20/08/2010 - 21:10

THỰC HIỆN LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ

Để người dân tiếp cận được chính sách chăm sóc sức khỏe

Trong hội thảo “Đại biểu dân cử khu vực ĐBSCL với chính sách, pháp luật về y tế” vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ, nhiều đại biểu đã phản ánh việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) gặp rất nhiều vướng mắc, bất cập...

* Tất cả đều vướng!

Trong quí I/2010, theo báo cáo của Vụ BHYT - Bộ Y tế, đã cấp đổi thẻ BHYT mới cho 45/53 triệu người, trong đó có 6 triệu trẻ em dưới 6 tuổi. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT ước đạt 60%. Có 23 triệu lượt khám chữa bệnh, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2009. Chi phí khám chữa bệnh là 3.900 tỉ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2009. Nhiều tỉnh, thành hỗ trợ chi trả cho người nghèo, bệnh nhân bị bệnh mãn tính như tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ 5% cùng chi trả cho người nghèo, dân tộc thiểu số; TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 15% cùng chi trả cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Bệnh nhân Lê Cà Oanh, ngụ xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang bị tai nạn giao thông, nhưng không có thẻ bảo hiểm y tế, gia đình phải tốn hơn 40 triệu đồng để điều trị. Trong khi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Ảnh: NGỌC DUNG. 

Tuy nhiên, sau một năm Luật BHYT có hiệu lực thi hành, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), cơ sở khám chữa bệnh và người dân đều kêu vướng. Đối với trẻ dưới 6 tuổi, sữa dùng cho trẻ đang điều trị tại bệnh viện không được BHYT thanh toán. Về việc này, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, cho biết: “Chúng tôi cố gắng đưa ra con số tổng hợp để các tổ chức quốc tế hoặc chương trình mục tiêu quốc gia xem xét hỗ trợ sữa dinh dưỡng cho các cháu”. Bà Tống Thị Song Hương cũng thừa nhận việc thực hiện Luật BHYT hiện nay gặp rất nhiều vướng mắc và luôn là đề tài tranh luận sôi nổi ở các cuộc hội nghị, nhất là việc người nghèo, cận nghèo cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh. Bà Tống Thị Song Hương phân trần: “Khi thông qua Luật BHYT, Quốc hội đã bàn bạc rất kỹ mới đi đến quyết định. Sau 1 năm thực hiện, chúng tôi sẽ đánh giá và báo cáo với Chính phủ có nên sửa đổi, điều chỉnh hay không?”. Bên cạnh đó, việc thanh toán BHYT cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông cũng là đề tài được tranh luận sôi nổi. Đại biểu Cao Mỹ Phượng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh, bức xúc nói: “Đa số các trường hợp không thể xác nhận được bệnh nhân có vi phạm pháp luật về giao thông hay không, vì vụ việc thường xảy ra vào ban đêm, đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu và không mang theo tiền. Bệnh viện phải cấp cứu bệnh nhân nhưng không thu được viện phí và cũng không thanh toán với BHXH được, nhất là khi bệnh nhân nặng tử vong hoặc bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, chính sách. Tôi đề nghị nên có một mức đóng bảo hiểm phụ riêng cho tai nạn giao thông và thanh toán cho tất cả các trường hợp, vì đây là việc ngoài ý muốn”.

Tuy nhiên, riêng việc thanh toán cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông cũng có nhiều quan điểm, đề xuất rất khác nhau. Bà Nguyễn Thị Mỹ Phương, Phó giám đốc BHXH TP Cần Thơ, đề nghị: “Đưa tai nạn giao thông ra khỏi diện được BHYT thanh toán, tránh gây chồng chéo trong việc thanh toán tai nạn giao thông giữa nhiều loại hình bảo hiểm như hiện nay”. Ngoài bức xúc về việc thanh toán cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông, bà Cao Mỹ Phượng cũng phản ánh hàng loạt những khó khăn như thủ tục thanh toán BHYT quá nhiều mẫu biểu và mã số bệnh nhân, thủ tục chuyển viện vượt tuyến rườm rà, gây phiền hà cho bệnh nhân; công tác thẩm định chi phí còn chậm, quyết toán không kịp thời nên nợ cơ sở khám chữa bệnh quá nhiều... Việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã, tuyến huyện và tương đương cũng gây tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến quận, huyện. Nhiều đại biểu đề nghị nên cho các phòng khám tư nhân tham gia khám BHYT. Đại diện Sở Y tế tỉnh An Giang cho rằng nhiều trạm y tế còn chưa có bác sĩ, nếu có thì hầu hết là bác sĩ trưởng trạm, bận nhiều công tác, hội họp, y sĩ và nữ hộ sinh thường trực tiếp khám cho bệnh nhân nên không tạo niềm tin cho người dân. Vì thế, bệnh nhân dồn lên tuyến huyện, quận để khám chữa bệnh. Đại diện Sở Y tế tỉnh An Giang đề xuất nên cho các phòng khám bệnh tư nhân được khám BHYT để thuận lợi cho người dân và giảm tải cho các bệnh viện.

* Không đẩy cái khó về phía người dân

Luật BHYT ra đời là bước ngoặt lớn trong việc chăm sóc sức khỏe, bảo vệ quyền lợi người tham gia BHYT. Luật cũng mở rộng khám chữa bệnh xuống tuyến xã và bao gồm cả cơ sở ngoài công lập đã tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh. Ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí mua thẻ BHYT cho người thuộc diện hộ nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn và tối thiểu 50% đối với người cận nghèo, tối thiểu 30% đối với học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, đối tượng tham gia BHYT không tăng so với năm 2009. Năm 2010, đối tượng tham gia BHYT tăng 5 triệu người so với năm trước nhưng không có xu hướng gia tăng ở nhóm người lao động, mà tăng do trẻ em dưới 6 tuổi chuyển từ hình thức thực thanh thực chi sang BHYT nên số lượng thẻ BHYT cấp phát tăng. Thậm chí ở nhóm người cận nghèo, mặc dù ngân sách nhà nước đã hỗ trợ tối thiểu 50% chi phí mua thẻ BHYT, nhưng số lượng người tham gia rất hạn chế. Ở khu vực ĐBSCL, ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, dự án hỗ trợ y tế vùng ĐBSCL cũng hỗ trợ 30% chi phí mua thẻ BHYT, người cận nghèo chỉ đóng 20% nhưng mới chỉ 35% người cận nghèo ở khu vực này tham gia BHYT. Ở nhóm học sinh, sinh viên, đây là đối tượng bắt buộc mua thẻ BHYT, tuy nhiên năm 2010, số lượng học sinh, sinh viên tham gia không nhiều. Nguyên do theo đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Phương, Phó giám đốc BHXH TP Cần Thơ, lý giải: “Năm 2010 thực hiện đồng nhất một mức đóng BHYT, không phân biệt khu vực thành thị hay nông thôn như trước đây, nên học sinh ở khu vực nông thôn khó có điều kiện tham gia. Bên cạnh đó, việc cắt giảm khoản chi hỗ trợ để mua văn phòng phẩm, in ấn, lập danh sách cho các đại lý thu BHYT học sinh, sinh viên nên không ít trường học thiếu mặn mà với công tác vận động học sinh, sinh viên tham gia”. Đại biểu Trần Phong Hên, Phó giám đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: “Số lượng người tham gia BHYT tự nguyện trong nhân dân phần lớn là người có bệnh mãn tính hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao”.

Tất cả những khó khăn trong việc thực hiện Luật BHYT, theo bà Tống Thị Song Hương: “Do công tác tuyên truyền chưa đúng mức, nhiều người dân thiếu thông tin về Luật BHYT, nhiều người còn chưa biết việc cùng chi trả trong khám chữa bệnh. Sự chỉ đạo của chính quyền địa phương và công tác phối hợp liên ngành chưa tốt, công tác quản lý nhà nước về BHYT còn phân tán. Sở Y tế là cơ quan quản lý nhà nước về BHYT nhưng chưa có bộ phận chuyên trách, tham mưu, chỉ có cán bộ kiêm nhiệm”. Ngoài ra, sự phối hợp thiếu nhịp nhàng giữa BHXH Việt Nam và Bộ Y tế cũng làm địa phương rất lúng túng trong thực hiện. Ông Trần Phong Hên, Phó giám đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước về BHYT, BHXH Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, giữa hai cơ quan này ra nhiều văn bản chồng chéo lên nhau”. Ở các địa phương, giữa Sở Y tế và BHXH tỉnh, thành phố lại tiếp tục “vướng”. Bà Cao Mỹ Phượng đơn cử: “Theo quy chế kê đơn trong điều trị ngoại trú của Bộ Y tế, đối với bệnh mãn tính cần chỉ định dùng thuốc đặc trị dài ngày thì kê đơn vào sổ điều trị bệnh mãn tính, số lượng thuốc đủ dùng trong một tháng hoặc theo hướng dẫn của mỗi bệnh. Tuy nhiên, BHXH tỉnh Trà Vinh yêu cầu phải có hồ sơ bệnh án ngoại trú. Quy định này gây khó khăn cho bệnh viện, vì không thể làm hồ sơ bệnh án ngoại trú cho hơn 100 bệnh nhân mãn tính đến khám hàng ngày. Vì thế, bác sĩ chỉ cho thuốc 5 ngày”.

Luật BHYT ra đời với mục tiêu chia sẻ trách nhiệm giữa nhà nước và người dân, giữa cộng đồng với ý nghĩa “lấy số đông bù số ít”, thể hiện tính nhân văn. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: “Về việc cùng chi trả, Chính phủ có hướng hỗ trợ cho người nghèo, bệnh mãn tính không có khả năng chi trả viện phí. Những vướng mắc thủ tục thực hiện Luật BHYT mà các đại biểu phản ánh, tôi nghĩ rằng BHYT có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nên không vì khó mà không giải quyết, đẩy cái khó cho người dân. Nếu để người dân thấy khó, không tham gia BHYT sẽ không tiếp cận được chính sách chăm sóc sức khỏe. Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục tổ chức đoàn chuyên gia rà soát các thủ tục BHYT. Các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cũng tăng cường giám sát việc thực hiện Luật BHYT. Không thể để tình trạng quỹ BHYT lúc nào cũng nằm trong nguy cơ vỡ quỹ mà tình trạng các bác sĩ lạm dụng xét nghiệm vẫn diễn ra”.

Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1-7-2009. Sau một năm triển khai, nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ và như nhiều đại biểu nói người gánh chịu thiệt thòi chính là người bệnh. Nếu các bộ, ngành không nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc này thì mục tiêu BHYT toàn dân khó thành hiện thực như mong muốn.

HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết