôi tri thức, hình thành cho chúng tôi nhân cách. Ngày nay, dù chị em tôi đã trưởng thành, có người đã lập gia đình và ra riêng, nhưng cha mẹ vẫn thường răn dạy, động viên chúng tôi phấn đấu công tác tốt, tận tụy phục vụ nhân dân... Đó chính là những hành trang quí báu để chúng tôi vững bước vào đời”.

***

 

4. Kể về quá trình phấn đấu trong học tập, công tác của mình, ông Nguyễn Hồng Thám (Hai Thám), Bí thư Chi bộ ấp Mỹ Ái (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền), người vừa được nhận Huy hiệu Bác Hồ, cười thật tươi và quả quyết: “Mình có được ngày hôm nay là có sự hỗ trợ rất nhiều của bà xã. Suốt những năm dài công tác ở địa phương, giữ nhiều chức vụ từ Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch HĐND xã, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã, Bí thư Chi bộ... dù đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống, nhưng bà ấy luôn chia sẻ, động viên để tôi có thêm nghị lực, vượt qua khó khăn, tiến bộ trong công tác”. Nhìn ánh mắt nồng ấm, nụ cười hồn hậu của ông, chúng tôi biết những lời nói ấy chính là những tình cảm chân tình nhất mà ông dành tặng người bạn đời qua hơn 30 năm gắn bó.

Năm vợ chồng ông Hai Thám sinh đứa con gái đầu lòng thì cha ông mất, thương mẹ phải chống chọi với cảnh nghèo khó, đàn con thơ, ông Thám kề vai gánh vác chuyện gia đình. Ngày ngày, sau giờ công tác ở Trạm Y tế xã Mỹ Khánh, ông tranh thủ về nhà canh tác 11 công đất của gia đình, vừa làm lúa, trồng cam quýt để lo cho các em và các con ăn học. Bà Nguyễn Thị Bông, vợ ông, góp chuyện: “Ngày đó, cực khổ lắm, được cái là ổng rất siêng, tranh thủ thăm đồng, chăm sóc lúa vào sáng sớm rồi mới đi làm. Có những mùa thu hoạch lúa lúc sáng trăng, hai vợ chồng tranh thủ thức suốt đêm để đập lúa. Ổng đi làm, tôi thì ở nhà chăm đàn heo và nấu rượu để kiếm đồng vô ra lo cơm gạo hàng ngày”.

Vượt qua những gian lao vất vả, vợ chồng ông Hai Thám quyết tâm thực hiện mục tiêu là lo cho các em, các con ăn học thành tài. Lúc đó, nhà ông Hai Thám ở trong ngọn Rạch Chuối, mùa nước nổi, mưa dầm các con phải bơi xuồng đi học, có hôm bị té, quần áo, tập sách ướt nhem. Thương con, vợ chồng ông quyết định gom góp vốn liếng, vay mượn thêm tiền của bà con mua phần đất nhỏ gần chợ Mỹ Khánh cất nhà để các con đi học cho thuận tiện. Không phụ lòng cha mẹ, 5 người con của ông Hai Thám đều học đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định và thành đạt. Ông tâm sự: “Giờ đây, các con tôi đứa nào cũng có công việc, đứa có gia đình riêng, nhưng vào ngày chủ nhật hàng tuần, chúng đều tề tựu về đây ăn bữa cơm sum họp gia đình. Đây là lúc mọi người trò chuyện, tâm sự, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, để rồi cùng trao cho nhau những lời khuyên chân thành, động viên nỗ lực phấn đấu, trở thành những người hữu ích cho xã hội...”.

Giờ đây, đã 56tuổi, mái tóc đã điểm sương, nhưng với vai trò là Bí thư Chi bộ ấp, ông Hai Thám tiếp tục lãnh đạo chính quyền và bà con trong ấp xây dựng đời sống văn hóa, làm đường, bắc cầu, đẩy mạnh công tác khuyến học, xóa đói giảm nghèo. Mỗi năm, gần đến ngày tựu trường, ông cùng anh em trong ấp lại đi vận động các mạnh thường quân đóng góp tiền mua tập tặng trẻ em nghèo. Bản thân gia đình ông cũng góp vài trăm ngàn đồng cùng chung lo cho các cháu. Nghe đứa trẻ nào bỏ học, ông cùng cán bộ ấp đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân, vừa động viên, vừa kịp thời giúp đỡ để các em được tiếp tục đến trường. Mới đây, ông lại cùng cán bộ ấp vận động bà con cho tre, lá để dừng vách cho căn nhà tình thương của hộ nghèo trong ấp. Điều trăn trở hiện nay của ông là trong ấp vẫn còn 6 hộ nghèo. Ông phân công 3 đồng chí trong Chi ủy phối hợp cùng Ban Nhân dân, Mặt trận, các đoàn thể tìm hiểu từng hoàn cảnh để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp.

***

Trong suốt những câu chuyện miên man về vui, buồn trong quá khứ, hiện tại và tương lai, những người cha, người mẹ bày tỏ ước mơ về sự thành đạt nên người của các con, đối với họ đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Trong từng nếp nhà, dù cuộc sống còn nhiều chông gai, khó khăn, nhưng không hề thiếu tình thương yêu, sự bao dung, vốn dĩ đã tồn tại và được vun bồi từ bao đời nay, trở thành truyền thống quý báu của nhiều gia đình Việt Nam.

ANH PHƯƠNG - NGUYÊN TRÂN - THANH THY

Chia sẻ bài viết