Tiền thân là Trường Lý Tự Trọng khu Tây Nam Bộ (giai đoạn 1962-1975), giai đoạn 1975-1990, đổi tên thành Trường Bổ túc Công nông cấp 3, đến tháng 8-1990, chính thức chuyển thành Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng đến nay. Là một trong những trường chuyên THPT đầu tiên ở ĐBSCL, được xem là "chiếc nôi" nuôi dưỡng, đào tạo nhân tài cho thành phố. 25 năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên, HS nhà trường luôn nỗ lực hoạt động hiệu quả và giữ vững thành tích đạt được.
Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng đã từng nằm trong tốp 100 trường THPT trên cả nước có tỷ lệ HS đậu đại học cao. Năm học 2014-2015, trường có 25 HS đậu thủ khoa ngành các trường đại học và dẫn đầu khu vực ĐBSCL về thành tích HS giỏi quốc gia. Trường vinh dự nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ về thành tích GD&ĐT từ năm học 2009-2010 đến năm học 2013-2014. Với bề dày thành tích như thế nhưng ít ai ngờ rằng, "cơ ngơi" của trường chưa xứng tầm đối với trường chuyên. Khuôn viên trường nhỏ hẹp, thiếu cây xanh, một số phòng học đã bắt đầu xuống cấp; thiếu sân chơi, nơi tập luyện thể dục thể thao... Vấn đề này được nhà trường nhiều lần đề cập trong các cuộc họp thời gian qua. Mới đây, tại cuộc họp giữa lãnh đạo UBND TP Cần Thơ với Ban Giám hiệu trường, khó khăn về cơ sở vật chất tiếp tục được bàn bạc, mổ xẻ. Cô Cao Thị Ngọc Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Hiện nay, trong bối cảnh chung các trường được đầu tư đạt chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất của trường chưa xứng tầm trường chuyên; khu nội trú chưa tiện nghi. Vì vậy, dù trường tích cực quảng bá hình ảnh nhưng chưa đủ mạnh để thu hút sự chú ý của các bậc phụ huynh. Theo thầy Đặng Bảo Hòa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nhiều HS THCS đến tham quan trường ngỡ ngàng khi thấy trường chuyên của thành phố không bằng trường các em đang theo học! Thực tế, hoạt động của trường chuyên khác so với các trường THPT bình thường, vì đòi hỏi mức độ cao; giáo viên, HS dạy và học rất căng thẳng, mới đạt yêu cầu hiệu quả giáo dục. Thầy Hòa bộc bạch: "Tôi có hơn 20 năm công tác tại trường và năm tới nữa thì về hưu nên luôn mong thành phố quan tâm đầu tư xây mới để trường chuyên phát triển đúng vị thế".
Một khía cạnh khác khiến thầy trò nhà trường băn khoăn là chế độ khen thưởng đối với HS đạt giải, cũng như mức thưởng đối với giáo viên có HS đạt giải quốc gia chưa thật sự đột phá. Số tiết dạy kiến thức chuyên theo phân khối chương trình không đủ để trang bị kiến thức cho HS tham gia kỳ thi cấp quốc gia nên giáo viên phải nỗ lực tăng tiết cho HS, với số tiết từ 70-100 tiết/lớp/năm học nhưng không được chế độ bồi dưỡng. Theo cô Cao Thị Ngọc Hà, những năm qua, lãnh đạo thành phố, ngành giáo dục và ban, ngành các cấp quan tâm đầu tư đối với trường như: cấp kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất; tổ chức khen thưởng HS, giáo viên đúng quy định. Tuy nhiên, mức chi hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nên rất cần thành phố có cơ chế đặc thù cho Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng. Cô Hà nói: "Có thể không thu học phí HS ở các lớp chuyên nhằm khuyến khích, thu hút HS giỏi về trường. Đồng thời cấp khoán cho nhà trường gói tiết bồi dưỡng nhóm HS xuất sắc với mức kinh phí mỗi tiết bằng định mức chi cho công tác bồi dưỡng HS giỏi cấp quận, huyện
".
Hiện nay, một số trường THPT chuyên ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước
phát triển rất mạnh, nguyên nhân một phần nhờ sự quan tâm đầu tư và có cơ chế đặc thù. Chẳng hạn ở tỉnh Bình Phước, để khuyến khích HS, trường miễn 100% chi phí ký túc xá của trường; trường được phép tuyển giáo viên trên cả nước... Do đó, để trường nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cấp lãnh đạo thành phố và cơ quan chủ quản. Tại cuộc họp giữa lãnh đạo thành phố với Ban Giám hiệu Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng ngày 30-9 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng nhấn mạnh: Các sở ban ngành liên quan cần phối hợp tháo gỡ khó khăn của Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng; có thể xem xét để đưa nguồn vốn đầu tư xây mới trường vào trung hạn năm 2016, đảm bảo tạo điều kiện để trường hoạt động và phát triển.
NG.NGÂN